Bài toán tăng vốn cho tuyến Metro số 2 ở TP Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 02/12/2024, 14:12

Ngày 25/11 vừa qua Ban Cán sự Đảng UBND TP Hồ Chí Minh đã có thông báo về việc thống nhất chủ trương sử dụng vốn ngân sách để triển khai tiếp dự án xây dựng tuyến Metro số 2. Với chủ trương này, thành phố dự kiến sẽ không sử dụng vốn vay ODA từ các ngân hàng ADB, KFW và EIB nước ngoài để đầu tư cho dự án…

Tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) có chiều dài 11 km, đi qua địa bàn 6 quận với 9,3km đi ngầm, 2km đi trên cao gồm 10 nhà ga ngầm, 1 nhà ga trên cao đã được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt dự án và khởi công san lấp mặt bằng, làm tường rào và tòa nhà văn phòng tại khu Deport Tham Lương từ các năm 2010-2011. Sau 9 năm không thể triển khai nhưng vẫn phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, tháng 11/2019 UBND thành phố đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án, khi đó tổng mức đầu tư đã ở mức hơn 47,8 nghìn tỷ đồng. Từ đó, mốc thời hạn hoàn thành, đưa tuyến Metro số 2 vào khai thác cũng được lùi từ năm 2020 so với dự kiến ban đầu thành năm 2030.

Không chỉ tuyến số 2, mà ngay cả với tuyến Metro số 5 khi còn là dự án cũng đã bị đội vốn. Theo TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP Hồ Chí Minh, đầu tư cho Metro rất đắt. Ở các nước tiên tiến suất đầu tư bình quân khoảng 100 triệu USD/km, nhưng ở trong nước mức đầu tư đã “đội” lên rất nhiều. Chẳng hạn tuyến Metro số 5 từ ngã tư Bảy Hiền, quận Tân Bình đến siêu thị Metro ở TP Thủ Đức với chiều dài 8,9 km, còn chưa được triển khai nhưng cuối năm 2014 đã phải điều chỉnh lại giá đầu tư từ mức 833 triệu EURO, tăng thêm 477 triệu EURO thành 1,31 tỷ EURO. Mức vốn đầu tư này tương đương 1,52 tỷ USD vào thời điểm đó, bình quân là 170 triệu USD/km đối với tuyến này.

Càng kéo dài, tuyến Metro số 2 càng đối mặt với nguy cơ đội vốn -0
Khu vực tuyến dự án chưa được bàn giao mặt bằng.

Để hoàn thành mục tiêu trên, trong những năm tới ngân sách thành phố sẽ phải chi mỗi năm gần chục nghìn tỷ đồng cho việc xây dựng tuyến Metro số 2 và đây là gánh nặng không nhỏ cho ngân sách thành phố. Trong khi đó, ở giai đoạn 2 dự án này, thành phố sẽ xây dựng thêm 2 đoạn kéo dài từ điểm đầu và cuối tuyến là Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương - Bến xe Tây Ninh với tổng chiều dài 9,1km, tổng mức đầu tư dự kiến ở mức hơn 1,48 tỷ USD. Sau đó sẽ tiếp tục kéo dài tuyến từ Bến xe Tây Ninh đến khu Tây Bắc Củ Chi với chiều dài 28km chạy trên cao, tổng mức đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD. Các nguồn vốn đầu tư này được dự kiến từ các nguồn như ODA, PPP… 

Đến nay, Dự án xây dựng tuyến Metro số 2 mới triển khai ở bước bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật phục vụ xây dựng tuyến, nhưng đã gặp phải một loạt khó khăn về tăng vốn đầu tư. Do phương án vốn cho dự án dựng tuyến Metro số 2 được lập vào năm 2017, nên đến khi TP Hồ Chí Minh ký hợp đồng với các nhà đầu tư vào năm 2019 đã có những yếu tố làm tăng tổng mức đầu tư như thiết bị máy móc, nhân công, tỷ giá… Năm 2020, khi thành phố triển khai gói bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án vốn đã lập trước đó với tổng mức đầu tư khoảng 3.400 tỷ đồng, nhưng sau khi thẩm định giá và ban hành hệ số điều chỉnh giá để tổ chức bồi thường cho người dân, số tiền đền bù đã tăng thêm khoảng 500 tỷ đồng.

Trong khi đó, chỉ với 585 trường hợp cần giải tỏa, chính quyền các quận cũng đã phải cần tới gần 4 năm để thực hiện. Đến cuối tháng 10 vừa qua, toàn bộ 585 trường hợp thuộc diện giải tỏa, thu hồi đất đều đã được các quận hoàn tất thủ tục, nhưng vẫn còn 10 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng. Như vậy, ngoài việc thu hồi đất kéo dài, thì việc bố trí nguồn vốn đầu tư cho tuyến Metro số 2 cũng đang là vấn đề không đơn giản khi thành phố dự kiến sẽ triển khai xây dựng vào năm tới.

Bảo Sơn
.
.
.