Việt Nam mất từ 5-12 tỷ USD/năm do tai nạn giao thông

Thứ Ba, 27/09/2016, 09:01
TS. Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nêu ra: Mỗi năm, chi phí cho TNGT là 5-12 tỷ USD, tổng chi phí cho TNGT giai đoạn 2015-2030 là 130 tỷ USD! Ủy ban ATGT Quốc gia công bố khoảng 10.000 người tử vong/năm nhưng con số của ngành Y tế cho thấy có thể gấp 10 lần.

Tỉ lệ người uống rượu bia cũng “vô địch” trong các nước châu Á với con số cao ngất ngưởng: 77% nam giới và 11% nữ giới.Việc tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam đang ở mức đứng thứ 2 trong các nước Đông Nam Á, chiếm vị trí thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới.

“Thành tích” đáng lo ngại này là kết quả nghiên cứu mới nhất về việc sử dụng rượu bia ở Việt Nam, do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết tại Hội thảo “Chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam và dự án Luật Phòng chống tác hại (PCTH) của rượu bia”, do Bộ Y tế và WHO tổ chức tại Hà Nội ngày 26-9, nhằm cảnh báo về việc lạm dụng rượu bia ở nước ta.

Nhiều kết quả nghiên cứu về việc sử dụng rượu bia lần đầu được công bố. Theo Ths.BS. Trần Quốc Bảo - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ở Việt Nam, việc sử dụng rượu bia không chỉ tăng ở nam giới mà ở cả nữ giới.

Tuổi càng cao, tần suất sử dụng rượu bia càng tăng. Lứa tuổi thanh niên số lần uống ít hơn người cao tuổi, nhưng mỗi lần uống lại rất nhiều. Có tới gần 50% nam giới Việt Nam uống ở mức nguy hại, trong khi con số này trên thế giới là 12-13%.

Tính đến tháng 1-2016, Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 3,4 triệu lít và 70 triệu lít rượu, chưa kể mỗi năm còn tiêu thụ khoảng 200 triệu lít rượu nấu ở trong dân. Hiện, không có nước nào sử dụng rượu bia ở mức nguy hại cao như Việt Nam. Đây là nguyên nhân tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến rượu bia ngày càng gia tăng.

Tại hội thảo, một thông tin khiến nhiều người giật mình, do TS. Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nêu ra: Mỗi năm, chi phí cho TNGT là 5-12 tỷ USD, tổng chi phí cho TNGT giai đoạn 2015-2030 là 130 tỷ USD! Ủy ban ATGT Quốc gia công bố khoảng 10.000 người tử vong/năm nhưng con số của ngành Y tế cho thấy có thể gấp 10 lần.

Nguy hiểm của rượu bia là thế, nhưng theo ông Nguyễn Phương Nam (đại diện WHO Việt Nam), Việt Nam còn nhiều bất cập khi cấm quảng cáo rượu, nhưng quảng cáo bia thì hoàn toàn thả lỏng. Nhiều nước đã hình sự hóa việc lạm dụng rượu bia, còn ta vẫn xử phạt hành chính.

Thanh Hằng
.
.
.