Các địa phương vẫn có ý kiến khác nhau xung quanh việc khởi động lại đường bay nội địa
Theo dự kiến ban đầu, ngày 5/10 các hãng hàng không có thể khởi động lại các đường bay nội địa. Thế nhưng, "rào cản" lại xuất hiện khi Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải-GTVT) gửi văn bản tới các địa phương xin ý kiến về kế hoạch tổ chức khai thác các đường bay. Đến chiều 4/10 mới chỉ có vài địa phương hồi âm, trong đó có TP Hải Phòng "từ chối tiếp nhận", các tỉnh Phú Yên, Điện Biên và Bình Định "đồng ý" với kế hoạch của Cục Hàng không Việt Nam.
Các địa phương vẫn "trái dấu" nhau với phương án bay trở lại
Một ngày sau khi Cục Hàng không Việt Nam gửi văn bản lấy ý kiến các địa phương về việc tổ chức khai thác các đường bay nội địa giai đoạn 1, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản hồi đáp. Theo đó, văn bản do Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam ký đề nghị "Cục Hàng không Việt Nam tạm thời chưa khai thác các đường bay chở hành khách đi/đến thành phố Hải Phòng".
Cùng thời gian này, UBND tỉnh Phú Yên cũng phản hồi với nội dung "thống nhất các nội dung đề xuất khai thác vận tải hàng không nội địa giai đoạn 1, với tần suất khai thác Phú Yên-Hà Nội 3 chuyến khứ hồi/ngày; Phú Yên - TP Hồ Chí Minh 4 chuyến khứ hồi/ngày".
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan (các hãng hàng không, Cảng hàng không Tuy Hoà) thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ GTVT và sớm cấp phép khai thác đường bay đến/đi Phú Yên để đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân.
Tương tự, chiều 4/10, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cũng đã ký Văn bản số 3277/UBND-KT gửi tới Cục Hàng không Việt Nam với quan điểm "đồng ý" khởi động lại đường bay từ ngày 5/10.
Chủ tịch UBND cũng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam căn cứ hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, các bộ, ngành về phòng, chống dịch COVID-19, diễn biến tình hình dịch bệnh ở các địa phương trong nước và nhu cầu khai thác của các hãng hàng không để xem xét cho phép tăng/giảm tần suất khai thác và mở thêm các đường bay đến sân bay Điện Biên trên cơ sở đảm bảo đáp ứng các quy định về phòng, chống dịch bệnh và tạo điều kiện để nâng cao năng lực vận tải hàng không tại sân bay Điện Biên đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Tỉnh Bình Định cũng đồng ý kế hoạch bay lại từ ngày 5-10.
Ngoài các địa phương kể trên, thì tính đến chiều 4/10, vẫn còn một số địa phương chưa hồi âm phương án bay trở lại về Cục Hàng không Việt Nam, trong đó có cả TP Hà Nội.
Trước đó, ngày 1/10/2021, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi văn bản lấy ý kiến các địa phương để thống nhất trước khi triển khai cấp phép hoạt động. Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại các đường bay đi và đến các địa phương gồm: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau.
Tổng số các đường bay nội địa dự kiến khôi phục lại là 385 chuyến bay khứ hồi/ngày. Trong đó, TP Hồ Chí Minh khôi phục lại 18 đường bay với 132 chuyến bay khứ hồi/ngày. Từ Đà Nẵng đi và đến các địa phương là 10 đường bay. Từ sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) đi và đến các địa phương khác là 23 chuyến bay khứ hồi/ngày; Hải Phòng là 20 chuyến khứ hồi/ngày; Thanh Hoá khôi phục 6 đường bay với 11 chuyến khứ hồi/ngày; Cần Thơ khôi phục 7 đường bay với 11 chuyến khứ hồi/ngày. Nghệ An khôi phục 7 đường bay với 19 chuyến khứ hồi/ngày; Đắk Lắk khôi phục 6 đường bay với 14 chuyên khứ hồi/ngày; Khánh Hoà khôi phục 6 đường bay với 20 chuyến khứ hồi/ngày. Thừa Thiên - Huế khôi phục 3 đường bay với 9 chuyến khứ hồi/ngày; Kiên Giang khôi phục 8 đường bay với 24 chuyến khứ hồi/ngày; Gia Lai khôi phục 4 đường bay với 9 chuyến khứ hồi/ngày…
Hướng dẫn vận tải có nhiều điểm mới thông thoáng, giúp địa phương ứng phó linh hoạt
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, hướng dẫn tạm thời tổ chức vận tải hành khách 5 lĩnh vực được xây dựng trên cơ sở quan điểm, chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 của Chính phủ; với mục đích khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách phù hợp với từng cấp độ phòng, chống dịch COVID-19; tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, khu vực; kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải hành khách; góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế của các địa phương và của đất nước.
Điểm mới trong hướng dẫn lần này, được Bộ GTVT xây dựng gắn với quy mô, mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng. Quy mô đánh giá cấp độ dịch áp dụng trong hoạt động vận tải hành khách được áp dụng đến cấp xã và có thể ở quy mô như tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm. Hướng dẫn đảm bảo phù hợp với từng cấp độ phòng, chống dịch COVID-19 được Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch quy định.
Khi nhắc đến việc vào cuối tháng 9, Hà Nội chưa đồng ý cho hoạt động hàng không trở lại bình thường, Thứ trưởng Lê Đình Thọ lý giải, như chúng ta đã biết, đề nghị của thành phố Hà Nội đưa ra khi Bộ GTVT chưa ban hành Hướng dẫn về tổ chức hoạt động vận tải hành khách cả 5 lĩnh vực, cũng như Bộ Y tế chưa ban hành Hướng dẫn y tế đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả phòng, chống dịch.
Chính vì vậy, tôi tin tưởng rằng, sau khi có Hướng dẫn này cũng như những hướng dẫn của ngành Y tế, thành phố Hà Nội nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung sẽ có căn cứ để tính toán, nghiên cứu xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức lại các hoạt động vận tải hành khách trong đó có lĩnh vực hàng không, đường sắt phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế phòng, chống dịch của địa phương; qua đó góp phần khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Hơn nữa, như chúng ta đã biết, TP Hà Nội là cửa ngõ, đầu mối giao thông trọng điểm của khu vực phía Bắc và đất nước, chính vì vậy, ý kiến và sự thống nhất của thành phố giữ vai trò quan trọng trong việc khôi phục các hoạt động vận tải hành khách chung của cả nước. Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội và các địa phương khác để trao đổi, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện hướng dẫn này. Bộ GTVT cũng rất mong muốn, khi địa phương đã sẵn sàng nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội và sẵn sàng cho trạng thái bình thường mới thì cũng sẽ đồng thời sẵn sàng "nối lại" các hoạt động giao thông vận tải.
Tính đến 18h chiều 4/10, tổng cộng có tất cả 7 địa phương đã gửi văn bản hồi đáp về Cục Hàng không Việt Nam. Theo đó có tỉnh Hải Phòng, Gia Lai là chưa đồng ý. Còn lại 5 tỉnh, gồm: TP Hồ Chí Minh, Điện Biên, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hoà đồng ý với kế hoạch khai thác trở lại đường bay nội địa từ ngày 5/10.