Tài xế điều khiển ô tô vi phạm tải trọng dẫn đến sập cầu Tân Nghĩa

Chủ Nhật, 02/06/2019, 10:42

Tải trọng cho phép của cầu Tân Nghĩa (Đồng Tháp) chỉ cho phương tiện và hàng hoá nặng 8 tấn qua cầu, nhưng tài xế điều khiển ôtô tải nặng khoảng 30 tấn, dẫn đến sự cố sập cầu.


Ngày 2-6, Công an huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã yêu cầu chủ xe tải biển số 78C-046.27 ngụ tỉnh Phú Yên đến làm việc, liên quan đến nguyên nhân vụ sập cầu Tân Nghĩa, bắc qua kênh Tháp Mười (thường gọi là kênh Nguyễn Văn Tiếp).

Người dân tạm thời qua hai bờ kênh bằng phà ngang sông.

Theo cơ quan Công an, xe tải trên do Hồ Thế Hữu (Sn 1987, ngụ tỉnh Phú Yên) làm chủ. Chiều 31-5, xe tải này chở khoai mì lưu thông qua cầu thì dẫn đến sự cố sập nhịp giữa. Xe tải và xe ba gác đang lưu thông cùng nhịp cầu cùng rơi xuống sông, đè lên ghe sắt có tải trọng 32 tấn bên dưới.

Bảng thông báo tải trọng cho phép qua cầu. 

Sau khi xảy ra sự cố, tài xế đã bỏ trốn khỏi hiện trường và chưa đến cơ quan Công an trình diện.

 Lực lượng chức năng đã khám nghiệm hiện trường, tiến hành trục vớt xe tải. Trưa 1-6, trong lúc trục vớt xe tải lên khỏi mặt nước, đưa vào bờ thì cần cẩu bị gãy. Xe tải và cần cẩu cùng rơi xuống sông.

Ông Trần Trí Quang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp cho biết: trong sáng 2-6, lực lượng chức năng sẽ khẩn trương trục vớt xe tải, tiến hành thông luông và nạo luồng cho các phương tiện thuỷ lưu thông.

Hiện trường vụ sập cầu. 

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là tái lập giao thông cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hoá thuận lợi. Những vi phạm, trách nhiệm về pháp lý nếu đủ căn cứ thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án. Cần Tân Nghĩa cho phép tải trọng 8 tấn (tính luôn cả thân xe và hàng hoá), nhưng tài xế đã cố tình vi phạm.

Ngành giao thông Đồng Tháp đang nỗ lực thông tuyến, tạo điều kiện cho phương tiện thuỷ lưu thông trên kênh Tháp Mười.

Theo giấy tờ đăng kiểm, tải trọng của xe tải là hơn 12 tấn và số khoai mì trên xe ước khoảng 17 tấn. Do tài xế bỏ trốn nên cơ quan điều tra đang làm rõ, truy xuất nguồn gốc lô hàng để đưa ra số liệu chính xác.

Giấy đăng ký phương tiện. 

Ông Trần Trí Quang khẳng định, trong điều kiện bình thường, xe tải không chở hàng hoá (thân xe 12 tấn) nếu lưu thông qua cầu thì đã vi phạm về an toàn giao thông, chứ chưa kể đến hàng hoá trên xe. Qua công tác khám nghiệm, đánh giá ban đầu của ngành chức năng Đồng Tháp, nguyên nhân chính dẫn đến sập cầu là do xe quá tải trọng qua cầu dẫn đến sự cố.

Sự số gãy cần cẩu vào trưa 1-6. 

“Cầu Tân Nghĩa chỉ cho phép cả phương tiện và hàng hoá 8 tấn, tài xế chạy xe nặng gần 30 tấn qua cầu không sập mới lạ”, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp nói.

Khẩn trương khắc phục sự cố sập cầu Tân Nghĩa

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa có Công điện khẩn, gửi UBND tỉnh Đồng Tháp, Sở GTVT về việc khẩn trương khắc phục sự cố sập cầu Tân Nghĩa.

Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT Đồng Tháp và các đơn vị có liên quan khẩn trương báo cáo sự cố với UBND tỉnh Đồng Tháp, các cơ quan chức năng địa phương và phối hợp xử lý theo qui định tại Nghị định 46/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo Sở GTVT và các đơn vị liên quan cần tổ chức cứu hộ xe tải, xe ba gác và tài sản bị ảnh hưởng; có giải pháp ngăn ngừa, hạn chế các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra; thực hiện tổ chức đảm bảo giao thông tạm thời và thông báo trên các phương tiện truyền thông; khẩn trương nghiên cứu giải pháp xử lý, khắc phục công trình cầu Tân Nghĩa trong thời gian sớm nhất.

Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các đơn vị chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương kiểm tra, xác định nguyên nhân gây ra sự cố để xử lý nghiêm theo quy định; thực hiện công tác khắc phục sự cố và tổ chức thực hiện đảm bảo giao thông tuyệt đối an toàn và thông suốt.

Như Anh


Văn Vĩnh (ảnh)
.
.
.