Bộ Giao thông Vận tải “họp khẩn” với các bộ, ngành về việc thiếu máy bay
Đầu năm 2023, đội máy bay của các hãng hàng không Việt có hơn 220 chiếc, nhưng tới nay chỉ còn khoảng 170 chiếc. Có hãng vì khó khăn tài chính phải trả hết máy bay để xóa nợ, có hãng tái cơ cấu đội máy bay, song cũng có hãng bay có tiềm lực sẵn sàng thuê hoặc mua máy bay.
Thực trạng thiếu hụt đội máy bay đang tác động lớn tới thị trường hàng không Việt Nam, đặc biệt là cao điểm hè sắp tới. Nhưng nghịch lý là có tới 4 chiếc máy bay Airbus A321 đang “nằm không”, không được khai thác tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Bốn máy bay Airbus A321 “nằm không” tại sân bay lớn
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành bàn về việc thực thi Công ước Cape Town, Nghị định thư Cape Town và Công ước Chicago cũng như các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu máy bay hiện nay. Nhất là trong bối cảnh các cơ quan báo chí đưa tin nhiều về tình trạng 4 máy bay từng thuộc đội máy bay của Việt Nam đang bị bỏ phí không được khai thác. Cuộc họp do Bộ GTVT chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo Cục Hàng không, Vụ Pháp chế Bộ GTVT và đại diện Bộ Tư pháp, Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Ngoại giao…
Tại cuộc họp, thảo luận về việc thực thi Công ước Cape Town, Nghị định thư Cape Town và Công ước Chicago, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp khẳng định, pháp luật Việt Nam đã nội luật hóa và tuân thủ các quy định của các Điều ước quốc tế nêu trên; không hề có mâu thuẫn hay xung đột giữa pháp luật trong nước và các Điều ước quốc tế về hàng không. Trên thực tế, có thể đánh giá Việt Nam đã và đang tuân thủ tốt nghĩa vụ thành viên Cape Town.
Liên quan đến 4 máy bay của hãng hàng không Việt Nam tạm nhập hiện đang chờ phán quyết cuối cùng của Tòa án Anh và Tòa án nhân dân TP Hà Nội về các tranh chấp liên quan, các cơ quan tham dự cuộc họp đều nhất trí cho rằng, trong khi chờ Tòa án ra quyết định cuối cùng, các máy bay trên đã được xóa quốc tịch Việt Nam và bàn giao cho bên có quyền lợi là FWA theo đúng quy định và Công ước Cape Town, Nghị định thư Cape Town và Công ước Chicago. Các máy bay này hiện đã đăng ký quốc tịch nước khác (Guernsey) nên Việt Nam không còn quyền tài phán, đồng nghĩa không thể cấp giấy tờ gì liên quan cho những máy bay này. Theo quy định của Nghị định thư Cape Town, việc áp dụng các biện pháp khắc phục cho các chủ liên quan đến máy bay (trong đó có xuất khẩu máy bay) bắt buộc phải tuân thủ các luật và quy định về an toàn hàng không của quốc gia có liên quan. Trong trường hợp 4 máy bay trên, việc xuất khẩu máy bay khỏi Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ các quy định xuất khẩu của cơ quan Hải quan, tuân thủ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), Nghị định 68/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 07/2019/NĐ-CP) và các văn bản có liên quan khác.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và đầu tư và Tổng cục Hải quan đều nhất trí cho rằng Việt Nam đã làm tốt công ước Cape Town và việc xuất khẩu máy bay bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu do Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cấp theo quy định tại Nghị định 68/2015/NĐ-CP. Các cơ quan này nhấn mạnh không thể dùng các giấy tờ khác như Công văn xác nhận tình trạng kỹ thuật an toàn bay thay thế cho Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Cục HKVN đã nhiều lần có văn bản khẳng định Cục đã hết quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu với 4 máy bay này. Theo công văn số 5530/CHK-TCATB trả lời FWA, Cục HKVN cho biết, máy bay A321 được Cục HKVN cấp Giấy chứng nhận xóa quốc tịch máy bay tháng 1/2023 theo đề nghị của FWA. Thời điểm đó FWA không đề nghị Cục HKVN cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu. Theo thông lệ và quy trình thực hiện, Cục HKVN sẽ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu ngay sau khi máy bay được xóa quốc tịch Việt Nam trước khi đăng ký quốc tịch nước khác. Tuy nhiên, việc xóa quốc tịch của các máy bay A321 đến nay đã quá 6 tháng theo quy định nên “Cục HKVN chỉ có thể xác nhận tình trạng kỹ thuật hiện tại của máy bay mà không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay xuất khẩu”. Như vậy, không có điều kiện bắt buộc là Giấy chứng nhận điều kiện bay xuất khẩu, FWA không thể đưa máy bay khỏi Việt Nam. Trường hợp nếu Cục HKVN cấp giấy này cho FWA sẽ vi phạm các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong công văn 578/SB-GSKS gửi Cục HKVN và các đơn vị liên quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hải quan TP.HCM “đề nghị các đơn vị Cục HKVN, Cảng vụ Hàng không miền Nam, Cảng vụ Hàng không miền Bắc phối hợp giám sát và thông báo kịp thời cho Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trước khi có phát sinh cấp phép bay đối với 4 máy bay”, đồng thời nêu rõ 4 máy bay A321 đã làm thủ tục tạm nhập, nhưng hồ sơ tái xuất lô hàng chưa đáp ứng quy định về hồ sơ thủ tục hải quan. 4 máy bay này cũng đang liên quan đến tranh chấp tại Tòa án Anh và Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Vì thế, để đảm bảo việc giám sát hải quan với hàng hóa chưa hoàn tất thủ tục hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đề nghị Cục HKVN và các Cảng vụ Hàng không miền Nam và miền Bắc phối hợp giám sát và thông báo trước khi có phát sinh cấp phép bay với 4 máy bay trên.
Từ vụ bán nợ bất thường đến kịch bản xóa quốc tịch máy bay tinh vi
Trước đó, theo tìm hiểu của phóng viên, 4 máy bay A321 được một hãng bay trong nước đặt hàng riêng theo phương thức thuê mua với các công ty tài chính Nhật Bản, được các ngân hàng nước ngoài dàn xếp và tài trợ vốn. Hãng bay Việt đã trả hơn 76 triệu USD tiền thuê mua 4 máy bay trên và phần đối ứng. Tuy nhiên, vào thời điểm cả thế giới lao đao vì dịch bệnh, tháng 11/2021, khi Việt Nam thực hiện giãn cách nghiêm ngặt và tạm dừng bay, các ngân hàng nước ngoài bất ngờ đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê mua và bán khoản vay kèm theo tài sản đảm bảo là máy bay cho Fitzwalter Capital Partners (Financial Trading) Limited (gọi tắt là FWC).
Theo các luật sư của hãng hàng không, việc ngân hàng chấm dứt hợp đồng thuê kèm quyền mua máy bay là không hợp lệ cũng như vi phạm đạo đức kinh doanh. Thông lệ quốc tế không cho phép ngân hàng đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê mua dài hạn, ổn định, mà hãng hàng không vẫn đang thanh toán đều đặn và chỉ bị chậm thanh toán 1 kỳ do khó khăn dịch bệnh. Chưa kể trước đó, phía ngân hàng và hãng bay đã đồng ý về nguyên tắc giãn 1 kỳ thanh toán với giá trị khoảng 7 triệu USD. FWC sau khi mua lại khoản vay từ ngân hàng đã chuyển giao quyền cho FW Aviation (Holdings) 1 Limited (gọi tắt là FWA). Quỹ này cũng chỉ mới được thành lập tháng 10/2021 - một tháng trước sự việc chấm dứt hợp đồng không hợp lệ của ngân hàng. Quỹ này và hãng bay Việt Nam đang là các bên liên quan trong vụ tranh chấp tại Tòa án Anh.