Từ vụ nữ tài xế “xe điên” gây tai nạn ở gầm cầu vượt Mai Dịch (Hà Nội):

Những thói quen “chết người” khi cầm vô lăng

Thứ Tư, 10/04/2019, 09:34
Sáng 9-4, một vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng đã xảy ra tại khu vực gầm cầu vượt Mai Dịch (Hà Nội). Nữ tài xế điều khiển ôtô khi đang lưu thông qua đây đã mất lái đâm phải người tham gia giao thông. Vụ tai nạn trên một lần nữa cảnh báo về những nguy cơ do thói quen “chết người” của những nữ tài xế khi cầm vô lăng lưu thông trên đường.

Liên quan đến vụ tai nạn liên hoàn tại chân cầu vượt Mai Dịch sáng 9-4, Đội CSGT số 6 Công an TP Hà Nội và Công an phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đã bàn giao vụ việc cho Công an quận Cầu Giấy điều tra, làm rõ nguyên nhân gây tai nạn.

Khoảng 8h ngày 9-4, tại gầm cầu vượt Mai Dịch ( thuộc địa phận phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chiếc ôtô nhãn hiệu Mercedes màu trắng mang BKS 30A-800.15 do một phụ nữ điều khiển đi từ đường Xuân Thủy rẽ sang đường Phạm Hùng, khi đến vị trí trên thì bất ngờ mất lái, tăng ga đâm vào nhiều người đi xe máy, húc đổ hàng rào tôn và húc bật cột đèn giao thông, sau đó lật nghiêng phía bên trong dải phân cách lề đường hướng đi Xuân Thủy. 

Hiện trường vụ “xe điên” gây tai nạn ở khu vực gầm cầu vượt Mai Dịch. Ảnh: Phúc Văn
Tại hiện trường, chiếc xe Mercedes gây tai nạn bị biến dạng, móp phần đầu, túi khí được bung ra, nữ tài xế may mắn thoát nạn, không bị thương. Tuy nhiên, trước khi dừng lại, lật nghiêng, chiếc xe này đã tông trúng 2 xe máy mang BKS 18G1-035.08 và 98M-982.74 khiến 3 người bị thương phải nhập viện, trong đó có 1 trường hợp bị thương nặng.

Thượng úy Trần Ngọc Trung, Đội phó phụ trách Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, Đội 6 đã cử cán bộ chiến sĩ có mặt phối hợp với Công an phường Dịch Vọng Hậu và Đội CSGT trật tự cơ động Công an quận Cầu Giấy đưa nạn nhân đi cấp cứu, phân luồng giao thông, khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Danh tính của người phụ nữ lái xe gây tai nạn là Nguyễn Thị Thu H (SN 1980, trú tại phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội).

Ngay sau khi vụ tai nạn trên xảy ra, nhiều ý kiến cho rằng, rất có thể trong lúc điều khiển phương tiện, chị H đã mất tập trung, đạp nhầm chân phanh thành chân ga, khiến chiếc xe mất lái, tăng tốc độ và đâm phải người đi đường. 

Anh Trần Quốc Trung, người lái ô tô nhiều năm khi xem lại clip chị H gây tai nạn đăng tải trên mạng Internet, cho rằng: “Không biết nguyên nhân do đâu, cũng có thể là do nữ tài xế đang mải làm việc riêng như nghe điện thoại, rồi bỗng giật mình; hoặc cũng có thể là do nữ tài xế sử dụng giầy cao gót mắc vào chân ga…”. 

Cũng theo anh Trần Quốc Trung, cách đây không lâu, vợ anh trong quá trình điều khiển xe ôtô cũng gặp phải cảnh “dở khóc dở cười” khi quai chiếc giầy cao gót bỗng mắc phải chân ga. Rất may sau đó, vợ anh đã bình tĩnh giảm tốc độ, táp vào lề đường nên đã không xảy ra va chạm, TNGT.

Vụ việc trên một lần nữa cảnh báo về những thói quen “chết người” khi nữ tài xế điều khiển xe ôtô, nhất là những dòng xe số tự động, có độ bứt tốc cao. Trên thực tế đã có không ít vụ “xe điên” gây TNGT có nguyên nhân bắt nguồn từ việc nữ tài xế vừa cầm vô lăng vừa nghe, nhắn tin điện thoại, bị mắc quai giầy cao gót vào chân ga. 

Còn nhớ vào cuối tháng 10-2018, tại khu vực vòng xoay Hàng Xanh, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh), bà Nguyễn T.N khi đang điều khiển chiếc xe BMW bất ngờ tông vào một loạt xe máy và xe taxi đang chờ dừng đèn tín hiệu giao thông phía trước khiến một người tử vong và nhiều người bị thương. Sau vụ tai nạn, bà Nguyễn T.N cho biết, có sử dụng rượu – bia trước khi lái xe, đồng thời trong lúc điều khiển ôtô, quai giầy cao gót đã móc vào chân ga…

Trở lại vụ TNGT xảy ra tại gầm cầu vượt Mai Dịch. Khi trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Trần Ngọc Trung tỏ ra lo ngại trước số vụ nữ tài xế điều khiển “xe điên” gây tai nạn cho người đi đường đang có chiều gia tăng. 

Qua vụ việc trên khuyến cáo người điều khiển xe ôtô, nhất là đối với nữ tài xế điều khiển xe số tự động (có độ bứt tốc lớn) cần chấp hành nghiêm Luật Giao thông, đi đúng tốc độ, làn đường, không sử dụng rượu – bia, chất kích thích, chấp hành chỉ dẫn, biển báo giao thông. 

Đặc biệt, trong quá trình điều khiển xe ôtô, không nên có “thói quen” đi giầy cao gót, sử dụng điện thoại di động v.v… Có như vậy, những vụ TNGT đau lòng mới không xảy ra. 

Cùng quan điểm trên, Đại úy Phạm Văn Chiến, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 3 – Phòng CSGT (CATP Hà Nội) cũng nhấn mạnh, để tránh không để “mất bò mới lo làm chuồng”, các chị em phụ nữ khi lái xe nên mang theo một đôi giầy, dép phù hợp để chủ động kiểm soát tốc độ, đặc biệt là khi phanh xe, vì nếu đi giầy cao gót sẽ khó khăn trong việc cảm giác lực tác động lên bàn đạp ga – phanh, việc xử lý tình huống thiếu chính xác; đấy còn chưa kể tới trường hợp quai giầy cao gót mắc phải bàn đạp  ga – phanh.

Trần Huy – Tâm Minh
.
.
.