Việc dịch chuyển vị trí ga ngầm C9 là không khả thi

Thứ Sáu, 27/09/2019, 09:27
UBND thành phố Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ quá trình nghiên cứu, thiết kế quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án thi công ga ngầm C9 (ga hồ Hoàn Kiếm) thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

Theo UBND thành phố, tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được kết nối với tuyến số 1 tại ga C8 - Hàng Đậu và kết nối tuyến số 3 tại ga C10 - Trần Hưng Đạo, khoảng cách giữa hai ga này là 2,4km nên ga ngầm C9 ở khoảng giữa là đáp ứng yêu cầu kỹ thuật chạy tàu và nhu cầu tiếp cận hành khách khu vực trung tâm, bảo đảm an toàn vận hành khai thác theo tiêu chuẩn của đường sắt đô thị.

Vị trí ga ngầm C9 phía trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội gắn liền với hướng tuyến nêu trên về cơ bản đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ-UBND ngày 13-11-2008.

Trong quá trình triển khai quy hoạch chi tiết, đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu, xem xét 7 phương án. Sau khi nghiên cứu, so sánh, đánh giá ưu, nhược điểm về kỹ thuật, kinh tế, mức độ ảnh hưởng tới các di tích lịch sử, khoảng cách giữa các ga C8, C9, C10... thì phương án vị trí ga C9 đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần vườn hoa phía bờ hồ Hoàn Kiếm là phương án có nhiều ưu điểm hơn các phương án khác.

Trong quá trình quy hoạch, thành phố nhận được ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với đề nghị tịnh tiến thân ga C9 về phía lòng đường Đinh Tiên Hoàng. Một số chuyên gia đề nghị Hà Nội nghiên cứu phương án bố trí ga tại các vị trí của Tổng Công ty Điện lực, Quảng trường Ngân hàng Nhà nước, Nhà hát Lớn…

Tiếp thu các ý kiến trên, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn và chủ đầu tư rà soát từng phương án cụ thể. Kết quả cho thấy các phương án này đều được đơn vị tư vấn nghiên cứu và đánh giá không khả thi.

Đặng Nhật
.
.
.