Bộ Công an tổ chức đấu giá thành công 15.502 biển số, nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.395 tỷ đồng

Thứ Ba, 23/04/2024, 09:08

Tính đến tháng 12/2023, số phương tiện đã được đăng ký, quản lý toàn quốc được nâng lên, đạt hơn 6,3 triệu ô tô và và hơn 74,3 triệu mô tô.

Ngày 23/4, tiếp tục phiên họp thứ 32, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) từ năm 2009 đến hết năm 2023". 

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Đoàn giám sát UBTVQH về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT, từ năm 2009 đến hết năm 2023, số phương tiện giao thông trên toàn quốc tăng nhanh, chủ yếu là phương tiện cá nhân. Trung bình mỗi năm, số lượng phương tiện giao thông gia tăng từ 10 - 15%, tăng nhanh tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng. Tính đến tháng 12/2023, số phương tiện đã được đăng ký, quản lý toàn quốc được nâng lên, đạt hơn 6,3 triệu ô tô và và hơn 74,3 triệu mô tô.

Ngoài ra, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2023/NĐ-CP ngày 26/6/2023 quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.

Từ 15/9/2023 (ngày mở phiên đấu giá biển số xe ô tô đầu tiên) đến hết 10/3/2024, Bộ Công an đã tổ chức đấu giá 91 ngày, đấu giá thành công 15.502 biển số; nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.395 tỷ đồng.

đấu gúa.jpg -0
Lực lượng chức năng tổ chức đấu giá biển số xe.

Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ bản đầy đủ, kịp thời. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật an toàn giao thông đường bộ đã cơ bản được triển khai thực hiện tốt, duy trì thường xuyên liên tục, đa dạng về hình thức, nội dung phù hợp với nhiều loại đối tượng khác nhau; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình mới, cách làm hay, tạo sự lan tỏa tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông trong cộng đồng.

Công tác bảo đảm TTATGT đường bộ tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Công tác kiểm tra đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật gắn với công tác thi đua khen thưởng trong bảo đảm TTATGT đường bộ được triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Mạng lưới giao thông đường bộ trên phạm vi cả nước ngày càng được phát triển, thông suốt, nhiều tuyến đường trọng điểm được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp... Trong đó, đã tập trung ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đường bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, trọng tâm là vi phạm nồng độ cồn, quá tải trọng, xe “cơi nới” thành thùng, nhất là vi phạm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường. Tình hình TTATGT đường bộ có những chuyển biến tích cực: ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện; số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm sâu, đặc biệt là số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đã góp phần bảo đảm trật tự xã hội trên các tuyến, địa bàn giao thông.

Thu Thuỷ
.
.
.