Chính thức thông hầm đường sắt Bãi Gió sau hơn 9 ngày bị sự cố sạt lở
Sau hơn 9 ngày huy động tối đa nhân lực, phương tiện thiết bị kỹ thuật nỗ lực khắc phục sự cố sạt lở hầm Bãi Gió trên tuyến đường sắt xuyên Việt qua địa phận xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), đến 18h08’ chiều nay (21/4), hầm Bãi Gió đã chính thức thông tuyến.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Trần Việt Tùng, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang cho biết, trước đó vào lúc 17h25’ chiều 21/4, đoàn tàu công trình mang số hiệu C9582 do đầu máy D13E-708 vận hành đã tiến hành thử tải, thông xe kỹ thuật qua hầm Bãi Gió bảo đảm an toàn.
Đến 18h08’ cùng ngày, đoàn tàu hàng mang số hiệu HH84 do đầu máy 940 kéo 18 toa xe hàng có tổng tải trọng 847,2 tấn từ ga Đại Lãnh đã thông tuyến qua hầm Bãi Gió, sau đó đến lượt đoàn tàu khách SE8 hành trình Sài Gòn – Hà Nội chạy qua hầm.
Báo cáo của ông Phạm Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên gửi Chủ tịch UBND, Ban An toàn Giao thông tỉnh Phú Yên cùng các cơ quan chiều tối 21/4 cho biết, lúc 17h50' cùng ngày, đoàn tàu khách SE21 đã rời ga Tuy Hòa (Phú Yên) và là đoàn tàu khách đầu tiên trong hành trình Hà Nội - Sài Gòn chạy qua hầm Bãi Gió sau khi thông xe kỹ thuật.
Như Báo CAND đã thông tin, hầm Bãi Gió nằm trong cung đoạn đèo Cả nối liền hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa, có chiều dài 393,72m, được xây dựng và khai thác vận tải từ năm 1936. Trưa 12/4, trong lúc liên danh Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô, Công ty CP Tổng Công ty công trình đường sắt, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Công trình 3 đang thi công kiên cố hóa hầm Bãi Gió nằm trong gói thầu 11A thuộc Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên trong đoạn đường sắt Vinh – Nha Trang thì xảy ra sự cố sạt lở.
Kết quả khảo sát thực tế tại hiện trường, các chuyên gia nhận định, nguyên nhân gây ra sự cố sạt lở có thể do hầm Bãi Gió đã sử dụng 88 năm, địa chất đồi núi khu vực này phức tạp, các tầng đá lâu năm đã bị phong hóa, kết hợp tác động bất thường của thời tiết nắng, mưa, giông gió... khiến cho đất đá rời rạc, không còn kết dính. Thậm chí, khi các nhà thầu triển khai khắc phục sự cố sạt lở đầu tiên thì trong ngày 13 và 14/4, tái diễn tình trạng sạt lở, khiến cho thời gian ách tắc đường sắt kéo dài.
Ngoài các nhà thầu thi công kiên cố hầm Bãi Gió, hoạt động thi công khắc phục sạt lở còn có sự tham gia của Công ty Sông Đà 10, Công ty CP đường sắt Phú Khánh. Gần 200 công nhân, kỹ sư luân phiên thi công “ba ca, bốn kíp” xuyên suốt ngày đêm.
Giải pháp kỹ thuật triển khai 39 mũi khoan, trong đó có 2 mũi khoan xuyên từ sườn núi xuống và 37 mũi khoan bên trong hầm đã được thực hiện để bơm bê tông áp lực cao, tạo sự kết dính ổn định tại các vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Bê tông bơm vào các mũi khoan kết dính đến đâu thì lắp đặt các khung sắt chống đỡ trần hầm và phun bê tông gia cố, đồng thời thu dọn đất đá sạt lở đến đó.
Mặc dù quá trình khắc phục sự cố sạt lở vấp phải rất nhiều khó khăn, do tình trạng sạt lở xảy ra 3 lần, không gian trong hầm hẹp, không thể huy động nhiều công nhân và thiết bị kỹ thuật cùng một lúc, ánh sáng thiếu, oxy loãng… Trong khi đó các đơn vị thi công phải cẩn trọng tính toán các phương án, biện pháp xử lý kỹ thuật đảm bảo an toàn lao động đối với công nhân, thiết bị kỹ thuật cùng với chất lượng gia cố vỏ
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Trần Vĩnh Duy, Trưởng phòng chăm sóc khách hàng Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang cho biết, xuyên suốt hơn 8 ngày phong tỏa hầm Bãi Gió để khắc phục sự cố, đến 18h chiều 21/4, đơn vị này đã huy động hàng trăm lượt xe ô tô khách đến hai ga Giã ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) và ga Tuy Hòa ở phường 2, TP Tuy Hòa (Phú Yên) để chuyển tải 30.007 hành khách đi trên 110 đoàn tàu khách trong hành trình Sài Gòn – Hà Nội, Sài Gòn – Đà Nẵng và ngược lại.