Bảo đảm an toàn về con người phải được ưu tiên hàng đầu

Chủ Nhật, 21/07/2024, 08:08

Thời gian gần đây, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, nhất là khu vực phía Bắc hay xảy ra tình trạng sạt lở đất đá, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân lưu thông trên đường. Thậm chí có những vụ sạt lở bất ngờ, như vụ sạt lở ở huyện Bắc Mê, Hà Giang vừa qua, để lại những hậu quả hết sức đau lòng. Làm thế nào để người dân an tâm hơn khi lưu thông trên các cung đường, sớm nhận ra những dấu hiệu sạt lở bất thường để kịp thời né tránh? Để có câu trả lời gửi tới bạn đọc, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý, tổ chức giao thông đường bộ Cục Đường bộ Việt Nam.

PV: Thưa ông, thời gian qua Cục Đường bộ Việt Nam đã khá vất vả khắc phục vụ sạt lở ở Hà Giang. Ông có thể cho biết, đến nay việc khắc phục toàn tuyến đường đã được thực hiện như thế nào?

Ông Lê Hồng Điệp: Ngay sáng sớm ngày 13/7/2024, tức là ngay sau khi nhận vụ sạt lở xảy ra tại Km 10+950 quốc lộ 34 địa bàn huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Công an tỉnh Hà Giang đã khẩn trương chỉ đạo kịp thời để các lực lượng Công an, Quân đội, Giao thông, Y tế, chính quyền huyện, xã nơi xảy tai nạn, chính quyền huyện, xã lân cận, tổ chức, cá nhân khác và nhân dân khẩn trương, tích cực, không quản ngại khó khăn phức tạp, tận tâm triển khai kịp thời, quyết liệt các biện pháp cứu nạn tại hiện trường, xác minh số người bị nan cùng danh tính, quê quán của họ, phục vụ cho công việc tìm kiếm cứu nạn.

Các lực lượng của ngành Giao thông đã khẩn trương đưa máy móc thiết bị thi công vào hót trên 20.000m3 đất đá sạt lở; sửa chữa tạm các hạng mục khác để kịp thông xe vào lúc 12h05’ ngày 14/7. Mặc dù vụ sạt lở gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng công tác chỉ đạo, chỉ huy cứu nạn, khắc phục sự cố đã được triển khai kịp thời, quyết tâm, không quản ngại khó khăn, tậm tâm tham gia tích cực cứu nạn, cứu chữa người bị thương; thăm hỏi động viên kịp thời người bị nạn và thân nhân người bị nạn; giao thông sớm được khôi phục để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh trong khu vực.

Bảo đảm an toàn về con người phải được ưu tiên hàng đầu -0
Ông Lê Hồng Điệp.

PV:  Từ đầu năm đến nay, trên các tuyến đường đi qua các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra bao nhiêu vụ sạt lở? Lực lượng chức năng thường mất bao lâu để xử lý các sự cố này. Hiện các tỉnh miền núi phía Bắc có bao nhiêu đoạn đường trên các tuyến quốc lộ có nguy cơ bị sạt lở? Cụ thể là những điểm nào, xin ông cho biết cụ thể?

Ông Lê Hồng Điệp: Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài từ đầu năm đến nay, trên quốc lộ và đường địa phương tại các tỉnh phía Bắc đã xảy ra hàng nghìn vị trí, khu vực đường bộ và các công trình đường bộ bị hư hỏng, gây thiệt hại về tài sản kết cấu hạ tầng của trung ương (quốc lộ) và của địa phương (đường tỉnh, đường huyện …), gây hư hỏng thiệt hại về phương tiện giao thông, đặc biệt vụ sạt lở tại Km10+950 quốc lộ 34 tại huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trong với 11 người chết, 4 người bị thương. Về quy mô hư hại kết cấu hạ tầng đã xảy ra các vụ lún sụt đứt đường trên quốc lộ 4, Hà Giang, vụ Km 10+950, QL34 khối lượng sạt trên 20.000 m3 và rất nhiều vụ khác gây hư hỏng đường bộ, các công trình đường bộ với quy mô, giá trị thiệt hại khác nhau.

Riêng trên quốc lộ, theo thống kê sơ bộ từ đầu năm đến giữa tháng 7/2024, trên hệ thống quốc lộ có khoảng hơn 5.000 vị trí sạt lở ta luy với quy mô thiệt hại khác nhau (từ sạt lở vài m3 cho đến hàng chục nghìn m3 đất đá, sạt lở …). Về công tác khắc phục, ngay sau khi phát hiện ra sạt lở, các đơn vị được giao quản lý đường bộ trên tuyến ngày, đêm triển khai hót sụt, bảo đảm giao thông được thông suốt. Đối với các vị trí khối lượng hư hỏng vừa, nhỏ sẽ được hót dọn ngay trong ngày. Đối với vị trí sạt lở, thiệt hại phức tạp hơn, công tác hót dọn được tiến hành ngay nhưng có thể kéo dài một đến hai ngày sẽ thông xe do khối lượng thiệt hại lớn, tính chất hư hỏng có thể phức tạp cần có các giải pháp thực hiện hiệu quả, tránh gây tai nạn hoặc phát sinh thêm hư hỏng trong khi khắc phục.

Trong số hơn 5.000 vị trí nêu trên, mặc dù đã được hót dọn, thông xe bảo đảm giao thông, hiện trên tuyến vẫn còn khoảng hơn 100 vị trí đã khắc phục hư hỏng sạt lở. Tuy nhiên vẫn còn nguy cơ sạt lở tiếp, nguyên nhân là đất đá gặp nước mưa bở rời, liên kết giảm, đất đá ngậm nước gia tăng khối lượng riêng, nhiều trường hợp các đợt sạt lở trước làm cho mái dốc không bảo đảm độ dốc cần thiết dẫn đến nguy cơ sạt lở tiếp. Để khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị bố trí cảnh báo nguy hiểm và phân luồng giao thông nếu cần thiết; chỉ đạo các đơn vị bố trí hệ thống biển cảnh báo, cọc tiêu, dây căng, v.v… để cảnh báo cho người tham gia giao thông; tăng cường kiểm tra rà soát các vị trí hư hỏng, có nguy cơ sạt lở, các công trình cầu, cống để sớm phát hiện, xử lý kịp thời; tổng rà soát lại kế hoạch phòng chống thiên tai để điều chỉnh, bổ sung, tăng cường các giải pháp phù hợp, để công tác này phù hợp hơn với dự báo và diễn biến thiên tai; chỉ đạo công tác chỉ huy, trực đường dây nóng, báo cáo thường xuyên, kịp thời…

Bảo đảm an toàn về con người phải được ưu tiên hàng đầu -0
Lực lượng chức năng tập trung khắc phục sự cố sạt lở ở Hà Giang.

PV: Xin ông cho biết với những điểm có nguy cơ sạt lở, hàng năm, Cục Đường bộ Việt Nam có cảnh báo, tuyên truyền khuyến cáo tới người dân không? Các đơn vị đã đưa ra những giải pháp trước mắt và lâu dài thế nào?

Ông Lê Hồng Điệp: Hàng năm, khi nhận được báo cáo về những trường hợp có nguy cơ sạt lở trên quốc lộ, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ yêu cầu đơn vị thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm giao thông: Bố trí lực lượng trực, hướng dẫn đảm bảo giao thông, bố trí biển cảnh báo, v.v… Trường hợp cần thiết có thể tổ chức phân luồng giao thông từ xa. Đối với các vị trí đã sạt lở, Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị, ngoài việc hướng dẫn, cảnh báo, phân luồng giao thông…, phải huy động nhân lực, máy móc thiết bị để khẩn trương thực hiện công tác khắc phục, bảo đảm giao thông. Cục Đường bộ cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị truyền thông để thông tin kịp thời đến người dân về những thiệt hại và công tác khắc phụ hậu quả thiên tai trên hệ thống quốc lộ. Các đơn vị bảo trì thường xuyên tuần đường, phát hiện kịp thời và huy động lực lượng xử lý ngay. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư, hậu cần tại chỗ, thiết bị tại chỗ) để tập trung hót dọn đất đá ở các vị trí sụt lở ta luy dương và gia cố lại vị trí ta luy âm bảo đảm giao thông…

PV: Thiên tai là vấn đề khó tránh, khó lường. Vậy ông có thể chia sẻ về những khó khăn trong việc khắc phục các vị trí sạt lở? Kinh phí hàng năm đầu tư cho vấn đề này là bao nhiêu, có đủ cho việc khắc phục lâu dài hay không?

Ông Lê Hồng Điệp: Trước tiên tôi xin khẳng định cơ bản không có quốc gia nào mà hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ đủ chống chọi được đối với tất cả các loại thiên tai, các cấp thiên tai, ngay cả các nước giàu có, thu nhập cao, trình độ khoa học công nghệ phát triển cao. Đối với Việt Nam, Chính phủ, các bộ, ngành ở trung ương, Bộ GTVT và chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống thiên tai, đã ban hành luật, các nghị định, thông tư, bố trí vốn về phòng, chống, khắc phục thiên tai khá đồng bộ, hoàn chỉnh, đây là điểm vô cùng thuận lợi. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, mưa mới tập trung tại miền Bắc, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ có mưa nhưng chưa vào mùa mưa cao điểm. Trung du miền núi phía Bắc địa hình núi cao hơn, dốc hơn các khu vực khác, sông suối cũng có độ dốc lớn, nhất là tại các tỉnh như Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Cao Bằng, khi mưa lớn lượng nước tập trung nhiều dẫn đến gây sạt lở ta luy, nền đường, gây các thiệt hại khác. Cùng đó, trên khu vực này mặc dù được quan tâm đầu tư xây dựng, bảo trì nhưng do đặc điểm nêu trên, cùng với một số tuyến đường quốc lộ, và nhiều đường địa phương quy mô còn thấp (nhiều tuyến đạt cấp V, cấp VI), nhiều đường địa phương (đường huyện trở xuống) chưa vào cấp… Hạ tầng hạn chế dẫn đến khả năng thích ứng, chống chọi với thiên tai cũng hạn chế. Khi mưa lớn, bão, lũ dễ gây hậu quả hư hỏng đường và các công trình khác. Ngoài ra, nguồn lực được quan tâm nhưng cũng còn hạn chế, các vị trí có nguy cơ sạt lở cao chưa được đầu tư kiên cố hóa, cần có nguồn vốn cấp bách để thực hiện kiên cố hóa.

Kinh phí để phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai được bố trí trong các năm bảo đảm cơ bản để thực hiện các nhiệm vụ này; trường hợp thiên tai lớn, xảy ra vào cuối năm thì ngân sách năm trước chưa đủ, sẽ được bố trí trong ngân sách năm sau để khắc phục, bảo đảm giao thông bước 1 và các công việc khác. Tuy vậy kinh phí để xây dựng cải tạo các công trình quy mô lớn, đủ khả năng chống chọi mọi cấp, mọi loại thiên tai, nhất là khu vực miền núi phía Bắc thì chưa thể đủ, mà như tôi đã nêu, ngay tại các quốc gia có thu nhập quốc dân cao cũng không thể đủ.

Để đời sống người dân ít bị ảnh hưởng nhất, theo tôi công tác phòng là quan trọng nhất, chúng ta cần có và triển khai sớm hệ thống cảnh báo lũ quét cũng như sạt lở đất để người dân di chuyển khỏi vùng nguy hiểm. Đối với những vị trí có nguy cơ sạt lở cao, khi chính quyền địa phương đã ban bố tình trạng khẩn cấp cần phải di dời đề nghị người dân sống trong khu vực đó khẩn trương di chuyển ngay để đảm bảo an toàn tính mạng…

PV: Trong quá trình lưu thông nếu chẳng may gặp các điểm sạt lở hoặc gặp các sự cố trên các tuyến đường này, người dân nên xử lý thế nào? Họ có thể gọi cứu trợ thông qua đường dây nóng nào, thưa ông?

Ông Lê Hồng Điệp: Trong quá trình lưu thông nếu chẳng may gặp sự cố về sạt lở, người dân trước tiên cần chấp hành Luật Giao thông đường bộ; chấp hành nghiêm theo hướng dẫn, điều tiết giao thông của lực lượng chức năng tại khu vực bị sạt lở. Chủ động quan sát các dấu hiệu sạt lở đất, kịp thời báo cáo chính quyền địa phương, thông tin vị trí sạt lở cho đơn vị quản lý tuyến đường, thông báo cho cơ quan thông tin đại chúng. Hãy chú ý đến những mối nguy hiểm khác nhau có thể xuất hiện trên đường bất cứ lúc nào, chẳng hạn như đất, đá rơi, cây đổ để tránh nguy hiểm. Bảo đảm an toàn về con người phải được ưu tiên hàng đầu, sau đó mới xét đến các vấn đề về tài sản, trường hợp nguy hiểm đến an toàn con người có thể phải bỏ phương tiện để chạy, rời khỏi vị trí nguy hiểm. Khi bảo đảm an toàn, người tham gia giao thông hãy chủ động bố trí cảnh báo cho người tham gia giao thông khác biết; đồng thời, liên hệ với các cơ quan chức năng qua đường dây nóng để được hỗ trợ.

Hiện nay, Công an đã công bố các số điện đường dây nóng, cụ thể: Cục Cảnh sát giao thông đã công bố đường dây nóng: 1900.8099; Cục Đường bộ Việt Nam đã công bố đường dây nóng: 1900.599.870, trong đó bao gồm các nhánh đường dây nóng để liên hệ với các Khu Quản lý đường bộ tại 4 khu vực. Ngoài ra, nhiều Sở GTVT và Công an các địa phương cũng đã công bố đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh và hỗ trợ người dân. Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã yêu cầu các Sở GTVT trên cả nước công bố đường dây nóng hỗ trợ người dân tốt hơn, hiệu quả hơn; đồng thời, sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền rộng rãi để người dân được biết.

Phạm Huyền (thực hiện)
.
.
.