Ai chịu trách nhiệm khi hàng loạt điểm đen TNGT chưa được xóa?

Thứ Ba, 11/07/2023, 07:39

Thống kê từ Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, đến thời điểm này, cả nước có 33 công trình xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) chậm tiến độ do vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB). Dù đã có văn bản đốc thúc, có phương án xử lý nghiêm tập thể, cá nhân chậm xử lý điểm đen TNGT, song nếu vì chậm tiến độ, khi xảy ra TNGT, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Điểm tên 6 tỉnh có công trình chậm tiến độ

Dốc Cun trên tuyến quốc lộ 6 dài khoảng 5-6km, xuất phát từ ngã ba đường An Dương Vương, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) lên đỉnh dốc thuộc địa phận xã Thu Phong (Cao Phong). Đây là tuyến đường coi như độc đạo lên Tây Bắc và từ TP Hòa Bình đi các địa phương trong tỉnh. Nằm trong dự án cải tạo, nâng cấp QL6, dốc Cun được đầu tư mở rộng từ năm 2005, nhiều năm sau đó được Nhà nước đầu tư, nâng cấp, sửa chữa mở rộng, thảm mặt, làm đường lánh nạn để giảm thiểu TNGT. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình có độ dốc lớn, cua gấp, nguy cơ TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Thống kê của đơn vị Quản lý đường bộ I (Cục Đường bộ Việt Nam), trong năm 2021, trên QL6, đoạn qua dốc Cun xảy ra 7 vụ tai nạn làm 2 người chết, 4 phương tiện bị hư hỏng. Sang năm 2022, tình trạng cũng không khá hơn. Thậm chí, nhiều vụ va chạm, tai nạn làm ách tắc giao thông kéo dài hàng km.

Ai chịu trách nhiệm khi hàng loạt điểm đen TNGT chưa được xóa? -0
Dốc Cun trên QL6 được các tài xế đánh giá là một trong những điểm đen nguy hiểm.

Anh Nguyễn Tuấn, lái xe tải hay chở hàng trên tuyến  Hà Nội-Điện Biên cho biết: Dốc Cun là con dốc đầu tiên nguy hiểm trong hành trình đi trên QL6 từ miền xuôi lên các tỉnh Sơn La, Điện Biên. Dốc quanh co, mật độ phương tiện dày đặc, có nhiều xe chở hàng, vật liệu xây dựng, chở xăng dầu chiều dài xe dài, di chuyển rất chậm, mặt đường nhiều đoạn nhỏ hẹp, chỉ cần va quệt, lấn làn là xảy ra ách tắc giao thông.

Để bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến đường đèo dốc tại dốc Cun, cũng như trên tuyến QL6, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Hòa Bình) tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng, sử dụng chất kích thích điều khiển phương tiện. Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người tham gia giao thông tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn khi lái xe qua đường đèo dốc, lái xe di chuyển chậm, tuyệt đối khống lấn làn, vượt ẩu, giảm thiểu nguy cơ TNGT.

Để khắc phục bất cập nói trên, Sở GTVT tỉnh Hòa Bình đã lên phương án xử lý nguy cơ mất ATGT đoạn Dốc Cun trên QL6 với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng. Song điều đáng nói, tuyến đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn là vậy, đến nay công trình này chưa giải ngân được đồng vốn nào.

Không chỉ ở Hoà Bình, tình trạng chậm tiến độ, giải ngân các công trình xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT cho phép đầu tư năm 2021, 2022 còn diễn ra ở các Sở GTVT Lào Cai, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Bình. Cụ thể, Sở GTVT Lào Cai có 3 công trình xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên QL4D đang bị chậm tiến độ. Tổng mức đầu tư của 3 điểm này hơn 31 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được gần 12 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch. Sở GTVT Lạng Sơn có hai công trình chậm tiến độ, đến nay mới giải ngân được gần 130 triệu đồng, đạt 0,5% kế hoạch.

Sẽ kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, có 33 công trình xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT chậm tiến độ do vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), trong đó có 19 công trình phải hoàn thành trước 30/6/2023; 14 công trình chậm tiến độ làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ giải ngân, không đáp ứng tính chất xử lý ngay của điểm đen.

Để đảm bảo ATGT và tiến độ giải ngân năm 2023, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị nêu trên nghiêm túc thực hiện hoàn thành theo kế hoạch các công trình đã thực hiện điều chỉnh phải pháp thiết kế, gia hạn tiến độ. Nếu công trình tiếp tục chậm hoàn thành, yêu cầu kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan, xem xét hình thức xử lý kỷ luật trước khi triển khai các thủ tục điều chỉnh tiến độ dự án. Đối với các công trình đang điều chỉnh thiết kế để phù hợp với điều kiện thực tế, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu phải xây dựng và phê duyệt tiến độ hoàn thành cụ thể, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ giải ngân.

Liên quan đến các công trình chưa triển khai do vướng mắc về GPMB, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các chủ đầu tư phải hoàn thành xong GPMB mới triển khai đấu thầu, tránh phải điều chỉnh thiết kế hoặc thi công dở dang, tiềm ẩn gây mất ATGT và không phát huy hiệu quả nguồn vốn.

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã cho phép đầu tư 16 điểm đen TNGT với tổng kinh phí gần 93 tỷ đồng; 22 điểm tiềm ẩn ATGT và 21 điểm mất ATGT khác với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng. Đồng thời, Cục sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm các đơn vị đã được kiến nghị nhiều lần nhưng chậm khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT để xảy ra ùn tắc giao thông và TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Hà Nội còn 32 điểm ùn tắc

Trong 6 tháng đầu năm, Sở GTVT Hà Nội xử lý được 5/37 điểm đen ùn tắc gồm: Nút giao Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo, Đại La - Trần Đại Nghĩa, Ngã Tư Vọng, nút giao Sa Đôi - đường 70 và nút Ngã Tư Sở - Láng. Được biết, để giảm ùn tắc, trong 6 tháng đầu năm, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức thí điểm điều chỉnh những bất cập về tổ chức giao thông một số nút giao thông.

Cụ thể, Hà Nội đã thực hiện phân làn phương tiện trên tuyến đường Nguyễn Trãi đoạn từ Ngã Tư Sở đến Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân; tổ chức giao thông tại 6 nút giao trên tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Lê Trọng Tấn (trục đường xe buýt BRT); tổ chức giao thông các trục, tuyến đường khác gồm: Trục đường Vành đai 2, Thụy Khuê, Chu Văn An - Vạn Phúc, Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi. Trên cầu Thanh Trì và trục đường vành đai 3 trên cao. Hà Nội điều chỉnh tổ chức giao thông nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông ở 26 nút giao, ngã tư.

Đặng Nhật
.
.
.