Cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô dự kiến ở phía Nam, Đông Nam Hà Nội

Thứ Sáu, 07/07/2023, 06:33

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội cho ý kiến về đề xuất quy hoạch Cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng vị trí cho Cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, kết quả nghiên cứu Quy hoạch hệ thống cảng hàng không đã định hướng phát triển Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là cảng hàng không đầu mối của khu vực phía Bắc Vùng Thủ đô với công suất khoảng 100 triệu hành khách/năm, tương đương Cảng hàng không quốc tế Long Thành ở phía Nam và một số cảng hàng không quốc tế lớn trên thế giới.

sbnoibai1.jpg -0
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đang quá tải nên cần thiết phải có Cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô.

Giai đoạn đến năm 2050, dần hình thành cảng hàng không thứ hai nhằm giảm tải và hỗ trợ hoạt động của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã định hướng quy hoạch Cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô hình thành trong giai đoạn 2030-2050.

Việc hình thành Cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô phù hợp với phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được Bộ Chính trị thông qua tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022; phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023.

Về thời điểm nghiên cứu và vai trò của Cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô, theo Bộ GTVT, quy hoạch hệ thống cảng hàng không được phê duyệt cũng đã giao nhiệm vụ nghiên cứu, xác định vị trí, các chỉ tiêu quy hoạch dự kiến của Cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô giai đoạn trước năm 2030 (dự kiến khu vực phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội).

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng vị trí, các chỉ tiêu quy hoạch cho Cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô, bảo đảm tối ưu phương án tổ chức vùng trời, phương thức bay và an toàn khai thác đối với các cảng hàng không (Nội Bài, Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô, các cảng hàng không lân cận), trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Như vậy, vai trò, tính chất của cảng hàng không thứ hai sẽ được xác định một cách linh hoạt, không chỉ phụ thuộc vào kết quả của quy hoạch. Trường hợp UBND TP Hà Nội cần sớm cụ thể hóa vị trí quy hoạch, Bộ GTVT đề nghị thành phố nghiên cứu, xem xét việc tài trợ sản phẩm quy hoạch Cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô theo quy định tại Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25-1-2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.

Do tính chất quan trọng của cảng cũng như yêu cầu cao về kỹ thuật, công tác lập quy hoạch nên được thực hiện bởi tư vấn nước ngoài có nhiều kinh nghiệm trong việc tối ưu vùng trời, phương thức bay, an toàn khai thác như đã triển khai tại một số cảng hàng không tại Việt Nam.

Trình hai phương án địa điểm xây dựng sân bay thứ 2

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình gửi HĐND TP về định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2045 tầm nhìn 2065. Tờ trình nêu rõ sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô Hà Nội nằm ở phía Nam, Đông Nam là cảng nội địa, đảm bảo đủ điều kiện để chuyển đổi sang phục vụ cảng hàng không quốc tế khi cần thiết.

Theo UBND TP Hà Nội, sân bay thứ 2 này có công suất 30 - 50 triệu khách/năm, diện tích 1.300 - 1.500ha, sẽ triển khai sau năm 2030. Nội dung tờ trình cho hay có 2 phương án địa điểm xây dựng sân bay thứ 2 của Thủ đô. Cụ thể, với phương án 1, sân bay có diện tích 1.300ha thuộc địa bàn của 4 xã gồm Tân Ước, Thanh Vân (huyện Thanh Oai) và Tiền Phong, Tân Minh (huyện Thường Tín). Khi xây dựng sẽ giải phóng mặt bằng 2 khu dân cư xã Thanh Vân với hơn 52ha và khoảng 5.000 người ảnh hưởng.

Đường điện 500 kV cũng phải di chuyển khỏi ranh giới sân bay. Ưu điểm của phương án 1 là khoảng cách vào trung tâm thành phố khoảng 20 - 30km; gần đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 1A, quốc lộ 21B, đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô; gần đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và đường sắt đô thị tuyến 2A, tuyến số 1 kéo dài. Tuy nhiên, nếu chọn phương án 1 sẽ phải giải quyết một số vấn đề, đó là điều chỉnh hướng tuyến của đường trục kinh tế phía Nam, đồng thời cần nghiên cứu bổ sung tuyến đường sắt đô thị từ ga Hà Đông đi qua sân bay mới để kết nối trung tâm đô thị vệ tinh Phú Xuyên.

Đối với phương án 2, khu vực xây dựng sân bay thuộc địa bàn 5 xã: Đồng Tân, Minh Đức, Trầm Lộng, Kim Dường và Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa). Diện tích xây dựng sân bay 1.700ha, dân số bị ảnh hưởng khoảng 10.000 người. Ưu điểm của phương án 2 là có trục không gian phía Nam kết nối đô thị trung tâm với khu vực sân bay.

Tuy nhiên, nếu chọn vị trí này sẽ phải bổ sung tuyến đường sắt đô thị nối ga Hà Đông đến sân bay khoảng 32km và di chuyển đường điện 500 kV ra khỏi ranh giới sân bay. Đồng thời, quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hương Sơn sẽ chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn. Theo kế hoạch, tờ trình sẽ được HĐND TP Hà Nội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 7.

Phạm Huyền
.
.
.