Công ty vận tải tự đo nồng độ cồn cho tài xế trước và sau khi lái xe

Thứ Năm, 01/06/2023, 12:45

Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) đã thử nghiệm áp dụng máy phân tích nồng độ cồn và đào tạo, giúp thay đổi nhận thức của tài xế, đưa số ca tai nạn khi lái xe có nồng độ cồn về 0.

Thông tin trên được đại diện Tổng công ty vận tải Hà Nội đưa ra tại Hội thảo Hướng tới mục tiêu “ Đã uống ruợu bia, không lái xe” trong xã hội giao thông Việt Nam do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức. Đây là một trong những hoạt động lớn nhất của Dự án khảo sát hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có tên "Dự án hỗ trợ ngăn ngừa người lái xe khi có nồng độ cồn nhằm mục tiêu phòng chống tai nạn (Thông qua vận hành thiết bị và hỗ trợ giáo dục)", đang được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Công ty Tokai Denshi Inc. triển khai từ tháng 12-2021.

Công ty vận tải tự đo nồng độ cồn cho tài xế trước và sau khi lái xe -0
Thử nghiệm sử dụng thiết bị đo nồng độ cồn.

Trong Dự án khảo sát này, Công ty Tokai Denshi đã phổ biến hệ thống phát hiện nồng độ cồn để ngăn ngừa tình trạng lái xe khi có nồng độ cồn cho các công ty vận tải, dựa trên kinh nghiệm đã có tại Nhật Bản, qua đó hỗ trợ vận hành để ngăn ngừa tình trạng lái xe khi có nồng độ cồn, đồng thời hỗ trợ đào tạo về phòng ngừa việc người lái xe uống rượu, qua đó giúp thay đổi nhận thức của nhân viên lái xe thuộc các công ty vận tải về chống lái xe khi có nồng độ cồn.

Bên cạnh việc đề cập tới kết quả thử nghiệm sử dụng thiết bị đo nồng độ cồn tại Việt Nam, Hội thảo còn giới thiệu các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại Việt Nam và các biện pháp ngăn chặn lái xe khi có nồng độ cồn tại Nhật Bản. Công ty Tokai Denshi Inc. là nhà sản xuất chuyên về máy đo nồng độ cồn, với tệp khách hàng chính là các công ty vận tải (hãng hàng không, đường sắt, xe buýt, taxi và xe tải…) với khoảng 20.000 công ty cùng số lượng bán hàng lên đến 90.000 thiết bị, chiếm thị phần hàng đầu tại Nhật Bản.

Tại hội thảo, Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) chia sẻ: Từ năm 2019, Tổng công ty Vận tải Hà Nội Transerco đã trang bị công cụ hỗ trợ kiểm tra nồng độ cồn của lái xe cho Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ và các đơn vị hoạt động xe buýt. Quy trình, quy định về kiểm tra nồng độ cồn của lái xe trước khi lái xe phục vụ hành khách cũng gấp rút được doanh nghiệp này xây dựng và triển khai tới tất cả các đơn vị. Cùng với đó, Transerco cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cho lái xe về các hành vi nghiêm cấm khi lái xe và làm việc như: sử dụng ma túy và các chất gây nghiện, uống rượu bia trước khi lái xe. Tuyền truyền đảm bảo toàn bộ lái xe biết và hiểu rõ tác hại của ma túy và rượu bia đối với nghề vận tải. Đánh giá dự án thử nghiệm về đào tạo phòng ngừa lái xe khi say rượu và áp dụng thiết bị kiểm tra nồng độ cồn tại các doanh nghiệp xe buýt, đại diện phía Transerco cho biết, kết quả thử nghiệm áp dụng máy phân tích nồng độ cồn và đào tạo trong dự án, đã giúp thay đổi nhận thức của người lái xe, đưa số ca tai nạn khi lái xe có nồng độ cồn về 0.

Đại diện Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết: "Chúng tôi thấy rằng hoạt động sử dụng máy đo nồng độ cồn trước và sau khi lái xe có hiệu quả trong việc thay đổi ý thức của người lái xe. Các biện pháp này giúp ngăn chặn tình trạng lái xe khi có nồng độ cồn, đồng thời cải thiện hình ảnh của các nhà điều hành doanh nghiệp".

Tại Việt Nam, cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, số vụ tai nạn giao thông ngày càng gia tăng cao. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông là do lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn. Từ năm 1997, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và các Ủy ban An toàn Giao thông ở mỗi tỉnh nhằm kiểm soát nghiêm ngặt về an toàn giao thông. Tuy nhiên, trong những năm gần đây vẫn liên tục xảy ra những vụ tai nạn có người tử vong do lái xe có nồng độ cồn. Tình trạng này đã trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng. Từ năm 2020, người điểu khiển phương tiện giao thông lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn bị xử phạt nặng hơn, tuy nhiên vẫn cần có những nỗ lực hơn nữa để xóa bỏ tình trạng lái xe khi có nồng độ cồn trong tương lai.

Phạm Huyền
.
.
.