Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân hơn 60% vốn đầu tư

Thứ Tư, 29/09/2021, 19:14

Tại buổi họp giao ban trực tuyến công tác quý 3/2021 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vào sáng 29/9, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư cho biết, đến hết tháng 9/2021, Bộ GTVT dự kiến giải ngân được 26.722 tỷ đồng, đạt 61,6% kế hoạch, trong đó vốn trong nước giải ngân được 24.332/38.564 tỷ đồng (đạt 63,5%); vốn nước ngoài giải ngân được 2.390/4.837 tỷ đồng (đạt 49,1%).

Kết quả giải ngân chung của cả Bộ đáp ứng tiến độ giải ngân theo Nghị quyết 63 của Chính phủ (hết tháng 9/2021, giải ngân tối thiểu đạt 60%).

“Năm 2021, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn khoảng 43.397 tỷ đồng. Từ nay đến hết ngày 31/1/2022 cần giải ngân 16.900 tỷ, đây là con số lớn trong khi những tháng cuối năm miền Trung và Tây Nguyên vào mùa mưa nên là thách thức lớn để hoàn thành kế hoạch. Ban quản lý các dự án, chủ đầu tư quyết liệt chỉ đạo điều hành dự án để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công,” ông Huy nhấn mạnh.

cao toc nblc.jpeg -0
Các dự án bảo trì đường bộ đã giải ngân đạt tỷ lệ 66% (ảnh minh họa)

Ông Huy cũng thừa nhận, kết quả giải ngân 9 tháng của năm 2021 so với cùng kỳ năm trước có thấp hơn, nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; một số địa phương công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, hiện vẫn chưa tháo gỡ hết; nguyên vật liệu cát và thiết bị cung ứng vật tư chưa thể nhập về do các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân…

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Danh Huy cho biết thêm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Đặc biệt, Bộ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về công tác giải ngân do đồng chí Bộ trưởng làm Tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, xử lý kịp thời các điểm nghẽn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Liên quan đến vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các dự án bảo trì đường bộ đã giải ngân đạt tỷ lệ 66%, cuối năm hoàn thành 100% và không có vướng mắc gì do có phương án tiến độ cụ thể từng tháng. “Ngày 20/10 tới đây, những đơn vị thi công bảo trì đường bộ không có kế hoạch giải ngân hết sẽ điều chỉnh cho nhà thầu khác để hoàn thành nguồn vốn giao đồng thời quyết liệt kiểm soát chất lượng công trình nhằm đảm bảo yêu cầu,” ông Huyện cam kết.

Về công tác lập quy hoạch ngành quốc gia, Bộ GTVT đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ 4/5 quy hoạch ngành quốc gia. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 quy hoạch về mạng lưới đường bộ và cảng biển. Đối với quy hoạch ngành hàng không đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua, đang xin ý kiến Thường trực Chính phủ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Dự kiến 3 quy hoạch chuyên ngành còn lại sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt trong tháng 10/2021. Cùng với đó, Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện kế hoạch khôi phục hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực sau khi kết thúc giãn cách xã hội, phục hồi kinh tế.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, trong quý 3/2021, không có dự án nào dừng thi công dù ảnh hưởng của dịch; Bộ đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư xây dựng khi tham mưu kịp thời xử lý khó khăn về vật liệu, làm việc với các địa phương về giải phóng mặt bằng, phân bổ nguồn vốn, thường xuyên kịp thời theo dõi và đôn đốc giải ngân…“Khó khăn lớn nhất là duy trì tổ chức vận tải, trong đó có sự phối hợp với địa phương để lưu thông; tổ chức thực hiện dự án tiến độ giải ngân vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; khó khăn về đất đắp cao tốc Bắc-Nam chỉ giải quyết một phần, chuyển đổi số dữ liệu của ngàng giao thông chưa thực sự mạnh mẽ…,” ông Đông cho hay.

Trong 3 tháng cuối năm 2021, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu các cơ quan bám sát nhiệm vụ của ngành đề ra và cần hoàn thành, trong đó gắn vai trò trách nhiệm của người đứng đầu; thúc đẩy tiến độ giải ngân; phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công của năm 2022 để sớm giao vốn; lưu ý quản lý chất lượng công trình.

PV
.
.
.