Thu phí vào nội đô Hà Nội: “Nóng vội” dễ gây tác dụng ngược

Thứ Tư, 31/07/2019, 09:07
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang xây dựng đề án "thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới". Dù đề án đang được hoàn thiện, song không ít ý kiến cho rằng, nếu “nóng vội” thực hiện, dễ gây tác dụng ngược.


Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đang xây dựng đề án "thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới" (đề án). 

Nội dung ban đầu của đề án nêu, quy mô dân số của Hà Nội khoảng 10 triệu, mật độ tập trung cao nhất ở khu vực bên trong vành đai 3; trong khi đó,khu vực vành đai 3 hiện chiếm hơn 80% số điểm ùn tắc trên địa bàn. Vì vậy,Sở GTVT Hà Nội dự kiến thu phí ôtô khu vực trong vành đai 3, phương tiện ngoài vành đai đi vào nội thành sẽ bị thu phí. 

Dù đề án đang được hoàn thiện, song không ít ý kiến cho rằng, nếu “nóng vội” thực hiện, dễ gây tác dụng ngược.

Một cảnh ùn tắc trên đường phố Hà Nội.

Theo thống kê, giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn thành phố có trên 5 triệu xe máy, gần 500.000 ôtô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông). Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của ôtô là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7% năm. Chỉ tính đồng thời 60% số lượng phương tiện cùng hoạt động đã chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống đường đô thị (trong khu vực trung tâm là 3,72 lần). 

Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ôtô và xe máy, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 843.000 ôtô, hơn 6 triệu môtô, xe gắn máy; đến năm 2030 số ôtô là hơn 1,9 triệu, xe máy là hơn 7,5 triệu. 

Nhìn vào số lượng phương tiện gia tăng trong khi cơ sở hạ tầng của Hà Nội với hàng loạt dự án giao thông đang chậm tiến độ, khiến nhiều người dân và các chuyên gia, những người làm trong ngành vận tải lâu năm lo lắng về đề án thu phí nội đô. 

Cụ thể hơn, đường vành đai 3 dài khoảng 65km, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên và huyện Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm. 

Đa phần những tuyến đường đi qua các địa bàn này đều là những tuyến đường huyết mạch, với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông có thể gọi là “khủng”. Nếu thu phí, tình trạng ùn tắc sẽ giảm hay tác dụng ngược?

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đặt vấn đề, việc thu phí ôtô vào nội thành sẽ làm gia tăng số lượng xe máy vì trước mất phương tiện công cộng ở Thủ đô chưa được cải thiện, trong khi đó, Hà Nội đã đưa ra đề án hạn chế phương tiện, lộ trình đến năm 2030 cấm xe máy ở các quận nội thành. 

Cùng với đó, theo vị này, các nước thực hiện thành công việc thu phí ôtô vào nội đô vị họ giải quyết tốt vấn đề giao thông công cộng, phương tiện công cộng phải đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu đi lại của người dân, còn ở Hà Nội phương tiện công cộng mới đáp ứng trên 10%.

Đồng tình quan điểm trên, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, đây là giải pháp không khả thi, nếu làm không khéo sẽ khiến giao thông Thủ đô càng trở nên hỗn loạn vì một số bất cập. 

Thứ nhất, thu phí không dừng thì giải pháp đối với các xe ngoại tỉnh có nhu cầu vào nội đô TP Hà Nội như thế nào bởi không phải ngày nào ôtô ngoại tỉnh họ cũng vào thành phố, thậm chí mỗi năm họ chỉ vào một đến hai lần. 

Thứ hai, giải pháp này không giảm được ùn tắc giao thông, thậm chí còn làm tăng ùn tắc giao thông. Vào giờ đi làm, muốn hay không thì người dân vẫn phải đi, không đi ôtô cá nhân thì họ sẽ đi taxi, xe máy... 

“Việc thu phí ôtô vào nội đô không giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông của TP Hà Nội hiện nay, đây là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ lại, không nên quẩn quanh”, TS Khương Kim Tạo nêu rõ.

Thêm vào đó, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đặt hàng loạt các câu hỏi: “"Giải pháp này liệu có giải quyết được sự bình đẳng, tiện lợi cho nhân dân. Đối với những người sống lân cận vành đai thu phí, hàng ngày họ phải di chuyển qua lại hai bên, thì thu phí họ thế nào? Nếu miễn phí cho họ thì khoảng cách nào sẽ được miễn?” 

“Tất cả những yếu tố đó đều phải làm rõ. Dưới góc độ nghiên cứu, ùn tắc giao thông diễn ra trên toàn thành phố chứ không chỉ mỗi các quận trung tâm. Cho nên việc thu phí xe cơ giới vào một khu nào đó sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, người nào đi làm trong nội đô thì mất tiền, người làm ngoài nội đô thì không phải trả tiền...”, TS Khương Kim Tạo phân tích.

Ở một khía cạnh khác, cũng có người cho rằng, việc Hà Nội thu phí sẽ khiến cho hàng hoá đưa vào nội đô sẽ tăng cao vì phải gánh thêm một loại phí. Đồng thời, khu vực thu phí sẽ được đặt trạm thế nào? Liệu có rơi vào cảnh một đường làm 1 trạm? 

Theo TS Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia giao thông phân tích: “Nếu muốn thu được phí các phương tiện vào nội đô để giảm ùn tắc Hà Nội phải xác định chỗ nào là điểm ùn tắc thì mới thu phí, nhưng ùn tắc giao thông ít khi xuất hiện cả ngày, chỉ ùn tắc trong một thời gian nhất định. Trong khi Hà Nội có nhiều đường đi vào nội đô, chẳng lẽ mỗi một đường lại làm 1 trạm thu phí, như thế là không ổn”. 

Vị này nhấn mạnh thêm: “Cần phải lưu ý rằng, Hà Nội ùn tắc đâu phải lỗi của người dân mà có cả lỗi của đơn vi quy hoạch, quản lý. Hà Nội đã có hàng chục giải pháp chống ùn tắc từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả, phải chăng Hà Nội bế tắc trong việc giải quyết ùn tắc nên nghĩ ra việc thu phí này, TS Nguyễn Hữu Đức băn khoăn.

Đặng Nhật
.
.
.