Bị kiểm tra nồng độ cồn, nhiều tài xế xin trợ giúp “nhà thông thái” và cái kết

Thứ Ba, 28/02/2023, 10:58

Sau khi bị lực lượng CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, thay vì chấp hành, nhiều trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông tìm mọi cách để xin bỏ qua vi phạm.

Liên tục gọi điện “cầu cứu” khi bị kiểm tra nồng độ cồn -0
Tổ công tác liên ngành Y11/141 của Công an TP Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên đối với từng trường hợp nghi vấn.

Ghi nhận của phóng viên Báo CAND vào tối 27/2, Tổ công tác liên ngành Y11/141 của Công an TP Hà Nội lập chốt kiểm soát nồng độ cồn trên đường Láng (trước cửa số nhà 568 Đường Láng), hướng từ Ngã Tư Sở đi Cầu Giấy. Đây là tuyến đường tập trung nhiều quán bia, nhà hàng… và có mật độ phương tiện lớn.

Đến 20h30 cùng ngày, tổ công tác phát hiện liên tiếp 3 người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn. Qua kiểm tra, anh Nguyễn Tiến Đ. (SN 1990, quê Bắc Ninh) điều khiển xe máy mang BKS: 99C1- 295.XX bị phát hiện vi phạm ở mức 0,269 mg/L khí thở. Với lỗi vi phạm trên, anh Đ. bị tổ công tác lập biên bản xử phạt 4,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 17 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Liên tục gọi điện “cầu cứu” khi bị kiểm tra nồng độ cồn -0
Tài xế gọi điện "cầu cứu" người thân sau khi sử dụng chất kích thích nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông.

Cũng trong đêm, 2 trường hợp khác qua kiểm tra phát hiện vi phạm nồng độ cồn trong khi điều khiển tham gia giao thông gồm: Phạm Thanh Q. (sinh năm 1962) và Phùng Minh C. (sinh năm 1961) cùng ở Hà Nội vi phạm nồng độ cồn ở mức 1 được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP. Hai trường hợp này cũng đã bị tổ công tác Y11/141 lập biên bản xử phạt mỗi trường hợp 2,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng.

Trình bày với tổ công tác, anh Q. cho biết, trước đó, cũng đã nhận thức được hành vi sử dụng rượu, bia rồi điều khiển xe máy gây mất an toàn giao thông nên chỉ uống ít chén để tiếp khách. Tuy nhiên, kiểm tra nồng độ cồn trong cơ thể vượt mức cho phép nên anh đành chấp nhận nộp phạt.

Liên tục gọi điện “cầu cứu” khi bị kiểm tra nồng độ cồn -0
Niêm phong, tạm giữ phương tiện vi phạm.

Đến khoảng 23h cùng ngày, qua kiểm tra, tổ công tác tiếp tục phát hiện 2 tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức kịch khung. Đơn cử như trường hợp tài xế xế Nguyễn Thanh Y. (sinh năm 1976, ở Hà Nội) điều khiển ô tô mang BKS: 30A-351.XX. Ngay sau khi kiểm tra nồng độ cồn ở chế độ định tính có phát hiện nồng độ cồn, tài xế đã liên tục gọi điện thoại để tìm sự “trợ giúp” từ người thân.

Sau khoảng 15 phút loay hoay tìm sự trợ giúp bất thành, tài xế mới chấp hành kiểm tra định lượng. Kết quả kiểm tra cho thấy, tài xế Y. vi phạm ở mức 0,431 mg/L khí thở. Đây là mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP.

Với lỗi vi phạm trên, tài xế Y. bị lập biên bản xử phạt 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng và tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.

Liên tục gọi điện “cầu cứu” khi bị kiểm tra nồng độ cồn -0
Trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị lực lượng chức năng xử lý mức kịch khung.

Trung tá Nguyễn Đức Huấn, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành Y11/141 cho biết, trong ca làm việc kéo dài 4 tiếng, lực lượng chức năng đã dừng hơn 400 ô tô và nhiều xe máy. Trong đó, phát hiện 5 tài xế vi phạm nồng độ cồn gồm 2 ô tô và 3 xe máy.

“Người vi phạm khi bị xử phạt tìm mọi mối quan hệ để can thiệp xin bỏ qua nhưng đều bị chúng tôi từ chối. Tinh thần xử lý vi phạm nồng độ cồn của chúng tôi là không có ngoại lệ. Khi gặp trường hợp người vi phạm câu giờ, không chấp hành thì cán bộ, chiến sĩ trong tổ hết sức mềm mỏng, giải thích cho họ hiểu và chấp hành”, Trung tá Nguyễn Đức Huấn thông tin thêm.

Q. Trường - B. Châu
.
.
.