Nỗi lo mất an toàn lao động tại các công trình giao thông
Cho đến thời điểm này, đã một tuần trôi qua kể từ ngày xảy ra sự cố thi công các gói thầu số 1, gói thầu số 2, thuộc Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3), dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng. Trong khi đó, hoạt động thi công ở công trường các gói thầu trên của dự án bị tạm dừng, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội và đơn vị tư vấn Systra đã bị phê bình. Cùng đó, nguyên nhân sự cố thì đã được giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải khẩn trương tiến hành điều tra làm rõ. Thế nhưng, nỗi lo của người dân vẫn cứ ngày một tăng lên…
Phần lớn sự cố đều có liên quan đến… vận hành cần cẩu
Điểm lại có thể thấy, sáng 6/11/2014, tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra, khi cần cẩu của đơn vị thi công bất ngờ đứt cáp, khiến anh Nguyễn Như Ngọc (34 tuổi, học viên Học viện An ninh nhân dân) bị tử vong tại chỗ, 2 người khác bị thương.
Hơn một tháng sau đó, vào ngày 28/12/2014, toàn bộ hệ thống giàn giáo, dầm sắt và bê tông tại khu vực xà mũ trụ H7, dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông bất ngờ đổ sập xuống đường khiến một taxi bị hư hỏng nặng, người trong xe bị thương nhẹ.
Ngày 7/3, người dân trên đường Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai-Hà Nội) được phen hoảng hồn khi chiếc xe cần cẩu đang vươn cao hơn 50m bất ngờ đổ ập xuống mặt đường. Vụ tai nạn tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã làm giao thông qua tuyến đường này bị tắc nghẽn nghiêm trọng.
18h ngày 10/5, tại công trường thuộc Dự án đường sắt trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội lại xảy ra vụ rơi thanh thép dài 10m xuống đường, rất may không ai bị thương, song nguyên nhân ban đầu được xác định là do cừ bằng thép lasen đã bị rách mép tại vị trí móc cáp trong khi cẩu nên bị rơi, đổ lên hàng rào thi công và một phần ra đường giao thông.
Một vụ tai nạn gây chết người trong quá trình thi công dự án đường sắt đô thị. |
Và gần đây nhất chỉ trong ngày 12/5, buổi trưa xảy ra sự cố rơi thanh thép, tại công trường dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, thì vào 16h cùng ngày, tại dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, một chiếc cần cẩu đã bị đổ gập xuống nhà dân, khiến một người phụ nữ mang thai 8 tháng bị ngã xe, và hai người khác bị thương nhẹ. Nguyên nhân sơ bộ là do nhà thầu không lường trước được hết lực ma sát giữa ống vách và các lớp đất, dẫn đến cầu cẩu bị quá tải và bị gục đổ.
Hiểm họa vẫn lơ lửng treo trên nhà dân và người đi đường
Nhìn lại hầu hết các sự cố xảy ra, đều có phần liên quan đến vận hành cần cẩu của những công trình trên cao. Cũng phải nói rằng, tốc độ đô thị hóa phát triển mạnh như hiện nay, các công trình xây dựng tòa nhà cao tầng, công trình giao thông hiện đại bắt đầu mọc lên như nấm. Do đó, nhu cầu sử dụng các loại cần cẩu phục vụ thi công công trình trên cao là biện pháp duy nhất.
Theo ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội), trong xây dựng người ta thường sử dụng cần trục tháp có tải trọng nặng từ 3 - 10 tấn, chiều cao từ 160 - 200m, chiều dài 70-80m. Phần đối trọng nặng được tạo bởi từ 5-6 tấn bê tông, để tạo sức nặng cho cần trục. Cần cẩu với trọng lượng lớn như vậy lại hoạt động ngay trên những mái nhà dân, hay trên đầu người đi đường, là vô cùng nguy hiểm, vị này cho biết.
Thế nhưng nếu đi dọc nhiều tuyến phố Hà Nội, chúng ta vẫn thấy các công trình xây dưng cao tầng đang lơ là trước tính mạng của người dân, khi họ vẫn cho phép những chiếc cần cẩu tháp vươn dài hàng chục mét, nằm ngang phía trên các tuyến đường đông đúc người qua lại.
Thậm chí nhiều công trình nằm sát khu dân cư cũng thản nhiên quay cần cẩu đưa qua mái nhà dân, khiến những khối bê tông, vật liệu xây dựng lơ lửng trên đầu gây cảm giác sợ hãi đến rợn người. Bên cạnh đó, có nơi còn thiếu vắng biển cảnh báo nguy hiểm, hay người hướng dẫn giao thông khi cần cẩu hoạt động.
Chưa thể dừng lại ở câu chuyện vận hành cần cẩu, bởi trên thực tế để đảm bảo an toàn lao động trên các công trường đang thi công, thì bản thân những người thi công, đơn vị tư vấn, giám sát… phải luôn có mặt. Thế nhưng, khi các sự cố kể trên xảy ra, báo cáo ban đầu cho thấy rõ sự vắng mặt của các đại diện này.
PGS.TS Trần Chủng - Trưởng ban chất lượng Tổng hội Xây dựng Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng) nhận định: Tình trạng mất an toàn thi công xảy ra liên tiếp cần phải nói đến vai trò của người đứng đầu, đó là chỉ huy, lãnh đạo công trường. Những người này chưa làm đúng vai trò, trách nhiệm của mình. Trường hợp máy cẩu sập xảy ra là do thao tác sai của công nhân lái cẩu, hay tấm sắt rơi từ móc neo do người thợ làm ẩu. Thực trạng đó cho thấy, khâu giám sát năng lực con người chưa thực hiện tốt. Lòng người dân bất an do công trình không đảm bảo an toàn tại các công trình xây dựng công trình hạ tầng ở các đô thị là một đòi hỏi bức thiết mà mọi thành phần tham gia xây dựng phải tự xem xét lại chính mình… (PV) |