Chậm giải ngân bồi thường và tái định cư dự án cao tốc qua Phú Yên
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam ở phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên có tổng chiều dài hơn 90km đi qua các huyện Tuy An, Phú Hòa, Tây Hòa; thị xã Sông Cầu, Đông Hòa và TP Tuy Hòa.
Trong đó, hơn 41,2km nằm trong tuyến Quy Nhơn – Chí Thạnh do Ban Quản lý dự án (QLDA) 85 - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư; hơn 48km nằm trong tuyến Chí Thạnh – Vân Phong do Ban QLDA 7 - Bộ GTVT làm chủ đầu tư.
Theo Sở GTVT tỉnh Phú Yên, đến đầu tháng 10/2023, các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư 86,58km, đạt 96,08%. 5.116 hộ gia đình, tổ chức bị ảnh hưởng đã được kiểm đếm, kiểm kê, đạt 100%. Theo dự kiến có 377 hộ gia đình thuộc diện tái định cư tại 12 khu với tổng diện tích 18,33ha, 2.960 ngôi mộ phải di dời cải táng.
Tuy nhiên đến nay chỉ mới có 4 khu tái định cư ở huyện Tây Hòa, huyện Phú Hòa và thị xã Đông Hòa đã được xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 với tổng diện tích 8.485m2, còn lại 7.168m2 đang tiếp tục giải phóng mặt bằng để xây dựng. 8 khu tái định cư khác ở huyện Tuy An, thị xã Sông Cầu chậm triển khai thi công xây dựng do vấp phải khó khăn về trình tự, thủ tục khai thác vật liệu đất đắp nền và thủ tục giải quyết hoán đổi đất của các hộ gia đình bị ảnh hưởng khi xây dựng khu tái định cư.
Theo cam kết của UBND huyện Tuy An và UBND thị xã Sông Cầu, 8 khu tái định cư còn lại ở hai địa phương này sẽ xây dựng hoàn thành trong tháng 10 và 12/2023. Bên cạnh đó, 2.939 ngôi mộ trên toàn tuyến cũng đã được di dời cải táng, đạt 99,2%.
Đối với hạ tầng kỹ thuật, trong tổng số 299 trụ tải điện cao thế phải di dời đã được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương thẩm định và chấp thuận, nhưng việc di dời còn chậm do công trình có kết cấu kỹ thuật phức tạp, kinh phí lớn, phải rà soát kỹ về đơn giá, dự toán gói thầu.
Mặt khác, thời gian lấy ý kiến thẩm định hồ sơ thiết kế với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương chậm hơn so với dự kiến, một số trụ điện nằm trong hành lang đường bộ cao tốc nên phát sinh thủ tục thỏa thuận với Bộ GTVT…
Theo ông Phạm Văn Tiến, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, tổng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng để thi công dự án đường cao tốc qua địa phận tỉnh Phú Yên khoảng 1.948 tỷ đồng, trong đó phần di dời công trình hạ tầng kỹ thuật 560,8 tỷ đồng, phần xây dựng 12 khu tái định cư 286 tỷ đồng và phần bồi thường khoảng 1.101 tỷ đồng.
Đến giữa tháng 10/2023, tổng nguồn kinh phí đã cấp 1.948 tỷ đồng, nhưng chỉ mới giải ngân 787 tỷ đồng, đạt 40,4%. Nguyên nhân giải ngân nguồn vốn bồi thường, giải phóng mặt chậm hơn so với kế hoạch dự kiến là do việc triển khai thi công các khu tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật lưới điện chưa đảm bảo theo kế hoạch.
Vì thế UBND tỉnh Phú Yên đang quyết liệt chỉ đạo các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành các khu tái định cư, khẩn trương di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đồng thời phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng các trường hợp còn lại. Mặt khác, để giải quyết nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng đoạn qua địa phận Phú Yên trong tuyến Quy Nhơn - Chí Thạnh còn thiếu gần 305,7 tỷ đồng, ngày 28/9/2023, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT, Ban QLDA 85 sớm xem xét, giải quyết.
Đề cập đến mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thi công đường cao tốc, ông Phạm Văn Tiến cho biết, UBND tỉnh Phú Yên đã giới thiệu 29 điểm mỏ khoáng sản VLXD thông thường cho Ban QLDA 7 và Ban QLDA 85.
Sau khi tính toán, tận dụng vật liệu đào được tại dự án thì nhu cầu cần có 5,5 triệu m3 đất, 2,34 triệu m3 cát và 2,47 triệu m3 đá. Đến nay đã có 12 nhà thầu thi công đã lập thủ tục đăng ký mỏ khai thác VLXD cung cấp cho dự án và đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt cấp giấy phép 5 mỏ đất, 5 mỏ cát, còn lại 2 mỏ đang chờ chủ đầu tư điều chỉnh hồ sơ.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã thành lập đoàn thanh tra việc xác lập, đăng ký giá, thẩm định và công bố giá VLXD thông thường, thành lập tổ kiểm tra liên ngành giám sát chấp hành pháp luật tại các mỏ khoáng sản phục vụ thi công đường bộ cao tốc…
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ GTVT đầu tư kết nối đồng bộ các tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh này với tuyến cao tốc; chỉ đạo các chủ đầu tư chủ trì phối hợp địa phương rà soát các vấn đề ảnh hưởng hoạt động sản xuất nông nghiệp; vị trí cống chui dân sinh, đường gom hai bên dự án kết nối với đường địa phương đảm bảo phù hợp nhu cầu thực tế dân sinh thực tế và thiết kế kỹ thuật của dự án.
UBND tỉnh Phú Yên cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền sớm xem xét tạo điều kiện cho địa phương sử dụng khối lượng đất dôi dư từ đào nền đường dự án đường bộ cao tốc phục vụ cho các khu tái định cư thuộc dự án này và các công trình đầu tư công của địa phương; đề nghị Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có cơ chế đặc thù hoặc kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Trồng trọt năm 2018 quy định việc bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương…