Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ loạt giải pháp cấp bách gỡ khó đăng kiểm
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng ngay một số quy định liên quan đến đăng kiểm viên và số lượng xe được kiểm định của đơn vị đăng kiểm, nhằm nhanh chóng bù đắp năng lực kiểm định bị thiếu hụt hiện nay cho đến khi sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị cho phép áp dụng mỗi đơn vị đăng kiểm bố trí 1 đăng kiểm viên bậc cao, mỗi dây chuyền kiểm định phải bố trí đăng kiểm viên có đủ năng lực thực hiện được đầy đủ các công đoạn kiểm tra thay cho quy định hiện hành: Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao. Việc áp dụng quy định mới này sẽ sử dụng, khai thác tối đa được năng lực của các đơn vị đăng kiểm mà vẫn đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
Theo quy định hiện hành, học viên phải có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên mới được cấp chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới. Bộ GTVT đề nghị giảm thời gian thực tập đối với các học viên đã có kinh nghiệm làm việc thực tế và đáp ứng được đầy đủ năng lực chuyên môn cho hoạt động kiểm định.
Theo đó, học viên đã có kinh nghiệm trực tiếp thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô từ 36 tháng trở lên, từ 24 tháng đến dưới 36 tháng, từ 12 tháng đến dưới 24 tháng (có xác nhận của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng) thì thời gian thực tập tối thiểu tương ứng lần lượt là 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng.
Với trường hợp đăng kiểm viên đã bị thu hồi giấy chứng nhận (bao gồm các đăng kiểm viên đã nghỉ hưu theo chế độ), kiến nghị được đánh giá lại để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng kiến nghị không áp dụng quy định khống chế số lượng xe được cấp giấy chứng nhận kiểm định trong ngày (tính trong 8 giờ làm việc) như hiện nay (1 đăng kiểm viên kiểm tra 1 xe trên dây chuyền kiểm định thì số lượng xe không quá 20 xe; nhiều đăng kiểm viên cùng kiểm tra một xe trên dây chuyền kiểm định thì số lượng xe không quá 20 lần số lượng đăng kiểm viên; không quá 90 xe đối với một dây chuyền kiểm định loại I, không quá 70 xe đối với một dây chuyền kiểm định loại II).
Cùng đó, Bộ GTVT kiến nghị cho phép các đơn vị đăng kiểm đã bị tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới từ 1 tháng hoặc 3 tháng được hoạt động trở lại nếu đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng lực lượng cán bộ kiểm định (đã được Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp chứng chỉ nghiệp vụ và được sử dụng như đăng kiểm viên xe cơ giới), cơ sở vật chất của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm dân sự trong trường hợp cấp bách.
Cho phép các xe quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. Các xe này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải.
Cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định và đáp ứng được các yêu cầu về trang thiết bị theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới được phép hoạt động kiểm định ô tô nhằm tận dụng tối đa các nguồn lực xã hội phục vụ công tác kiểm định xe, góp phần giải tỏa ách tắc hoạt động kiểm định xe, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.