Cần cơ chế đặc thù để phát triển đường cao tốc

Thứ Bảy, 02/10/2021, 09:51

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ dự thảo tờ trình về việc đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025.

Đề xuất 4 cơ chế đặc thù

Theo dự thảo tờ trình của Bộ GTVT, trong 5 năm tới (2021-2025) nước ta sẽ phải hoàn thành trên 2.000km đường bộ cao tốc, tổng vốn cần huy động khoảng 393.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước bố trí khoảng 239,5 nghìn tỷ đồng, còn lại 153,5 nghìn tỷ đồng cần huy động vốn ngoài ngân sách. Để thực hiện mục tiêu trên, việc xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá để thực hiện thí điểm trong 5 năm (2021-2025) khác với quy định của pháp luật hiện hành trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết, làm cơ sở để triển khai thực hiện. Trong dự thảo, Bộ GTVT đề xuất 4 cơ chế, chính sách đặc thù.

Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xem xét, quyết định tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án. Về chính sách huy động vốn, kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép Chính phủ được phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại và tính vào bội chi của ngân sách địa phương. Đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn lập dự án, tư vấn lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, tư vấn giám sát thi công xây dựng, các gói thầu thực hiện công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

Bộ GTVT còn đề xuất cho phép nhà đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng được cấp quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, cát, đá) mà sản phẩm khai thác chỉ sử dụng cho các dự án đường bộ cao tốc thì không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có dự án đường bộ cao tốc đi qua được khoanh định khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nêu trên là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

co che.jpg -0
Đề xuất thêm nhiều cơ chế đặc thù làm đường cao tốc để thu hút nhà đầu tư.

Cấp thiết bỏ quy định khống chế vốn góp Nhà nước

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ PPP, Bộ GTVT bày tỏ, để đầu tư thêm nhiều dự án cao tốc theo hình thức PPP, thời gian tới cần thiết phải có những cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là việc nâng tỷ lệ vốn góp Nhà nước, cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại.

Nếu áp dụng đúng theo quy định vốn Nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư của Luật PPP, một số dự án sẽ không khả thi để đầu tư theo hình thức PPP, buộc phải sử dụng toàn bộ ngân sách Nhà nước trong điều kiện khó khăn như hiện nay thì nhiều dự án sẽ không triển khai được. Do vậy, cần thiết phải điều chỉnh quy định về mức vốn Nhà nước tham gia dự án PPP vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án. Tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia sẽ được tính toán, cân nhắc trên cơ sở tính khả thi của từng dự án.

Bên cạnh đó, theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT -TEDI bày tỏ, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án cao tốc thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành cơ chế đặc thù cho phép chỉ định thầu các gói thầu tư vấn lập dự án; tư vấn lập thiết kế kỹ thuật, dự toán; tư vấn giám sát thi công xây dựng và các gói thầu thực hiện công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật để giải phóng mặt bằng sẽ đem lại rất nhiều hiệu quả to lớn. Tuy nhiên, khi ban hành cơ chế đặc thù, cơ quan có thẩm quyền cũng cần xây dựng các tiêu chí chỉ định thầu tư vấn, đảm bảo rõ ràng, minh bạch.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, quá trình triển khai thi công các đường bộ cao tốc Bắc - Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn về nguồn cung ứng vật liệu xây dựng, đặc biệt là đất đắp nền đường do các dự án thi công đồng loạt, nhu cầu vật liệu tăng đột biến...Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam.

Dù không phải thông qua hình thức đấu giá nhưng nhà đầu tư, nhà thầu vẫn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục khác theo quy định như: Phê duyệt thăm dò, phê duyệt trữ lượng mỏ, phê duyệt thiết kế mỏ, phê duyệt chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi đất đai, cấp giấy phép khai thác… thời gian hoàn thành các thủ tục kéo dài khoảng 9 - 12 tháng, trong khi tiến độ thực hiện đắp nền đường các gói thầu cao tốc Bắc - Nam chỉ khoảng 10 tháng. Do vậy, để chủ động về nguồn nguyên liệu cho các công trình đường cao tốc trọng điểm quốc gia, các cấp có thẩm quyền cần xem xét xây dựng cơ chế mới trong tiêu chuẩn nguồn nguyên vật liệu.

Đề xuất đầu tư xây dựng trước 9 dự án thành phần

Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư. Theo tờ trình của Chính phủ, để hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong giai đoạn 2021 - 2025 cần đầu tư toàn bộ 12 dự án thành phần, chiều dài khoảng 729km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố.

Theo tính toán sơ bộ, toàn bộ 12 dự án thành phần đầu tư giai đoạn phân kỳ (quy mô 4 làn xe) theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), tổng mức đầu tư khoảng 154.527 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà nước khoảng 73.495 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng về nguồn lực, kết quả dự báo nhu cầu vận tải, khả năng đáp ứng năng lực khai thác của các tuyến đường hiện hữu, Chính phủ lựa chọn phương án đầu tư xây dựng 9/12 dự án thành phần trong giai đoạn 2021 - 2025 dài 552km, gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.

Về tiến độ thực hiện, Chính phủ đề xuất tiến hành chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021 và cơ bản hoàn thành vào năm 2025; các dự án thành phần trên đoạn Vũng Áng đến Cam Lộ hoàn thành trước năm 2030.

Đặng Nhật
.
.
.