Tai nạn thảm khốc từ đường ngang tử thần
Những ngày gần đây, tử thần lại tiếp tục cướp đi sinh mạng của người tham gia giao thông. Hậu quả lớn nhưng dường như người dân chưa biết sợ?
Hậu quả ngày một thảm khốc
13h45 ngày 24-4, tại Km 112+200 đoạn qua xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, đoàn tàu TN1 lưu thông theo hướng Bắc - Nam bất ngờ húc vào xe ôtô 7 chỗ Innova. Mặc dù lái tàu đã nhìn thấy xe ôtô vượt qua đường sắt, kéo còi inh ỏi, nhưng chiếc xe ở quá gần nên hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra.
Chiếc xe văng xa cả chục mét, biến dạng. Vụ tai nạn làm 4 người tử vong, 2 người bị thương nặng. Hiện trường xảy ra vụ việc là đường ngang dân sinh chỉ có cảnh báo tự động, không có gác chắn.
Cũng trong ngày 24-4, trên tuyến đường sắt đi qua TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, trong lúc tàu hỏa đang lưu thông thì bất ngờ xe tải mang BKS 14C-18699 băng qua đường ngang. Xe tải bị tàu kéo đi một đoạn, hư hỏng nặng, đầu tàu chở than cũng bị lật nghiêng sang một bên. Tài xế xe tải bị thương nặng được đưa đi cấp cứu ngay sau đó.
Chỉ trong ngày 24-4 đã xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: D.T |
Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tháng 1-2017 đã xảy ra 46 vụ TNGT đường sắt, làm chết 21 người, bị thương 39 người. Trong vòng 1 tuần đầu tháng 2-2017 liên tiếp xảy ra 4 vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người và tài sản.
Đó là các vụ: Tai nạn giữa tàu SQN và ôtô 16 chỗ tại lối đi dân sinh thuộc địa bàn phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai làm 2 người chết, 7 người bị thương, ôtô hư hỏng nặng. Ngày 4-2 xảy ra tai nạn giữa tàu LP5 và xe ôtô 4 chỗ xảy ra tại đường ngang thuộc địa bàn xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên làm 3 người bị thương…
Qua phân tích các vụ tai nạn này, nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển ôtô chủ quan, bất cẩn, không tuân thủ quy tắc điều khiển phương tiện giao thông đường bộ qua các vị trí giao cắt với đường ngang.
Có điểm giao cắt, địa phương bố trí người cảnh giới, nhưng tại thời điểm xảy ra tai nạn lại không có người của địa phương đứng gác.
86% đường ngang chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật
Theo thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, hiện nay trên toàn mạng lưới đường sắt quốc gia có 5.793 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó có 1.514 đường ngang hợp pháp (641 đường ngang có người gác, 366 đường ngang cảnh báo tự động).
Kinh phí chi bình quân cho 1 đường ngang có gác khoảng 700 triệu đồng/năm. Tại các vị trí đường ngang hợp pháp đều được thiết kế mặt lát bằng tấm đan bê tông hoặc láng nhựa cấp phối để người và phương tiện qua đường sắt dễ dàng.
Tuy nhiên, có đến 86% chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định theo Thông tư 62/2015/TT-BGTVT về tầm nhìn hạn chế, độ dốc góc giao cắt của đường bộ qua đường sắt vượt quá quy định… đặc biệt là các đường ngang tại các vị trí đường bộ song song, liền kề đường sắt và ra vào các khu dân cư, khu công nghiệp. Nguyên nhân là do các đường ngang này được xây dựng trước khi có Thông tư 62, trong khi chưa đủ kinh phí để nâng cấp đạt tiêu chuẩn quy định.
Bên cạnh đó, trang thiết bị nhiều đường ngang có gác lạc hậu, phòng vệ đường ngang chủ yếu dùng nhân công. Việc đầu tư các đường ngang có thiết bị tự động đóng chắn và cảnh báo tự động có cần chắn chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số đường ngang.
Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, một trong những nguyên nhân xảy ra TNGT nhiều và thảm khốc thời gian qua là do lưu lượng phương tiện giao thông đường bộ tăng cao, tốc độ tàu được nâng lên.
Trong khi đó, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế, đa số do thiếu quan sát hoặc không chấp hành báo hiệu, tín hiệu khi đi qua các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, lối đi dân sinh còn tồn tại quá nhiều.
Hiện cả nước có tới 4.279 lối đi dân sinh. Tại vị trí các lối đi dân sinh do người dân địa phương tự mở, phía đường sắt đã tổ chức rào chắn nhưng vẫn không thể ngăn được việc tự tháo dỡ và đi lại bình thường của người dân. Bởi thế, TNGT đường sắt vẫn xảy ra ngày càng phức tạp và gây hậu quả nặng nề tại các lối đi dân sinh.
Nỗ lực xóa bỏ đường ngang tử thần
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ngành Đường sắt đã có nhiều giải pháp để khắc phục như: Đầu tư xây dựng hầm chui, cầu vượt, đường gom, hàng rào cách ly, nâng cấp, cải tạo đường ngang, xóa bỏ lối đi dân sinh, cắm biển hiệu cảnh báo, lắp đặt bổ sung cần chắn tự động, tổ chức cảnh giới… dù vậy vẫn còn nhiều tồn tại.
Trước tiên phải kể đến tồn tại từ phía ngành Đường sắt, đó là: Để diễn ra tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt; chưa cắm được các cảnh báo cấm xe ôtô trên 9 chỗ và xe tải trên 2,5 tấn trên đường ngang dân sinh có chiều rộng nhỏ 3m trở xuống; hầu hết chưa lắp đặt được biển “chú ý tàu hỏa” tại các lối đi dân sinh… Đối với các địa phương và đơn vị quản lý đường bộ chưa đảm bảo công tác duy tu và cắm biển báo theo quy định.
Đặc biệt là chưa làm gờ giảm tốc cưỡng bức tại các đường ngang. Ở một số địa phương có nguy cơ TNGT cao như Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Bình Định… thì chưa tổ chức triển khai cảnh giới ở các lối đi dân sinh…
Ngành Đường sắt đã triển khai nhiều giải pháp mới cũng như khắc phục tồn tại để đảm bảo an toàn giao thông tại các đường ngang, lối đi dân sinh.
Trong đó nghiên cứu thí điểm một số giải pháp như: Lắp gương cầu lồi, lắp đèn quay cảnh báo giao thông, lắp đặt tín hiệu ngăn đường trên đường sắt, lắp đặt thiết bị báo tàu đến gần đối với đường ngang có tầm nhìn hạn chế, lắp đặt tín hiệu đường bộ có cần vươn ra giữa làn đường bộ đi vào đường ngang để người tham gia giao thông đường bộ nhìn thấy từ xa…
Tuy nhiên, giải pháp quan trọng hơn cả hiện tại chính là ý thức của người tham gia giao thông. Đã có quá nhiều bài học đau đớn về sự thiếu ý thức của lái xe khi cố tình băng qua đường sắt, về sự cẩu thả dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tính mạng con người. Thế nên, chính người dân phải biết tự bảo vệ mình, chú ý quan sát khi đi qua những đường ngang luôn rình rập nguy hiểm.