Bị CSGT thổi nồng độ cồn, người say nói chưa đâm vào ai nên không vi phạm
Quá trình tổ công tác CSGT xử lý vi phạm nồng độ cồn, có trường hợp vi phạm dù nồng nặc hơi rượu nhưng vẫn cho rằng mình chưa đâm vào ai nên không vi phạm...
Tối 21/2, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Hà Nội) triển khai tổ công tác thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT, xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tại khu vực nút giao Quang Trung – Phùng Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội).
Tổ công tác triển khai từ 19h tối đến hơn 23h đêm, kiểm tra hàng trăm lượt xe máy và ô tô, qua đó phát hiện nhiều trường hợp người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn với nhiều mức khác nhau.
Như trường hợp của người đàn ông điều khiển xe máy BKS 30Z5- 21XX có biểu hiện say rượu, cố tình né tránh khu vực chốt kiểm soát của CSGT.
Quá trình làm việc, người đàn ông trên được xác định là N.V.T. (SN 1970; trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn còn phả ra mùi rượu nồng nặc nhưng chây ỳ không chịu kiểm tra nồng độ cồn và khẳng định mình đi rất vững, chưa đâm vào ai trên đường nên không vi phạm.
Tổ công tác phải mất nhiều thời gian giải thích thì ông N.V.T. mới chấp hành kiểm tra và kết qua cho thấy mức vi phạm là 0,288 mg/L khí thở.
Ông T. cho biết, mỗi ngày thường uống khoảng 2 chén rượu thuốc. Hôm nay, ông đã uống ở nhà nhưng vì thấy cũng ít nên vẫn tiếp tục lái xe máy đi sang nhà em có việc.
Tổ công tác của Đội CSGT số 7 sau đó đã lập biên bản xử phạt ông N.V.T. lỗi vi phạm nồng độ cồn và không có giấy phép lái xe với mức xử phạt 6 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Một trường hợp là tài xế N.V.Th. (SN 1990, trú tại Hà Đông, Hà Nội) bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,253 mg/L khí thở khi đang chở theo hai con đi đường.
Tài xế này biện minh rằng, do hôm nay hơi mệt nên trong bữa cơm có uống 1 lon bia sau đó đi đón con. Không ngờ sự chủ quan đó dẫn tới việc bị CSGT phát hiện, xử phạt.
Trao đổi với PV, Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội CSGT số 7 cho biết, qua thời gian dài lực lượng chức năng cả nước triển khai xử lý mạnh tay đối với vi phạm nồng độ cồn, tình trạng người điều khiển xe máy và ô tô sau khi sử dụng rượu bia đã giảm mạnh. Trước đây, Cảnh sát trong một ca trực có thể phát hiện tới cả chục trường hợp thì nay không nhiều. Có thời điểm, kiểm tra gần 300 phương tiện mới phát hiện vài trường hợp tài xế vi phạm.
Hiện quy định cấm người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia (trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật không cấm uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Cũng theo Trung tá Nguyễn Đức Thắng, bên cạnh những chế tài và những xử phạt vi phạm nồng độ cồn thì quan trọng hơn hết là việc nâng cao ý thức cho người dân về sự an toàn tính mạng cho chính bản thân và những người xung quanh. Bởi phía trước tay lái là sự sống.