Cảng biển lưu thông hàng hóa, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch

Thứ Sáu, 24/09/2021, 11:01

Dịch bệnh COVID-19 đang còn diễn biến phức tạp, song tại các cảng biển ở tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn đảm bảo an toàn, chưa ghi nhận ca dương tính. Hiện, các cảng biển tiếp tục nỗ lực kiểm soát dịch bệnh để hàng hóa đảm bảo lưu thông, kéo theo nhiều ngành kinh tế ở khu vực miền Trung không bị đứt gãy do dịch bệnh.

Cảng Chân Mây được xem là cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 của Việt Nam, nằm giữa Huế và Đà Nẵng. Với vị trí hàng hải thuận lợi kết nối Singapore, Philippines và Hong Kong, cảng Chân Mây là cửa ngõ hướng ra biển Đông gần nhất; thuận lợi đối với khu vực Hành lang kinh tế Đông-Tây. Có mặt tại Cảng Chân Mây vào ngày 22/9, chúng tôi chứng kiến, nhiều tàu hàng trong và ngoài nước đang khẩn trương bốc xếp hàng hóa. Hàng chục xe tải đang chở dăm gỗ từ các nhà máy từ địa bàn Huế và các tỉnh lân cận đến tập kết, để đưa lên các tàu xuất ra nước ngoài.

cang_bien-1632456142200.jpg
Tàu cập Cảng Chân Mây chờ nhận hàng để xuất đi nước ngoài.

Tại cầu cảng số 1, các công nhân đang khẩn trương bốc xếp trang thiết bị phục vụ các công trình điện gió tại tỉnh Quảng Trị vừa được chở từ nước ngoài về. Tại bến cảng số 2, hàng chục công nhân khác đang bốc thạch cao vừa được nhập từ nước ngoài về để tập kết lên các xe tải chở đến các nhà máy sản xuất xi măng đóng ở khu vực miền Trung… Ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây (đóng tại huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế), cho biết, cảng biển Chân Mây nằm trong khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô. Thời gian qua, nhiều tàu hàng trong và ngoài nước chọn cảng biển này để xuất và nhập hàng. Điều đáng lo nhất, gần cảng là xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc vừa qua đã ghi nhận khoảng 100 ca dương tính COVID-19, chủ yếu từ những chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng.

Trước tình hình đó, Công ty CP Cảng Chân Mây đã triển khai chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch đến từng lao động. Hơn 3 tháng nay, Công ty đã bố trí 180 lao động làm việc tại các bộ phận trực tiếp, như cơ giới, xếp dỡ, cung ứng dịch vụ tàu biển thực hiện phương án “3 tại chỗ”… Cũng theo ông Toàn, tính đến giữa tháng 9/2021, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt gần 2,2 triệu tấn. Hiện, còn hơn 3 tháng, dự kiến lượng hàng đến cuối năm đạt 2,7 triệu tấn; trong khi đó năm 2020, sản lượng hàng hóa chỉ đạt khoảng 2,3 triệu tấn.

Những mặt hàng xuất tại cảng gồm có: dăm gỗ, cát, khoáng sản titan được các phương tiện vận tải chở từ tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và một số địa bàn lân cận đến. Trong khi đó, các mặt hàng nhập vào cảng chủ yếu là thạch cao, than, thiết bị điện gió… Đối với than được chở đến thị trường ở Quảng Nam; thiết bị điện gió được vận chuyển ra tỉnh Quảng Trị để thi công công trình, thạch cao cũng được vận chuyển đến các nhà máy xi măng ở một số tỉnh miền Trung.

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng trong vòng 2 tháng qua, bến cảng số 2 (Công ty CP Cảng Chân Mây làm chủ đầu tư) và bến Cảng số 3  (Công ty TNHH Hào Hưng làm chủ đầu tư) đóng tại huyện Phú Lộc, với tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng, đã đưa vào hoạt động để giảm tải cho thực trạng các bến cảng hiện nay. Tại bến cảng số 3 vừa đi vào hoạt động, nhiều bãi dăm gỗ “khủng” được tập kết bên trong bến cảng để chuẩn bị đưa lên tàu có tải trọng 50.000 DWT xuất đi thị trường Trung Quốc.

Ở đây, công nhân đều thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch trong quá trình làm việc. Theo ông Thang Khánh Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hào Hưng, đến thời điểm này, hơn 200 lao động của Công ty đã tiêm xong 2 mũi vaccine và đơn vị cũng triển khai nhiều giải pháp để chống dịch an toàn.

 Tương tự, tại cảng biển Thuận An ở phường Thuận An, TP Huế, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng lượng hàng hóa thông qua cảng vẫn đảm bảo, ổn định. Trong đó các mặt hàng chủ yếu là hàng rời: Clinker trung chuyển xuất khẩu, than nhập khẩu, cát bao, gỗ… Cỡ tàu đón nhận tại cảng Thuận An với tải trọng 1.500 DWT trở lại; năng lực xếp dỡ hiện nay đạt hơn 700.000 tấn/năm.

Những ngày này, các chuyến tàu chở đá từ Hà Nam vào cập cảng Thuận An diễn ra tấp nập. Tại đây, các phương tiện sẽ vận chuyển vật liệu này đến công trường thi công dự án Cao tốc Cam Lộ - La Sơn (nối 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế). Đây là những chuyến hàng đầu tiên trên tuyến luồng xanh đường thủy từ Hà Nam vào Huế vừa được Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu “kích hoạt” trong chuyến thị sát công trường cao tốc mới đây.

Theo đại diện các cảng biển ở Thừa Thiên-Huế, thời gian qua, việc lưu thông hàng hóa qua các cảng biển trên địa bàn tỉnh không bị gián đoạn, tránh đứt gãy việc sản xuất, kinh doanh của các nhà máy, công trình, dự án lớn đang diễn ra ở khu vực miền Trung.

Để đạt được những kết quả trên, các cảng biển luôn đặt vấn đề phòng, chống dịch COVID-19 an toàn lên hàng đầu. Đối với các tàu trước khi vào cảng phải thực hiện khai báo y tế và kiểm dịch y tế đối với tàu thuyền. Trước khi tàu biển vào cảng, phải vào vị trí được chỉ định bởi Cảng vụ hàng hải tỉnh Thừa Thiên-Huế để tiến hành các thủ tục kiểm dịch. Tàu biển chỉ được phép làm hàng sau khi thực hiện xong các thủ tục kiểm dịch và được sự đồng ý của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC); Cảng vụ hàng hải cấp phép cho tàu biển vào làm hàng sau khi được cơ quan kiểm dịch, CDC chấp thuận đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Các cảng biển cũng đã bố trí công nhân ở lại tại cảng theo nhu cầu sản xuất khai thác của từng đơn vị phù hợp với tình hình thực tế và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế; xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các quy trình, biện pháp ứng phó, xử lý trong trường hợp có người nhiễm COVID-19 trong cảng; thường xuyên tổ chức, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh để kịp thời bổ sung, điều chỉnh. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên ngành trong việc thiết lập các chốt kiểm tra liên ngành, tuyệt đối không để xảy ra ùn tắc giao thông tại cổng cảng hoặc trong cảng…

Hải Lan
.
.
.