Cục Đăng kiểm Việt Nam bàn cách gỡ “ùn tắc” dịp cuối năm
Chiều 19/10, Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình hoạt động kiểm định xe cơ giới, đề xuất các giải pháp phòng ngừa nguy cơ ùn tắc phương tiện kiểm định và tiếp tục triển khai thưc hiện Nghị định số 30/2023/NĐ-CP.
Với việc hàng loạt đăng kiểm viên bị khởi tố, mặc dù đã được bổ sung nhưng vẫn còn thiếu hụt rất nhiều, Cục Đăng kiểm Việt Nam nhìn nhận, nếu không có các giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, nguy cơ tái diễn ùn tắc đăng kiểm xe cơ giới ở hàng loạt các tỉnh, thành sau khi thời hạn giãn kiểm định kết thúc. Cũng tại hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành cũng đã đưa ra một số giải pháp để giúp khắc phục nguy cơ ùn tắc.
Ùn tắc đăng kiểm có thể tái diễn vào tháng 12 và tháng 7 năm sau
Nhìn lại sau hơn 5 tháng thực hiện Nghị định 30 của Chính phủ, đặc biệt là Thông tư 08 về giãn thời gian đăng kiểm, ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bày tỏ: Với các giải pháp cấp bách, đặc biệt là sự giúp đỡ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan, từ cuối tháng 6/2023 đến nay tại các trung tâm đăng kiểm cơ bản hết ùn tắc. Tuy nhiên, với số liệu khách quan, cộng với hoạt động đăng kiểm gia tăng, trong thời gian tới nếu không chuẩn bị tốt, hiện tượng ùn tắc có thể sẽ lại diễn ra ở 31 địa phương.
“Làm thể nào để tránh tái diễn ùn tắc đăng kiểm vào dịp tháng 12/2023 và tháng 7/2024 tới đây, chúng tôi mong muốn được nhận ý kiến trực tiếp từ lãnh đạo các Sở Giao thông Vận tải (GTVT), các trung tâm đăng kiểm, các đơn vị cung cấp thiết bi…”, ông Thắng cầu thị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Hoà An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho hay: Chắc chắn TP Hồ Chí Minh sẽ tái diễn ùn tắc trong đăng kiểm. Thực tế, mỗi ngày thành phố có khoảng 150-200 xe mới đăng kiểm, nhưng xe hết hạn sẽ nóng lên trong thời gian tới. Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đang tập trung hết sức để tìm nguồn nhân lực bổ sung vì 3 trạm của Sở có 14 đăng kiểm viên đều bị truy tố. Những anh em còn lại đang làm với tâm thế rất buồn, chán nản song vẫn phải phục vụ người dân. Xét về tổng thể, từ Nghị định 30/2023 trở lại đây, chúng ta thay đổi 180 độ về phương thức quản lý. Trước Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý hết các khâu nhưng nay giao về các Sở GTVT. Khi tiếp nhận Sở xoay không kịp, rất khó khăn trong việc tổ chức quản lý.
Trước khó khăn này, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi Cục Đăng kiểm đề nghị xin tập huấn cán bộ của Sở nhưng từ tháng 8 đến nay chưa thấy Cục Đăng kiểm phản hồi, mong cục sớm giúp các địa phương để địa phương chủ động hơn trong công việc. Đề nghị, cần thay đổi tiêu chuẩn về trạm đăng kiểm. Ví như với TP Hồ Chí Minh, để hình thành trạm đăng kiểm mà cần 1.200m2 đất, thì là rất khó. Sở đã kêu gọi các doanh nghiệp vận tải vào cuộc, nhưng họ cũng nói không làm được. Bên cạnh đó, việc tăng phí đăng kiểm là cần thiết là đúng, chứ chờ sang tháng 7 năm 2024 thì lâu quá.
Tương tự, đại diện Sở GTVT Hoà Bình cũng bày tỏ nỗi lo trung tâm đăng kiểm duy nhất của tỉnh phải tạm dừng hoạt động do có đăng kiểm viên sắp bị đưa ra xét xử trong thời gian tới. Theo quy định, nếu có án treo thì đăng kiểm viên không được hoạt động nữa. Như vậy, sẽ rất khó với Sở GTVT Hoà Bình. Sở chỉ mong có quy chế, để Sở có thể ký được hợp đồng với ít nhất một đăng kiểm viên để phục vụ công tác đăng kiểm.
Không chỉ có các tỉnh nói trên, tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở GTVT các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… cũng bày tỏ lo lắng về vấn đề ùn tắc đăng kiểm trong thời gian tới và những khó khăn mà đơn vị đang phải đối mặt.
Đề xuất tăng giá dịch vụ để giảm tiêu cực
Trước nỗi lo của các địa phương, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Giá này đã ban hành cách đây 10 năm, cho đến giờ đã thay đổi nhiều. Nếu không điều chỉnh mức giá này, việc chúng ta muốn thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn cao cũng sẽ rất khó.
Được biết, Cục Đăng kiểm đã làm việc với Bộ Tài chính, Bộ GTVT, nhưng hẹn đến tháng 7 sang năm mới điều chỉnh thì quá muộn. Cần tăng sớm hơn, cần tăng 100.000đ -200.000đ tuỳ từng loại xe. Việc tăng này sẽ không là gì so với việc chủ xe đi mà phải chờ đợi cả ngày chưa đăng kiểm được. Ngoài việc tăng giá, đại diện Hiệp hội Vận tải ôtô đề nghị có cơ chế tài chính cho phép trạm đăng kiểm làm tăng thời gian trong ngày. Làm thêm trong hai ngày nghỉ thứ 7, Chủ nhật, tuỳ từng địa phương lựa chọn. Nếu làm ngoài giờ cũng cần có chế độ chính sách cho anh em, tăng thêm lương và khoảng 20% phí dịch vụ.
Để chủ động phòng ngừa tình trạng ùn tắc phương tiện đến kiểm định vào các tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024, ông Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Cục đã tổ chức đánh giá nghiệp vụ đối với đăng kiểm viên đã đủ điều kiện theo quy định và đến nay cấp giấy chứng nhận lần đầu cho 207 đăng kiểm viên xe cơ giới. Mặc dù liên tục tổ chức các đợt đánh giá, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, đánh giá ngoài giờ vào buổi tối..) cho học viên mới, Cục Đăng kiểm dự kiến năm 2023 cả hệ thống mới bổ sung được khoảng 300 đăng kiểm viên mới. Đến giai đoạn từ tháng 5/2024 mới bắt đầu có thêm đăng kiểm viên mới (mỗi tháng dự kiến có thêm khoảng 50 học viên đủ điều kiện để được đánh giá công nhận) thì tính đến hết năm 2024 và sang đầu năm 2025 mới có khoảng gần 350 đăng kiểm mới được công nhận.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay trên cả nước có 271/288 trung tâm đăng kiểm với 435/536 dây chuyền kiểm định đang hoạt động với công suất phục vụ số lượng phương tiện đến kiểm định trung bình đạt yêu cầu tối thiểu một tháng là 626.400 phương tiện (trong khi số lượng phương tiện kiểm định ở tháng cao nhất trong thời gian tới tháng 7/2024 là 503.276 phương tiện). Do việc phân bố mật độ các trung tâm đăng kiểm không đồng đều về mặt địa lý dẫn đến có chỗ thiếu, chỗ thừa nên dự báo trong thời gian sắp tới khi các phương tiện thuộc nhóm đối tượng được áp dụng áp dụng chu kỳ kiểm định mới được tự động áp dụng chu kỳ mới, cùng với việc số lượng các phương tiện tạm dừng hoạt động trước đây nay thực hiện kiểm định trở lại thì tình trạng ùn tắc có nguy cơ tái diễn tại 31 địa phương như: Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Trà Vinh…