Không khoan nhượng trong xử lý vi phạm nồng độ cồn

Đảm bảo an toàn cho người dân mỗi khi ra đường [bài 1]

Chủ Nhật, 12/02/2023, 08:01

Thời gian vừa qua, Bộ Công an đã mở nhiều đợt cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn. Việc kiên quyết xử lý các vi phạm này không chỉ tạo ý thức chấp hành nghiêm pháp luật về ATGT mà còn làm giảm rõ rệt tai nạn giao thông, giảm đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, gây thương tích. Hiệu quả của xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã góp phần giúp người dân sống trong bình yên, an toàn, bớt nỗi lo mỗi khi ra đường.

Năm 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý trên 300 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm khoảng 11% trên tổng số các trường hợp vi phạm TTATGT đã được phát hiện và xử lý. Trong 7 ngày Tết Quý Mão, lực lượng CSGT đã huy động hơn 20 nghìn tổ công tác với hơn 81 nghìn lượt CBCS tổ chức TTKS, xử lý gần 22 nghìn trường hợp vi phạm, trong đó phát hiện, xử lý 7.726 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm tới 35,1% trường hợp vi phạm. Với quyết tâm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an về xử lý vi phạm nồng độ cồn nhằm làm giảm TNGT, lực lượng CSGT đã thường xuyên, liên tục xử lý vi phạm nồng độ cồn, xác định đây là chuyên đề trọng tâm, xuyên suốt, kiên quyết hình thành thói quen "đã uống rượu bia, không lái xe".

k tra cồn.jpg -0
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn góp phần đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Tuần lưu đêm "bắt" vi phạm nồng độ cồn

Những ngày này, thời tiết ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc nồm ẩm ướt, mưa rả rích ướt nhép nhưng các quán nhậu vẫn khá đông khách. Trời mưa, đường trơn rất dễ xảy ra tai nạn, đặc biệt nếu lái xe sử dụng rượu bia, ma tuý thì nguy cơ gây tai nạn cho chính mình và người khác tăng lên gấp bội phần. Chính vì vậy, các tổ công tác của Công an các đơn vị, địa phương vẫn cần mẫn lên đường thực hiện nhiệm vụ, ngăn chặn nguy cơ tai nạn do "ma men" gây ra.

Tại Hà Nội, tối 9/2,  CBCS Phòng CSGT Công an Hà Nội vẫn thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch, vừa cắm chốt vừa tổ chức tuần tra lưu động để kịp thời phát hiện xử lý mọi sự cố về giao thông cũng như xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Nhiều tuyến đường như Phạm Hùng, Nguyễn Hoàng, Lê Đức Thọ, Cầu Giấy, Hồ Tùng Mậu đều được tổ công tác liên tục tuần tra. Đối với bất cứ trường hợp nào có dấu hiệu sử dụng rượu bia nhưng vẫn lái xe đều lập tức được yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra. Việc kiểm tra được thực hiện nhanh chóng bằng test nhanh của máy đo nồng độ cồn. Tài xế chỉ cần thổi một lượng hơi nhỏ vào phễu kiểm tra, máy sẽ báo kết quả có phát hiện cồn hay không. Sau khi xác định tài xế đã sử dụng rượu bia, lực lượng CSGT sẽ chuyển sang chế độ định lượng để cho ra kết quả.

Khoảng 21h30, tổ tuần tra lưu động bằng mô tô chuyên dụng phát hiện một đôi nam nữ đi trên xe ô tô mang BKS: 30H-071.XX có dấu hiệu vi phạm luật giao thông nên đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả cho thấy, tài xế N.V.C, SN 1989; trú tại Hà Nội vi phạm ở mức 0,211 mg/L khí thở. Nhìn thấy kết quả nồng độ cồn của mình, tài xế C thừa nhận mình đã uống rượu nhưng vẫn lái xe vì nghĩ quãng đường di chuyển về nhà ngắn và trời tối, lại mưa thì CSGT không đi tuần tra. Theo quy định, tài xế C bị phạt là 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Trường hợp của ông T.V.H, SN 1952, điều khiển xe máy mang BKS: 29C1-135.XX bị tổ công tác yêu cầu dừng xe trên đường Lê Đức Thọ khi vừa từ nhà con gái về. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn cho thấy ông T.V.H vi phạm ở mức 0,377 mg/L khí thở. Ngồi làm việc với cán bộ CSGT, ông H  thở dài, cho biết trước đó có uống một lon bia ở quán nước gần nhà con gái rồi ra về. Ông cũng nghĩ uống vậy là không quá nhiều nên vẫn có thể chạy xe an toàn và nếu có bị kiểm tra thì cũng không thể lên được, nào ngờ… Ngoài vi phạm nồng độ cồn, ông H cũng không có GPLX và không có đăng ký xe. Với các lỗi trên, ông T.V.H bị phạt tiền 7 triệu đồng, tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.

Đặc biệt, tại TP Bắc Giang, 1 tài xế bị xử phạt tới 2 lần vì vi phạm nồng độ cồn. Đó là tài xế Nguyễn Văn Kh, SN 1972, trú tại phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang. Tài xế này điều khiển ôtô 7 chỗ BKS 30L-7378 vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,855 mg/lít khí thở (vượt hơn 2 lần mức xử phạt kịch khung là 0,4 mg/lít khí thở). Sau khi bị kiểm tra, phát hiện vi phạm, anh Kh đã không ký biên bản vi phạm hành chính và các giấy tờ liên quan.

Căn cứ quy định của pháp luật, tổ công tác đã mời người làm chứng, lập biên bản vi phạm, tạm giữ xe để xử lý theo quy định. Với lỗi vi phạm nồng độ cồn, GPLX khi điều khiển phương tiện, anh Kh bị xử phạt 46 triệu đồng. Trước đó, tháng 9/2021, anh Kh điều khiển ôtô lưu thông trên đường Hùng Vương trong tình trạng say rượu, bị tổ công tác Đội CSGT Công an TP Bắc Giang phát hiện. Tuy nhiên, anh này đã bất hợp tác nên bị lập biên bản vi phạm hành chính. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt anh Kh 35 triệu đồng về lỗi không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn; tước quyền sử dụng GPLX 23 tháng.

Không khoan nhượng trong xử lý vi phạm nồng độ cồn -0
Lực lượng chức năng  kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe.

Không khoan nhượng với vi phạm

Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), từ 15/12/2021 đến 15/12/2022, cả nước xảy ra 350 vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do rượu bia, làm chết 214 người, bị thương 268 người. Như vậy, chỉ vì rượu bia mà hàng trăm gia đình phải lâm vào cảnh con mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ mất con. Bên cạnh đó, cũng ngần đó gia đình có người vướng vào lao lý, lái xe mất đi tương lai và phải trả giá đắt cho hành vi của mình. Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo ATGT, đảm bảo an toàn cho người dân mỗi khi ra đường.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong bối cảnh đất nước phát triển hiện nay, việc kéo giảm TNGT là rất khó nhưng lực lượng Công an có quyết tâm chính trị rất cao, chung sức, chung lòng hành động toàn xã hội sẽ làm được. Thực tế dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã cho thấy, xử lý nghiêm tình trạng sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông không chỉ giảm tai nạn mà còn giảm hẳn việc đánh cãi nhau, gây thương tích.

"Tôi đã trao đổi với lãnh đạo một số bệnh viện lớn, các đồng chí Giám đốc đều cho rằng, tai nạn giao thông, đánh nhau gây thương tích trong Tết Quý Mão giảm rõ rệt so với những năm trước. Hiệu quả đã rất rõ, chính vì vậy, chúng ta phải xây dựng cho người dân có thói quen uống rượu bia xong không được lái xe tham gia giao thông, xây dựng được thói quen chấp hành pháp luật về giao thông. Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn sẽ là nhiệm vụ xuyên suốt trong năm 2023 và những năm tới. Đây là mệnh lệnh, kế hoạch chiến đấu của lực lượng CAND" - Thứ trưởng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, năm 2023, lực lượng CSGT xác định chuyên đề trọng tâm, xuyên suốt là xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Theo đó, lực lượng chức năng tại các địa phương sẽ xử lý thường xuyên, quyết liệt và kiên quyết hình thành thói quen "đã uống rượu bia không lái xe", chấn chỉnh người tham gia giao thông và lực lượng thực thi công vụ để đảm bảo "thượng tôn pháp luật".

Đối với các vi phạm nồng độ cồn, lực lượng CSGT không khoan nhượng, không để can thiệp xin tha, kiên quyết xử lý vi phạm. Điển hình như tài xế Nguyễn Văn Kh, trú tại phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang kể trên, mặc dù không ký vào biên bản, nhưng lực lượng chức năng vẫn kiên quyết xử phạt theo đúng quy định của pháp luật. Hay như trường hợp tài xế Nguyễn Văn H, trú ở TP Bắc Ninh, khi bị lực lượng CSGT kiểm tra, anh H đã gọi điện thoại cho người thân nhờ xin nhưng lực lượng chức năng kiên quyết xử lý.  Hoặc trường hợp tài xế N.T.T, SN 1969, trú tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ bị tổ công tác Y13/141 của Công an TP Hà Nội kiểm tra, đã thừa nhận 

"Tôi có uống một chút bia, rượu, bây giờ mà thổi thì lên nồng độ cồn. Tôi xin các bạn… bỏ qua lần này". Sau đó, người đàn ông này liên tục cầm điện thoại để gọi điện cho người quen nhờ vả, tuy nhiên các cán bộ, chiến sĩ Tổ công tác từ chối nghe máy. Sau khoảng 20-30 phút "câu giờ", ông T. mới chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn và cho kết quả 0,316 mg/1 lít khí thở. Với vi phạm này, ông T. bị xử phạt từ 4-5 triệu đồng, tước GPLX 16-18 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày. 

Hay như tài xế N.Đ.H. điều khiển ôtô mang BKS 30K -12xxx bị Tổ công tác Y1/141, Công an TP Hà Nội phát hiện vi phạm nồng độ cồn ở mức "kịch khung". Thay vì chấp hành, tài xế H. mạo danh cán bộ, tự xưng đang công tác ở cơ quan cấp Bộ để xin bỏ qua vi phạm. Không xin được, nam tài xế còn xô đẩy, chống đối lực lượng chức năng. Nam tài xế V.P.A. vi phạm nồng độ cồn cao gấp 3 lần mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP thì tự xưng là đội phó cơ động để xin bỏ qua vi phạm và "hù dọa" lực lượng CSGT. Tuy nhiên, người đàn ông này vẫn bị tổ công tác lập biên bản xử phạt.

Qua tổng hợp của lực lượng CSGT thì số lượng các trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức 3 (mức tối đa: trên 0,4 mg/1 lít khí thở theo quy định tại Nghị định 100 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123 năm 2021 của Chính phủ) chiếm khoảng 30% trong số các trường hợp vi phạm nồng độ cồn được phát hiện, xử lý. Với mức nồng độ cồn trong hơi thở cao hơn 0,4 mg/1 lít khí thở, khi đó tinh thần, hành vi của người điều khiển phương tiện sẽ không còn tỉnh táo để nhận biết và xử lý chính xác các tình huống giao thông, vì vậy nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên hoàn, nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng là rất cao.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội TTKS giao thông số 1, Phòng 8, Cục CSGT cho biết, việc người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn, say rượu, bia dẫn đến không kiểm soát được tinh thần, hành vi đã kéo theo nhiều vi phạm khác cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông như: vi phạm tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh vượt sai quy định; không chấp hành tín hiệu giao thông, đi vào đường ngược chiều.... Việc không kiểm soát được tinh thần, hành vi cũng là nguyên nhân dẫn đến một số trường hợp vi phạm, đối tượng có hành vi cản trở, chống đối, không hợp tác, không chịu đo nồng độ cồn khi được yêu cầu kiểm tra, xử lý, thậm chí còn gây ra các vụ chống người thi hành công vụ thời gian qua khiến dư luận rất bức xúc, lên án (chúng tôi sẽ nêu ở phần sau).

Phương Thuỷ
.
.
.