Cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến: Vì sao người dân vẫn hững hờ?

Chủ Nhật, 04/06/2023, 08:41

Mặc dù nhiều tỉnh, thành phố đã áp dụng hình thức đổi giấy phép lái xe (GPLX) trực tuyến, người dân có thể thực hiện qua mạng, song, vẫn rất ít người thực hiện. Thống kê từ Cục Đường bộ Việt Nam, mỗi năm có gần 2 triệu GPLX được cấp đổi, nhưng từ đầu năm đến nay trung bình mỗi ngày chỉ có hơn 100 GPLX thực hiện cấp đổi qua mạng.

Chưa liên thông dữ liệu

Tính đến nay Hải Phòng đã đổi được hơn 2.000 GPLX trực tuyến mức độ 4 và lưu trữ được gần 100.000 kết quả khám sức khỏe điện tử để phục vụ công tác quản lý người lái xe. Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở GTVT Hải Phòng cho hay, để đẩy nhanh hồ sơ trực tuyến toàn trình mức độ 4, Hải Phòng quy định, trong một số ngày trong tuần chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến chứ không đổi trực tiếp. Khi người dân đến đổi trực tiếp sẽ được hướng dẫn thủ tục đổi online.

cap-doi-giay-phep-lai-xe-3-16648938511311264028000.jpg -0
Người dân đến làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công Quốc gia tại tỉnh Thanh Hóa.

Để thuận tiện trong thanh toán, thay vì chỉ trả phí qua Kho bạc Nhà nước, Sở đã xin phép thành phố được mở thêm tài khoản của Sở tại ngân hàng thương mại để hỗ trợ công dân trong trả phí và hoàn trả phí. Cùng với đó, đã phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo liên thông dữ liệu với hệ thống bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cục Quản lý khám, chữa bệnh của Bộ Y tế. Sở Tư pháp chịu trách nhiệm chứng thực sức khỏe điện tử.

Cách làm hay là vậy nhưng trên thực tế không phải tỉnh nào cũng triển khai. Ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam thẳng thắn, mỗi năm có gần 2 triệu GPLX được cấp đổi, tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ cấp đổi GPLX trực tuyến trên tổng số hồ sơ cấp đổi còn thấp, trung bình mỗi ngày chỉ có hơn 100 GPLX thực hiện cấp đổi qua mạng. Một số địa phương triển khai còn chậm, chưa phát sinh hồ sơ trực tuyến.

Cụ thể, đến ngày 25/5, hệ thống đã tiếp nhận hơn 4.200 hồ sơ, trong đó hoàn thành xử lý, trả kết quả hơn 3.300 GPLX cho người dân. Số lượng hồ sơ đăng ký trực tuyến đổi GPLX phát sinh chủ yếu từ tháng 3/2023, sau khi có nhiều cơ sở y tế hoàn thành kết nối cung cấp dữ liệu điện tử khám sức khoẻ người lái xe. Trong khi đó, trong năm 2023, mục tiêu phấn đấu của 63 Sở GTVT trong cả nước phải đạt khoảng 200.000 trường hợp, bằng 10% số GPLX được đổi trực tuyến cấp độ 4.

Vậy vì sao việc cấp đổi GPLX trực tuyến có thực hiện được hơn 2 năm mà chưa thu hút được người dân? Theo tìm hiểu của phóng viên, cho đến cuối năm ngoái, ngành Y tế chưa mở rộng các cơ sở y tế cung cấp giấy khám sức khỏe trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thêm nữa, để có được giấy khám sức khỏe chứng thực điện tử, người dân phải khám tại cơ sở y tế, sau đó đến UBND cấp xã thực hiện chứng thực điện tử, được trả kết quả trong thời gian 5 ngày và mất thêm phí chứng thực nên số người sử dụng dịch vụ này còn hạn chế.

Đối với việc kết nối dữ liệu tước quyền sử dụng GPLX của Cục CSGT, dữ liệu này chưa đầy đủ, nhiều GPLX bị tước không có trong cơ sở dữ liệu, các Sở GTVT vẫn cập nhật thủ công GPLX bị tước vào phần mềm quản lý GPLX. Việc này khiến phải tra cứu thêm trên phần mềm quản lý GPLX. Có trường hợp đã đăng ký thành công trên hệ thống, nhưng do phát hiện GPLX bị tước quyền sử dụng hoặc bị tạm giữ nên không được đổi GPLX.

gplx-1-0906.jpg -0
Người dân chưa “mặn mà” với việc đổi giấy phép lái xe trực tuyến nên vẫn đến tận Sở GTVT các tỉnh để làm thủ tục. Ảnh minh hoạ.

Đề xuất tăng tính kết nối và giảm phí cấp đổi trực tuyến để thu hút người dân

Chiều 3/6, trao đổi nhanh với phóng viên, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam  thông tin: Đến nay, các công việc để phục vụ tốt việc cấp đổi GPLX cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã được ngành GTVT hoàn thiện. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào cơ sở dữ liệu về giấy khám sức khỏe của ngành Y tế. 

Cụ thể, để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đổi GPLX, Bộ GTVT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền về việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đổi GPLX do ngành GTVT cấp; nghiêm túc thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên hệ thống đảm bảo thời hạn theo quy định. 

Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế đủ điều kiện khám sức khỏe người lái xe trên địa bàn thực hiện kết nối, cập nhật dữ liệu khám sức khỏe lên hệ thống thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ông Thống cũng khẳng định, thực tế không thể chờ kết nối được dữ liệu mới triển khai mà phải đi trước. Từ kinh nghiệm của Hải Phòng, các tỉnh, thành phố nên kết nối cơ sở dữ liệu giấy khám sức khỏe trên địa bàn với Cổng thông tin của tỉnh.

Trước mắt chưa truyền về Công dịch vụ quốc gia, có thể truyền về Sở GTVT, kết hợp với tra cứu dữ liệu xử lý vi phạm của CSGT tỉnh để đổi GPLX. Giải pháp trước mắt là thực hiện theo cách này, khi Bộ Y tế có dữ liệu giấy khám sức khỏe được kết nối sẽ thuận lợi hơn. Những khó khăn, vướng mắc phát sinh sẽ được Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục theo dõi xử lý.

Ngoài ra, để thu hút người dân thực hiện thao tác qua mạng, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đề xuất lên Bộ GTVT, kiến nghị với Bộ Tài chính giảm lệ phí cấp đổi GPLX. Cụ thể là nếu người dân đến đổi trực tiếp phí sẽ là 135.000đ/lần, song nếu thực hiện cấp đổi trực tuyến, phí sẽ giảm còn 115.000đ/lần.

Sẽ chuyển các sai phạm tại cơ sở đào tạo lái xe đến Bộ Công an để xử lý

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng khẳng định, những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được Bộ phân cấp tương đối triệt để cho địa phương, đồng thời thực hiện mạnh mẽ xã hội hóa các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, cơ bản đáp ứng nhu cầu học và sát hạch lái xe của xã hội.

Ngoài ra, dữ liệu giấy phép lái xe đã được tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Quyết định số 06 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông trong việc tra cứu, quản lý vi phạm của người lái xe. Xác định đây là lĩnh vực có phạm vi, ảnh hưởng lớn đối với xã hội, tác động đến nhiều đối tượng, có nhiều diễn biến phức tạp trong thực tiễn, Bộ trưởng Thắng thừa nhận một số nơi có hiện tượng buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực.

Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, Bộ GTVT đã quyết định thành lập các đoàn kiểm tra toàn diện, tổng thể công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của các sở GTVT trên phạm vi toàn quốc, đồng thời quán triệt quá trình kiểm tra phải tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, nghiêm túc, làm đến đâu xử lý sai phạm đến đó; chịu trách nhiệm trước Bộ và pháp luật về kết quả thanh, kiểm tra.

Đặc biệt qua công tác kiểm tra, Thanh tra Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam đã chuyển thông tin nhiều cơ sở đào tạo lái xe nghi ngờ có dấu hiệu tiêu cực đến cơ quan Công an địa phương để xác minh, làm rõ, xử lý theo đúng thẩm quyền quy định. Đưa ra giải pháp trong thời gian tới, Bộ GTVT rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe cơ giới đường bộ để kịp thời phát hiện những nội dung không còn phù hợp đề xuất sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Hiện nay, cả nước có 371 cơ sở đào tạo lái xe ôtô phân bố ở 63 tỉnh, thành phố; 154 trung tâm sát hạch lái xe ôtô, phân bố tại 57 tỉnh, thành phố. Còn 6 tỉnh chưa có trung tâm sát hạch gồm: Lai Châu, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bắc Kạn và Vĩnh Long.

Đặng Nhật
.
.
.