Tiếng còi xe

Thứ Bảy, 16/09/2017, 09:38
Nhiều lúc ngồi một chỗ, tôi tự đặt câu hỏi cho mình rằng đã quên gì về Hà Nội, tôi biết đã không còn ký ức âm thanh tuổi thơ của thành phố này. Có lẽ ký ức âm thanh là thứ dễ bị mờ nhất.


Cái thời nếu có bạn đứng dưới đường í ới gọi vọng lên tầng trên rủ nhau đi học bây giờ là dĩ vãng. Người ta đặt ra hàng loạt tiêu chuẩn để xử phạt, hoặc chí ít cũng “quy chuẩn” hóa, định lượng hóa mọi thứ nhưng âm thanh thì chưa. Hà Nội bây giờ ngoài ngập bì bõm sau cơn mưa rào lãng mạn trong văn học cũ thì nó ô nhiễm nặng nề bởi tiếng còi.

Tôi nhớ ra câu chuyện này bởi hôm trước có xem một cuộc tranh luận trên mạng bắt đầu từ hình ảnh cụm công tắc còi trên một chiếc xe tay ga được sản xuất riêng cho thị trường Việt Nam. Tất nhiên nó không có gì đặc biệt ngoài việc tiết kiệm xăng, tắt máy khi dừng đèn đỏ và vặn ga là nổ máy… Chi tiết duy nhất là nút còi nó được đẩy tuốt lên trên, thay vị trí thuận tay bấm pim pim là nút đèn tín hiệu signal. Người ta phản đối hãng sản xuất Nhật Bản hết lời chỉ vì đã thiết kế vị trí nút còi quá bất tiện.

“Tôi không thể bấm còi, mỗi lần định bấm tôi đều phải suy nghĩ”. “Đi đường mà không bấm còi không biết chết lúc nào”…

Đó là một vài bình luận khiến tôi chú ý, phải chăng cái nút còi là một tiêu chuẩn an toàn, thiết yếu như ô-xy đến mức người điều khiển xe máy trong cái đô thị ồn ào này phải bức xúc đến thế? Tôi tin rằng nhà thiết kế vị trí nút còi trên chiếc xe tay ga kể trên là hoàn toàn có tính toán, phải chăng nó mang một thông điệp cho chúng ta trong việc hạn chế bóp còi.

Tiếng còi luôn khiến người ta dễ nổi khùng. Mấy hôm trước xe máy tôi trở chứng lăn ra hỏng, tôi bắt taxi đi làm. Dịch chuyển bằng xe bốn bánh vào giờ tan tầm ở Hà Nội luôn là một cực hình. Có tiếng xe cứu thương văng vẳng từ xa rồi cũng lách lên được dí sát vào taxi nháy đèn điên loạn hụ còi như nấc cụt năn nỉ dòng người phía trước.Ông tài xế không một biểu hiện nhường đường, lẩm bẩm chửi tục. Tôi buông điện thoại nhắc: “Nhường cho người ta vượt đi ông em”.

“Xe bọn này làm gì có bệnh nhân anh, toàn hú còi đểu đấy”.

Chán, nhắm chặt mắt, phải chăng anh chàng tài xế trẻ măng này là một hình tượng rất đặc trưng trong một “xã hội” tiệm cận vô cảm và nó bắt nguồn từ sự ô nhiễm tiếng còi? Kể cả đó là tiếng còi ưu tiên trong luật, họ không tin, không muốn nhường nhịn và coi đó ồn ào như những kẻ bấm còi bản năng khác.

Sự bấn loạn bóp còi như một tấm gương phản chiếu văn bản hóa tương đối rõ nét các “tâm tư”, sốt ruột, thiếu văn hóa cho đến Chí Phèo, pim pim pim, một thứ đồng giọng ức chế ồn ào. Nếu có một cuộc bình chọn công minh về ùn tắc giao thông, chắc chắn trục đường nhà tôi sẽ ngất ngưởng vị trí top 5 tắc đường Hà Nội. Sáng nào cũng vậy, lê lết từng mét, mỗi gương mặt phía bên ngoài kia đều nhiều sốt ruột, nhăn nhó, mệt mỏi còn mình thì nản, thi thoảng bởi chộn rộn tiếng còi.

Thật may mỗi đận bi quan thế, cứu rỗi cuộc đời lại xuất hiện ngay phía trước xe. Đơn giản là chiếc xe hơi có đống gấu bông hẳn phải rất thơm tho ngổn ngang và mảnh giấy A4 in tràn lề, font chữ cực to dán sau kính: “XE NỮ MỚI LÁI, MONG THÔNG CẢM”. Họ đi chầm chậm, cần mẫn nhích, mỗi đận vậy, lòng tôi chùng lại và bắt đầu mênh mang rung động, bình thản. Phải khẳng định luôn, đàn bà lái xe luôn là một hình ảnh cực đẹp.

Tất nhiên khi chúng ta đọc bài viết này, nó như một lời “chửi” khéo tới ai đó không cụ thể. Nhưng trong một nghiên cứu, nhiều chuyên gia môi trường nước ngoài đã lên tiếng cảnh báo rằng tiếng ồn đô thị được ví như kẻ sát nhân giấu mặt, thấy nó cũng… bình thường nên mọi người chấp nhận chung sống với nó, chứ ít để ý đến tác hại nguy hiểm của âm thanh.

Có lẽ chỉ những người buộc phải trực tiếp bị tiếng ồn tra tấn mới thấy rõ nguy cơ. Nguyên nhân gây nên tiếng ồn đô thị đa dạng, từ các âm thanh phát ra từ nhà máy, công xưởng đến hoạt động giao thông và cả tiếng ồn trong sinh hoạt của người dân là tiếng còi xe. Tiếng ồn còn là một trong những nguyên nhân làm tăng hiện tượng bạo lực trong giao tiếp.

Nếu bạn không tin về “mật độ” tiếng còi ở Thủ đô, hãy thử trải nghiệm tại mỗi ngã tư đèn đỏ và nghe sự hằn học bóp còi ở phía sau khi trót chậm trễ 1, 2 giây đèn xanh.

Nghĩ trước khi bấm còi, nó thiết thực như ta bắt đầu trồng một cây xanh bên hè phố.

Minh Trí
.
.
.