Quản lý nghiêm người điều khiển phương tiện mới giảm được TNGT

Chủ Nhật, 27/01/2019, 09:00
Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người chết, trong đó 2 vụ mới đây nhất xảy ra ở Long An và Hải Dương làm 12 người chết khiến dư luận bức xúc và lo lắng. Làm gì để giảm bớt tai nạn giao thông, phòng ngừa tai nạn mỗi khi ra đường? Phóng viên Báo CAND đã trao đổi với Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT tìm giải pháp cho vấn đề này.


Phóng viên (PV): Năm 2018, mặc dù tai nạn giao thông giảm nhưng số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng lại tăng. Nguyên nhân là gì, thưa đồng chí?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: năm 2018 xảy ra 54 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 181 người, bị thương 111 người, trong đó có 24 vụ liên quan đến xe tải, xe container làm chết 64 người. Nguyên nhân của các vụ tai nạn chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông, cố tình vi phạm các quy định về ATGT như chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh vượt sai quy định, thiếu chú ý quan sát, sử dụng rượu, bia, ma tuý…

Đại tá Đỗ Thanh Bình.

Qua phân tích nguyên nhân các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe tải, xe container, xe khách năm 2018 và đầu năm 2019 cho thấy gần 70% vụ xuất phát từ nguyên nhân do vi phạm các quy định về ATGT của người điều khiển phương tiện như: Chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, tránh vượt sai quy định, thiếu chú ý quan sát, sử dụng rượu bia, ma tuý…

Trong 3 yếu tố cấu thành giao thông là phương tiện giao thông, hạ tầng giao thông và người điều khiển giao thông thì yếu tố con người (nhận thức, thái độ, sức khỏe) chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là phải quản lý thực sự nghiêm túc người điều khiển phương tiện từ quá trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quá trình hoạt động của lái xe, đây là điểm yếu nhất dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, gây lo lắng cho toàn xã hội

PV: Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến lái xe dương tính với ma tuý khiến dư luận bức xúc và lo lắng. Đồng chí đánh giá về thực trạng này như thế nào?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Trước đây cũng đã có những vụ TNGT mà lái xe gây tai nạn dương tính với ma túy, song số lượng cũng không nhiều. Khi tai nạn giao thông xảy ra thì kiểm tra nồng độ cồn và các chất ma tuý là một nội dung pháp lý mà cơ quan điều tra phải tiến hành để xác định trách nhiệm hình sự (cấu thành tăng nặng).

Theo kinh nghiệm quốc tế, kiểm tra nồng độ cồn, ma tuý là một phần quan trọng của quản lý lái xe đường dài chuyên nghiệp để loại trừ vi phạm, an toàn hơn cho mọi người. Chúng tôi đề nghị cơ quản quản lý hiện nay chủ trì là ngành giao thông phối hợp với ngành y tế cần chặt chẽ hơn để phòng ngừa từ gốc, giải quyết từ gốc vấn đề này.

Đối với các trường hợp khi tham gia giao thông, CSGT phát hiện vi phạm về ma túy, ngoài việc xử lý cá nhân vi phạm, đối với lái xe kinh doanh vận tải, chúng tôi sẽ phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra xem quá trình theo dõi sức khỏe của lái xe, có khám sức khỏe định kỳ không, khám ở đâu, kết luận và sức khỏe nói chung, xét nghiệm về ma túy có đúng quy định không.

PV: Dư luận cho rằng việc  đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe đang “có vấn đề”, không đảm bảo chất lượng lái xe. Trên thực tế đã có những trường hợp cụt chân, bị truy nã vẫn được cấp GPLX. Qua công tác TTKS, Cục CSGT đã có nghiên cứu, đánh giá, đề xuất Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ có biện pháp chấn chỉnh tình trạng trên hay chưa?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đã phát hiện nhiều trường hợp không đủ các điều kiện để được cấp giấy phép lái xe, cá biệt tại Hòa Bình có trường hợp người được cấp giấy phép lái xe lại có tiền sử bệnh tâm thần do được xác định không đủ năng lực hành vi chịu trách nhiệm hình sự trong một vụ án.

Hay như trường hợp Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện lái xe Đặng Văn Cường, trú tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh có giấy phép lái xe hạng E số 790065244544 của đối tượng Cường do Sở Giao thông vận tải TPHCM cấp ngày 3-8-2016, hạn dùng đến 3-8-2021. Tuy nhiên, trước khi được cấp GPLX thì năm 2014, Cường đã bị Công an huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Chính vì vậy, có thể nói, hiện nay công tác quản lý, đào tạo lái xe không đáp ứng được yêu cầu, chạy theo giá trị thiếu chuẩn mực (cạnh tranh bằng học phí, theo dõi thời gian thực học lỏng lẻo, nhiều người đi học không muốn học nhưng lại muốn có giấy phép).

Nhà báo thử xem lại một lần sát hạch cấp giấy phép điều khiển xe môtô xe thì biết; học lái xe ôtô nội dung thi không đạt trên sa hình lại không phải là lỗi chính dẫn đến tai nạn giao thông; gần như sát hạch đường trường ít bị trượt, sát hạch rất cảm tính, trong khi đó sát hạch đường trường ở nước ngoài quá khó và sát hạch viên phải đủ bản lĩnh, kinh nghiệm và công tâm, họ phải là “quan tòa” đánh giá các kết quả thi trước đó (thi lý thuyết và thi trong sa hình), còn chúng ta thì không.

Trước thực trạng này, Cục CSGT đã có kiến nghị trực tiếp tại các hội nghị và bằng văn bản tới ngành giao thông để siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và quản lý hoạt động của lái xe. Đồng thời thông qua sơ, tổng kết các Chỉ thị của Ban Bí thư, Bộ trưởng Bộ Công an về công tác bảo đảm TTATGT, Cục CSGT đã báo cáo thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý lái xe, nhằm mục tiêu cao nhất là phòng ngừa vi phạm, hạn chế TNGT, bảo đảm TTATGT.

PV: Ngoài việc đào tạo, sát hạch GPLX quá dễ dãi, chưa đảm bảo chất lượng thì việc cấp lại GPLX cũng có nhiều sơ hở không kém bởi hiện lực lượng CSGT đang tạm giữ hàng chục nghìn GPLX nhưng không có người đến nhận. Theo đồng chí, vì sao có việc này và hậu quả của nó như thế nào?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tồn lượng lớn giấy phép lái xe tại cơ quan CSGT, đa phần do người vi phạm không đến chấp hành các quyết định xử phạt, có trường hợp đã hết thời hạn tước GPLX nhưng người bị tước vẫn không tới lấy lại. Trong đó không ít người là lái xe kinh doanh vận tải, tức là nghề nghiệp chính của họ là lái xe.

Do vậy, theo chúng tôi thực sự cần thiết phải làm chặt quy trình đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Nên tách bạch giữa đào tạo và sát hạch cấp phép do hai lực lượng chuyên biệt để chuyên môn hóa. Như kinh nghiệm một số nước (Nhật Bản, Singapore) có hệ số ATGT cao, thì việc đào tạo từ nội dung chương trình về lý thuyết, thực hành và huấn luyện kỹ năng lái xe, xử lý tình huống, cứu nạn… do cơ quan quản lý nhà nước về giao thông chịu trách nhiệm. Còn sát hạch thuộc về lực lượng Cảnh sát do nắm bắt được quá trình hoạt động của người lái xe như thói quen, các lỗi vi phạm thường gặp, đặc điểm tham gia giao thông của các vùng miền…

PV: Vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình có kết luận các giải pháp đảm bảo ATGT trong thời gian tới, trong đó yêu cầu việc cấp lại GPLX phải có ý kiến của lực lượng CSGT. Đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết để phòng ngừa việc lái xe bị tước, tạm giữ GPLX giả báo mất để xin cấp lại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại việc này sẽ kéo dài thêm thời gian, thủ tục, làm khó người dân. Theo đồng chí, có giải pháp gì tận dụng được hạ tầng kỹ thuật hiện có để ngành GTVT có thể tra cứu, phát hiện các trường hợp vi phạm mà không cần phải trao đổi bằng văn bản với CSGT?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Tháng 1 này, Bộ trưởng Bộ Công an vừa ban hành chỉ thị về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng CAND trong tình hình mới, trong đó đặt ra yêu cầu xây dựng Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; kết nối chia sẻ các dữ liệu phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quản lý lái xe, lái tàu, quản lý phương tiện, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, hạ tầng giao thông, thiết bị giám sát hành trình xe ôtô và cơ sở dữ liệu khác liên quan đến an toàn giao thông.

Tuy nhiên, nội dung quản lý phải thay đổi theo đúng quy luật phát triển và phải đặt an toàn lên trên hết. Kinh nghiệm một số nước như Nhật Bản màu sắc của giấy phép lái xe cũng thể hiện được việc chấp hành trong thời gian tham gia giao thông của giấy phép trước. Vì vậy, cấp mới và cấp đổi phải gắn với trách nhiệm theo dõi quá trình hoạt động của lái xe, nhất là việc chấp hành các quy tắc về TTATGT.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Phương Thuỷ (thực hiện)
.
.
.