Cần một phương án tối ưu khi nâng cấp sân bay Côn Đảo

Thứ Hai, 12/08/2024, 06:59

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư Cảng hàng không (CHK) Côn Đảo. Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị tiếp tục triển khai dự án nâng cấp, mở rộng khu bay bằng nguồn vốn đầu tư công để sớm đưa vào khai thác tàu bay code C (A320 và tương đương), phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong khai thác và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Bộ GTVT thông tin, hiện đường cất hạ cánh, đường lăn tại CHK Côn Đảo đã xuống cấp (được xây dựng từ năm 2004), khả năng chịu tải kém. Chiều rộng đường cất hạ cánh 30m không đảm bảo tiêu chuẩn khai thác máy bay code C, chỉ đáp ứng khai thác các loại tàu bay như ATR72 và tương đương (Embraer E190/E195 giảm tải). Trong khi đó, tài sản kết cấu hạ tầng đường cất hạ cánh, đường lăn hiện hữu do Bộ GTVT là đại diện chủ sở hữu nên Bộ có trách nhiệm đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng.

Cần một phương án tối ưu khi nâng cấp sân bay Côn Đảo -0
Máy bay chờ tiếp nhiên liệu trước giờ cất cánh tại sân bay Côn Đảo.

Đối với các công trình bảo đảm hoạt động bay, theo quy định hiện hành, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) có trách nhiệm đầu tư, nâng cấp, mở rộng các công trình, hạ tầng kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay tại CHK Côn Đảo. Với các công trình khu hàng không dân dụng, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, CHK Côn Đảo được quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 với công suất khoảng 2 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 với công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045, trong đó dự báo quy mô khách du lịch đến năm 2030 khoảng 1- 1,2 triệu khách/năm, năm 2045 khoảng 1,7-2 triệu khách/năm. Như vậy, quy mô quy hoạch CHK Côn Đảo cơ bản phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo.

Với quy mô Quy hoạch CHK Côn Đảo nêu trên, Bộ GTVT cho rằng giai đoạn đến năm 2030 cần nghiên cứu, đầu tư xây dựng khu hàng không dân dụng (nhà ga hành khách, sân đỗ, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ) mới với công suất khoảng 2 triệu hành khách/năm, ước tính kinh phí đầu tư khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động kêu gọi, thu hút nhà đầu tư và xây dựng Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chính thức giao tỉnh là cơ quan có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của Cục Hàng không, phương án quy hoạch với hướng đường cất hạ cánh hiện hữu là phương án tối ưu. Để khai thác đầy tải trọng thương mại với các dòng tàu bay tầm trung như A321, cần kéo dài đường cất hạ cánh ra phía biển khoảng 860m (về phía Đông) để đạt chiều dài 2.400m. Theo phương án này, ước tính sơ bộ kinh phí đầu tư phát triển sân bay Côn Đảo khoảng trên 10.000 tỷ đồng.

Do địa hình khu vực sân bay Côn Đảo hạn chế, cùng điều kiện triển khai ra phía biển phức tạp, kinh phí đầu tư lớn, tác động lớn tới môi trường, Bộ GTVT đã đề xuất sử dụng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Australia để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín của quốc tế hỗ trợ rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng của đường cất hạ cánh và khuyến nghị chủng loại máy bay khai thác tối ưu tại sân bay Côn Đảo.

Đơn vị tư vấn quốc tế được lựa chọn là ADPi (Pháp) - một trong những hãng tư vấn hàng đầu thế giới về quy hoạch, khai thác cảng hàng không, đã tham gia quy hoạch nhiều cảng hàng không lớn trên thế giới.  ADPi đã khảo sát tại sân bay Côn Đảo, nghiên cứu kinh nghiệm các sân bay thế giới có cấu hình tương tự và làm việc với các hãng hàng không của Việt Nam và các đơn vị có liên quan. Tháng 6/2024, ADPi đã có báo cáo cuối cùng và được các đơn vị ngành Hàng không đánh giá cao, các hãng hàng không thống nhất và ủng hộ.

Theo Bộ GTVT, hiện đội máy bay code C của các hãng hàng không Việt Nam chủ yếu gồm các dòng máy bay A320 và ATR72 (VNA, Vasco Airlines). Các hãng hàng không Việt Nam đã và đang tiếp tục thuê, mua các dòng máy bay code C như A320neo/ceo, A321neo/ceo và B737 MAX8. Trên cơ sở kết quả tính toán các đường bay dự kiến, điều kiện khai thác, tư vấn quốc tế kết luận chiều dài đường cất hạ cánh hiện tại (1.830m) của sân bay Côn Đảo đủ để tiếp nhận và khai thác hiệu quả hầu hết các loại máy bay code C do các hãng hàng không Việt Nam khai thác, ngoại trừ máy bay A321 phải giảm tải trọng thương mại.

Để tăng năng lực khai thác đường cất hạ cánh, tư vấn cũng khuyến nghị cần xây dựng khu tiếp nhiên liệu tại cảng; xây dựng đường lăn song song giúp tăng 50% công suất, ngay cả với đội máy bay đang khai thác (ATR72 và E190); bổ sung các hạng mục công trình bảo đảm an toàn trong khai thác...

Dự án sẽ đầu tư mở rộng, nâng cấp kết cấu đường cất hạ cánh hiện hữu theo quy hoạch với kích thước 1.830m x 45m; xây dựng mới 1 đường lăn song song và các đường lăn nối; bổ sung các hạng mục bảo đảm an toàn trong khai thác (RESA, đèn đêm); hệ thống thiết bị hạ cánh đồng bộ để khai thác hiệu quả các loại tàu bay code C (như A319, A320neo/ceo, B737-7/8 và tương đương) theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và theo Quy hoạch.

Đặng Nhật
.
.
.