Xung quanh chuyện di dời Bến xe Miền Đông
Theo tìm hiểu, BXMĐ mới ở TP Thủ Đức được khởi công xây dựng vào tháng 4/2017, với quy mô bến xe lớn nhất cả nước, thiết kế hiện đại, đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10/10/2020 đến nay. Hiện nay, quá trình di dời các đơn vị vận tải hoạt động ở BXMĐ cũ đến BXMĐ mới vẫn đang diễn ra.
Vậy nhưng, BXMĐ cũ vẫn được nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng từ khoảng cuối năm 2020, gồm “cải tạo mặt bằng bến bãi” và “xây dựng mái che, trạm thu dịch vụ xếp dỡ hàng hóa (XDHH) và dải phân cách cổng 3, cổng 4”. Trong đó, tổng mức đầu tư về việc “cải tạo mặt bằng bến bãi” khoảng 2,7 tỷ đồng; tổng mức đầu tư về việc “xây dựng mái che, trạm thu dịch vụ XDHH và dải phân cách cổng 3, cổng 4” khoảng 1,6 tỷ đồng.
Một số lần điều chỉnh tăng giá vé dịch vụ ở Bến xe Miền Đông cũ. |
Giải thích về việc này, đại diện BXMĐ lý giải việc đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ là công việc thường xuyên của bến xe. Việc này đã có chủ trương từ trước và được sự đồng ý của công ty chủ quản (Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn - Samco). Đại diện BXMĐ cũng cho biết dựa trên cơ sở chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng nên bến xe mới điều chỉnh tăng giá vào cổng như người dân đã phản ánh để lấy doanh thu bù vào chi phí gồm các cổng vào, hệ thống barrier…
Liên quan đến việc tăng giá vé vào cổng, ngày 25/5/2021, BXMĐ đã có văn bản gửi Sở Tài chính, Sở GTVT, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh và Ban Tổng giám đốc công ty (Samco) về việc điều chỉnh giá dịch vụ xe “vào bến giao nhận, XDHH, hành lý ký gửi”. Đồng thời, BXMĐ cũng có văn bản gửi các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ xe vào bến giao nhận và XDHH theo tải trọng xe và dịch vụ giao nhận và XDHH cồng kềnh hoặc có sử dụng xe nâng…
Theo đó, qua một số ý kiến đóng góp của khách hàng thông qua báo đài; theo Văn bản 194NB/SC-HC ngày 19/5 của Samco, về việc xem xét giá dịch vụ tại BXMĐ trong tình hình dịch bệnh COVID-19, BXMĐ thông báo áp dụng mức giá (hạ xuống) như sau: Xe dưới 1 tấn hoặc kích thước phương tiện tương ứng trọng tải xe (bao gồm xe ba bánh) giá vào cổng và XDHH là 54.000 đồng (trước đó là 60.000 đồng); xe từ 1 - 2 tấn hoặc kích thước phương tiện tương ứng trọng tải xe giá 130.000 đồng (trước đó là 145.000 đồng); xe trên 2 tấn hoặc kích thước phương tiện tương ứng trọng tải xe giá 180.000 đồng (trước đó là 240.000 đồng).
Bên cạnh đó, xe vào bến XDHH cồng kềnh hoặc sử dụng xe nâng đều được giảm từ 10 - 30%, tùy theo loại hàng hóa, so với giá tiền trước đó. Lý do của việc này là vì trước đó, theo phản ánh của một số chủ hãng xe khách thì BXMĐ đã liên tục điều chỉnh tăng giá vé vào cổng.
Đáng nói, theo lý giải của ông Đỗ Phú Đạt, Phó Tổng giám đốc BXMĐ, nguyên nhân bến xe tăng giá vé vào cổng là vì bến mới đầu tư, nâng cấp cổng vào (gồm cổng 3 và 4). Ông Đạt giải thích việc tăng giá “đều thực hiện theo đúng quy định” vì BXMĐ đã gửi công văn đến Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, cũng như thông tin trên website của bến xe, thông báo cho tất cả doanh nghiệp ký hợp đồng với bến; với khách vãng lai thì thông báo bảng giá công khai tại các cổng vào. Trong đó, sau khi điều chỉnh lại, tiền vé bao gồm phí vào cổng và XDHH có tăng khá cao so với trước. Bởi với các xe khác có xếp dỡ, trước đây khách vào cổng phải tự bốc xếp. Sau khi điều chỉnh lại, tiền vé bao gồm phí vào cổng và XDHH nên tiền phí có tăng so với trước đây.
Quay lại vấn đề liên quan đến tình hình BXMĐ mới đã hoạt động mấy tháng nay nhưng vẫn không hiệu quả, nhiều người dân và chuyên gia cho rằng ngoài bất cập về hạ tầng giao thông thì việc còn tồn tại BXMĐ cũ cũng là một nguyên nhân khiến bến xe mới “ế khách”. Bởi người dân vẫn đến bến xe cũ để tiện lợi hơn hoặc hiện ở BXMĐ mới chỉ có hơn 20 tuyến xe đi ra Bắc nên hầu như BXMĐ mới khá vắng vẻ.
Theo các chuyên gia, thành phố cần phải có mốc thời gian cụ thể thông qua việc quảng bá tuyên truyền rằng ngày nào dứt khoát đóng bến cũ, bởi nếu không quảng bá, người dân không nắm thông tin thì vẫn đi bến cũ, thậm chí đi “xe dù, bến cóc”. Đồng thời, ngành chức năng cần cung cấp các dịch vụ kết nối ra bến xe mới như xe buýt, buýt mini sử dụng app, xe con thoi của các doanh nghiệp vận tải tuyến đường dài… đưa khách đến bến mới miễn phí…
Trong khi đó, về phía Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh lại cho rằng muốn đóng cửa BXMĐ cũ phải có phương án, lộ trình cụ thể sau khi được các đơn vị liên quan đánh giá. Đồng thời cũng cần có sự đồng thuận từ doanh nghiệp vận tải và xử lý được hoạt động trái phép “xe dù, bến cóc”. Những điều kiện trên phải được thực hiện thì mới có thể dời BXMĐ cũ ra BXMĐ mới.
Ngoài ra, thực tế việc xem xét, đánh giá bến cũ chuyển ra bến mới đã có chủ trương từ lâu nhưng theo nguyên tắc có bến mới phải di dời bến cũ. Tuy nhiên, lộ trình cụ thể phải có đánh giá, phương án vì liên quan phương án tài chính của Samco. Sau thời gian đánh giá thì sẽ nghiên cứu, xem xét chuyển tất cả ra bến mới. Bến cũ sẽ quy hoạch là bãi đậu xe cho xe buýt hoặc bãi đậu xe công cộng cho thành phố.