Cảnh báo “lỗ hổng” trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe

Thứ Tư, 23/02/2022, 07:44

Chỉ trong 2 năm 2020, 2021, tại 3 tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, hàng chục nghìn vụ tai nạn giao thông (TNGT) đã xảy ra. Hàng triệu trường hợp vi phạm Luật Giao thông đã bị lực lượng chức năng xử lý.

Lãnh đạo Công an các tỉnh chỉ ra rằng, ngoài nguyên nhân chủ quan còn có nguyên nhân khách quan, từ việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX), nhất là với hạng A1 do các trường hợp điều khiển phương tiện xe môtô, xe gắn máy vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) chiếm tỷ lệ cao.

Tai nạn xảy ra có nguyên nhân từ khâu đào tạo, cấp giấy phép lái xe

Thống kê cho thấy, trong 2 năm (2020, 2021), trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra 4.692 vụ TNGT đường bộ, làm chết 1.034 người, bị thương 3.079 người. Cùng thời gian này, Công an TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra, xử lý hơn 1,1 triệu trường hợp vi phạm, thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 677 tỷ đồng, trong đó xử lý 93.483 trường hợp vi phạm tốc độ, 66.912 trường hợp sử dụng rượu, bia khi lái xe, 42.434 trường hợp lưu thông đường cấm, 24.052 trường hợp không có GPLX…

Tại tỉnh Đồng Nai, thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, từ năm 2017 đến  2021, trên địa bàn xảy ra 1.537 vụ TNGT, làm chết 1.149 người (trung bình mỗi năm có gần 230 người chết vì TNGT). TNGT chủ yếu xảy ra trên các tuyến quốc lộ chính, có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao và khu vực đông dân cư. Ngoài việc thống kê số vụ TNGT, Công an tỉnh Đồng Nai cũng nêu, số trường hợp vi phạm hành chính về TTATGT bị xử lý từ năm 2017 đến năm 2021 là 1.214.481 trường hợp, trong đó có gần 21.000 trường hợp bị tước GPLX.

Còn tại Bình Dương, cửa ngõ giao thương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong năm 2020, 2021, lực lượng CSGT đã phát hiện xử phạt hơn 7.700 trường hợp người điều khiển xe cơ giới không có GPLX; 4.643 trường hợp người điều khiển xe cơ giới không mang theo GPLX. Đặc biệt, đã phát hiện 176 trường hợp sử dụng GPLX (môtô) giả. Đồng thời, số lượng người vi phạm bị tạm giữ GPLX để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt, bỏ GPLX, không thực hiện quyết định xử phạt để nhận lại GPLX còn rất nhiều, như 2 năm 2020, 2021 còn khoảng trên 3.000 GPLX.

Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương chia sẻ, nguyên nhân của tình trạng GPLX giả là do việc mua bán GPLX dễ dàng. Hiện tại, qua tìm hiểu cũng như lời khai của những người sử dụng GPLX giả cho biết, trên các mạng xã hội có rất nhiều thông tin quảng cáo nhận làm các loại GPLX, người mua chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, gửi hình, loại, hạng GPLX và chuyển tiền thì sẽ có GPLX. Mặt khác, thông tin GPLX bị tạm giữ, bị tước đã được lực lượng Công an chia sẻ với ngành GTVT để phối hợp quản lý trong việc cấp đổi GPLX, nhưng việc nhập thông tin tạm giữ GPLX đôi khi còn chưa đầy đủ so với thực tế dẫn đến còn bỏ sót trong việc cấp đổi GPLX cho người vi phạm không thực hiện quyết định xử phạt…

Dưới một góc độ khác, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho hay, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm và điều tra giải quyết TNGT đường bộ nhận thấy, ngoài các yếu tố chủ quan, cố tình không chấp hành các quy tắc tham gia giao thông, hiệu lệnh của biển báo hiệu đường bộ, vi phạm tốc độ, sử dụng rượu bia, không có GPLX thì còn rất nhiều trường hợp người tham gia giao thông không hiểu rõ quy định về các biển báo hiệu, các quy tắc về khoảng cách an toàn, là nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT xảy ra.

Tình trạng này có nguyên nhân từ việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, nhất là việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX đối với hạng A1. Các trường hợp bị tước GPLX từ 3 tháng trở lên không còn áp dụng việc tổ chức học và kiểm tra lại kiến thức Luật Giao thông đường bộ cũng dẫn đến nhiều trường hợp người dân không được học lại kiến thức liên quan đến hiệu lệnh biển báo hiệu đường bộ (có sự thay đổi theo quy định của Bộ GTVT về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ từ năm 2016 đến 2019 đã có 2 lần thay đổi), các quy tắc khi tham gia giao thông…

1.jpg -0
Trong năm 2021, thông qua kiểm soát vi phạm trên đường, nhiều trường hợp lái xe sử dụng GPLX giả đã bị phát hiện. Ảnh minh họa.

Khâu đào tạo, cấp đổi GPLX phải được siết chặt

Lãnh đạo Công an TP Hồ Chí Minh kiến nghị, Bộ Công an phối hợp Bộ GTVT tiến hành kết nối chia sẻ tất cả các dữ liệu dùng chung liên quan đến GPLX vào dữ liệu cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư để nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm các trường hợp không có GPLX, GPLX giả và các trường hợp đang bị tước quyền sử dụng GPLX, áp dụng vào quá trình thực hiện các dịch vụ công quốc gia liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cấp quản lý GPLX. Mặt khác, do hiện nay rất nhiều trường hợp đã được cấp GPLX nhưng kỹ năng lái xe còn yếu, không đủ khả năng xử lý tình huống phát sinh, sự cố khi lưu thông trên đường, nên cần nghiên cứu, điều chỉnh giáo trình đào tạo kiến thức pháp luật và kỹ năng điều khiển phương tiện theo hướng chuyên sâu hơn.

Không chỉ dừng ở việc một số cơ sở đào tạo GPLX chạy theo giá trị thiếu chuẩn mực (cạnh tranh giá học phí, theo dõi thời gian học lỏng lẻo, nhiều người không muốn học nhưng muốn có giấy phép), Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, còn nhiều tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX ở các cơ sở đào tạo trên địa bàn. Chẳng hạn, thời gian học thực hành của học viên ít, chủ yếu cho học lý thuyết, ít thực hành lái xe thực tế; nhiều trường hợp không thi sát hạch, không biết chữ nhưng vẫn có GPLX hoặc một người có nhiều GPLX cùng một lúc.

Thời gian qua, thông qua công tác xử lý vi phạm hành chính về TTATGT, lực lượng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện rất nhiều người vi phạm sử dụng GPLX giả để lưu thông. Từ đây, lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai kiến nghị, cần chú trọng đến công tác giáo dục, đào tạo về ý thức, đạo đức của người lái xe khi tham giao thông. Chú trọng nâng cao kỹ năng thực hành lái xe trong quá trình đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Trong đó, cần chú ý đến việc kéo dài thời lượng thực hành bằng kỹ năng lái xe trên đường trường, đảm bảo cho người học được thực hành nhiều nhất có thể, làm chủ được khi tham gia giao thông.

Ngoài ra, cần cải tiến phương pháp, quy trình sát hạch, cấp GPLX. Trong đó, cần chú ý đến quá trình áp dụng thành tựu khoa học thời đại công nghiệp 4.0 vào công tác quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hiện nay. Cần tối ưu hoá và chấm thi bằng thiết bị máy móc để đảm bảo tính khách quan, tránh việc đánh giá mang tính cảm tính trong sát hạch, cấp GPLX.

Đặc biệt, cần hình thành ở mỗi lái xe một hồ sơ quản lý điện tử để đánh giá hệ số an toàn của lái xe, từ đó có sự ưu đãi về môi trường làm việc, mức phí đóng bảo hiểm. Theo Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, cần sớm ban hành quy định trừ điểm, phục hồi điểm GPLX. Đây là biện pháp quản lý hành chính nhà nước rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình hiện nay.

Đặng Nhật
.
.
.