Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cảnh báo về “điểm đen” tai nạn giao thông

Chủ Nhật, 15/02/2015, 08:07
Lần đầu tiên sau nhiều năm, năm 2014 tai nạn giao thông trên cả nước đã giảm xuống dưới 9000 người chết. Thống kê từ Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) cho thấy, trong tháng 1/2015, toàn quốc đã xảy ra 2.171 vụ, làm chết 781 người, làm bị thương 2047 người…

Tuy nhiên, trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi, trên toàn quốc đã liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng tại Thanh Hóa, Gia Lai, Đắk Lắk, Lai Châu, Cao Bằng, Bình Thuận... Điều này đã khiến nhiều người dân tỏ ra lo lắng khi bắt buộc lưu thông trên những tuyến đường để trở về quê hương ăn Tết. Nhằm kiềm chế TNGT và có cảnh báo về những “điểm đen” tai nạn, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

PV: Cứ gần Tết, lưu lượng giao thông gia tăng đột biến, cũng là lúc hàng loạt vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra. Trước đó, mổ xẻ nguyên nhân gây TNGT, từ khâu sát hạch, đăng kiểm tới tải trọng… bộ phận nào cũng báo cáo làm đúng quy trình. Vậy tại sao tất cả đều đúng mà tai nạn vẫn xảy ra, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Huyện: Theo dõi thiết bị giám sát hành trình trong nhiều tháng qua, chúng tôi phát hiện  nhiều xe mắc lỗi vượt quá tốc độ, mà đây là nguyên nhân chính để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Một phần khác là do sức khỏe lái xe chạy về đêm, nhất là dịp lễ Tết, cường độ làm việc căng thẳng, dễ mất ngủ nên khi gặp tình huống thì xử lý không chuẩn, dẫn đến tai nạn. Bản thân Tổng cục để đảm bảo giao thông ngày Tết của người dân được diễn ra an toàn, cách đây vài tuần đã thành lập 3 đoàn đôn đốc các bến xe, kiểm tra doanh nghiệp từng để lái xe vi phạm nhiều lần về tốc độ (phát hiện thông qua thiết bị giám sát hành trình) mà không bị xử phạt hoặc là phạt ít.

Sau Tết, Tổng cục cũng sẽ thành lập thêm một số đoàn nữa để kiểm tra các sở, xử lý các sở  GTVT vì lỗi để xe trên địa bàn vi phạm nhiều lần mà không bị xử lý. Nếu làm tốt việc này, tôi nghĩ sẽ giảm được tai nạn. Đây cũng là cái gốc, vì để giảm thiểu tai nạn, cách tốt nhất là từ cơ sở, địa phương nên giám sát chặt chẽ hoạt động của xe khách thông qua thiết bị giám sát hành trình.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng tổng cục Đường bộ Việt Nam.

PV: Bộ GTVT quy định việc lắp thiết bị giám sát hành trình trên xe khách để giám sát vấn đề an toàn giao thông. Bản thân Tổng cục cũng vào cuộc rất quyết liệt, thế nhưng trên thực tế, không phải tỉnh nào cũng nhiệt tình hưởng ứng. Phải chăng sự thiếu kiên quyết của một vài tỉnh cũng là một trong những nguyên nhân gây TNGT?

Ông Nguyễn Văn Huyện: Phải nói rằng, hiểu được tầm quan trọng của thiết bị giám sát hành trình, một số doanh nghiệp lớn ở nhiều tỉnh, thành đã thực hiện rất tốt. Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp nhỏ lẻ, hợp tác xã chưa chuyển biến, họ có lắp, nhưng nhiều khi theo kiểu đối phó. Đồng thời, còn 17 sở chưa có chuyển biến tích cực trong việc xử phạt nghiêm vi phạm, đó là lỗi buông lỏng quản lý của sở trong việc thanh tra, kiểm tra. Chúng ta phải mạnh dạn xử lý.

Đợt này, các đoàn kiểm tra của Tổng cục phải đi kiểm tra thanh tra. Những tỉnh nào cố tình không xử lý phải báo cáo với Bộ để nhắc nhở phê bình. Tôi nghĩ, cái này rồi cũng sẽ phải làm quyết liệt như xe quá tải. Sau đợt thanh tra tới đây, chúng tôi sẽ chỉ ra những tỉnh nào vi phạm, và vi phạm nhiều yêu cầu Sở GTVT phải vào cuộc gắt gao. Còn nếu cố tình “lờ” thì chúng tôi sẽ đề xuất phê bình luôn sở đó.

PV: Xe chạy hợp đồng trá hình xe khách cũng từng được chúng ta bàn đến và xử lý nhiều. Thế nhưng, vừa qua tại Thanh Hóa, hàng chục xe khách cũ kỹ, ọp ẹp không đảm bảo kỹ thuật vẫn đưa đón công nhân. Qua việc này có thể thấy doanh nghiệp và người lái xe còn coi thường tính mạng của hành khách. Theo ông, chúng ta nên xử phạt thế nào cho nghiêm với các trường hợp này?

Ông Nguyễn Văn Huyện: Về vấn đề này, Bộ cũng đang chỉ đạo là thông báo cho tất cả các sở rà soát, những xe hết hạn phải rà soát. Còn cụ thể thì Cục Đăng kiểm phải xuống làm việc trực tiếp với các sở, kiểm tra các xe quá hạn, không đảm bảo an toàn, nếu cần thiết thì yêu cầu họ bán thanh lý sắt vụn và xử lý nghiêm doanh nghiệp cũng như lái xe. Các sở phải vào cuộc, vì hơn ai hết anh là người nắm trong tay danh sách các xe của doanh nghiệp và theo dõi. Sau đó, yêu cầu báo với Công an địa phương thu giữ xe (nếu nằm trong danh sách xe quá hạn lưu hành do Cục Đăng kiểm cung cấp hàng năm).

PV: Xin Tổng cục trưởng cho biết, hiện trên các tuyến quốc lộ và một số tỉnh miền núi còn tồn tại bao nhiêu “điểm đen” về TNGT, và người dân muốn lưu thông an toàn trên những tuyến đường đấy thì cần phải lưu ý những điểm gì?

Ông Nguyễn Văn Huyện: Thực ra về “điểm đen” TNGT, hàng tháng, hàng quý chúng tôi đều tổng kết xem thời gian qua mình đã giảm được bao nhiêu, và có bao nhiêu điểm phát sinh.  Cụ thể, năm 2014, toàn quốc có 171 điểm đen, đến cuối năm đã xử lý 55 điểm, hiện còn 68 điểm đen tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi, sẽ được khắc phục trong năm 2015.

Cho đến thời điểm này chúng tôi cũng đã cho sửa chữa cấp bách một số điểm phát sinh và một số đoạn đường xấu, để đảm bảo tuyến đường an toàn cho bà con lưu thông đón Tết. Cùng đó, chúng tôi cũng chỉ đạo các sở cùng vào cuộc, những đường tỉnh, đường huyện mà giao cắt với quốc lộ phải làm gờ giảm tốc; đồng thời  rà soát, lắp đặt các biển báo cảnh báo nguy hiểm giúp cho bà con đi xe máy, ôtô nhìn rõ để tránh.

Còn trong dịp Tết, cũng xin người dân nhớ rằng “đã uống rượu bia” thì không lái xe. Cùng đó, người dân cũng nên mua mũ bảo hiểm loại tốt, đủ 3 lớp, để giữ tính mạng của mình.

PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vị trí một số điểm đen để người dân có thể chú ý trong việc đi lại trong những ngày Tết này?

Ông Nguyễn Văn Huyện: Với chiều dài hơn 2.300km, tuyến quốc lộ 1A đi qua 31 tỉnh, thành phố. Lưu lượng phương tiện giao thông phục vụ các hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trên những đoạn, tuyến ngày một gia tăng khiến cho tình hình giao thông ngày càng phức tạp. Đáng chú ý, TNGT trên tuyến đường này chiếm tỷ lệ khá cao, đặc biệt là TNGT liên quan đến xe tải, xe khách. Cụ thể hơn, hiện nay trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Hàm Thuận Bắc xuất hiện nhiều điểm đen như km 1694 xã Hàm Đức và km 1698 qua xã Hàm Thắng.

Ngoài quốc lộ 1A thì còn có các điểm đen ở các vị trí km 199+750 (quốc lộ 3 - Bắc Kạn); km 253+300 (quốc lộ 3 – Cao Bằng ); km 29+500 và km68 (quốc lộ 27 Đắk Lắk); km1394+600 đường Hồ Chí Minh (Quảng Nam); km 219+200 (quốc lộ 18 - Quảng Ninh); km 63 quốc lộ 279 (Điện Biên); km 50+500 quốc lộ 54 (tỉnh Vĩnh Long); km 87+200 quốc lộ 60 (tỉnh Trà Vinh)… Mặc dù Tổng cục Đường bộ cũng đã có những cảnh báo, sơn phản quang,… nhưng người dân cũng nên hết sức cẩn trọng khi lưu thông qua những đoạn đường này.

Đặng Nhật Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải phát hiện xe giường nằm tháo dây an toàn

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ vừa kiểm tra đột xuất công tác vận tải dịp cao điểm Tết tại Bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng. Lãnh đạo Bộ GTVT xuống hiện trường bãi xe, gặp chủ xe, hành khách hỏi công tác phục vụ, giá vé Tết. Trực tiếp lên xe khách BKS 43B-009.08 (tuyến Đà Nẵng – Đà Lạt, Bảo Lộc) kiểm tra, Thứ trưởng Thọ giật mình phát hiện tất cả các giường nằm hành khách của xe này đều không có dây an toàn.

Anh Trần Văn Công (45 tuổi, trú Sơn Trà, Đà Nẵng), tài xế xe này thản nhiên cho hay, xe mới được đi kiểm định và đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật, an toàn. Tuy nhiên, vì thấy dây thắt an toàn “không cần thiết”, thậm chí vướng víu cho hành khách nên nhà xe tự ý tháo bỏ. Trước yêu cầu phải khắc phục hệ thống dây thắt an toàn của Thứ trưởng, nhân viên nhà xe lấy dụng cụ ra vặn thiết bị vào. Tuy nhiên, Thứ trưởng Thọ chỉ đạo lãnh đạo Bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng phải tái kiểm tra, buộc nhà xe phải ra các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ôtô, gia cố lại toàn bộ thiết bị dây thắt an toàn mới được làm lệnh xuất bến. (PV)

Đặng Nhật
.
.
.