Nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng sân bay Long Thành
- Hoàn thành GPMB dự án sân bay Long Thành trước năm 2021
- Hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 sân bay Long Thành trước năm 2019
Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở TN - MT Đồng Nai Nguyễn Ngọc Hưng cho biết, vùng lõi làm sân bay có diện tích 5 ngàn ha, muốn giải phóng mặt bằng phần diện tích này trước mắt cần làm các khu tái định cư.
Theo kiểm kê của tỉnh Đồng Nai, trong vùng lõi dự án sân bay Long Thành đang có 4.815 hộ với 15.500 nhân khẩu. Song thuận lợi là trong 5 ngàn ha sẽ giải tỏa trong giai đoạn 1, đã có đến 1,8 ngàn ha là đất trồng cao su do công ty cao su Đồng Nai quản lý. Đây là đất của Nhà nước cho DN thuê nên việc thu hồi chắc cũng không khó khăn. Đặc biệt, phần diện tích làm hạ tầng sân bay hơn 1 ngàn ha chỉ có khoảng 200 hộ dân nên việc di dời sẽ không mất nhiều thời gian.
Cũng theo ông Hưng, khó khăn nhất với Đồng Nai hiện là đơn giá bồi thường, làm sao để bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, nhất là khi giá đất vùng phụ cận sân bay tăng nhanh thời gian gần đây. Về mặt quy hoạch kết nối với sân bay Long Thành, ông Hưng thông tin, Bộ GTVT và tỉnh Đồng Nai cũng đã gắn phát triển sân bay với hệ thống đường cao tốc đã có sẵn như các cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Dầu Giây - Phan Thiết do tất cả đều đi ngang các khu vực phụ cận sân bay Long Thành.
Để khai thác tiềm năng từ đất, ông Hưng cho rằng vùng lõi sân bay chủ yếu cho công ty cao su thuê, nếu Nhà nước quy hoạch tốt, đây sẽ là nguồn thu rất lớn. Góp ý về khía cạnh này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN - MT nhận định, với 85% diện tích mặt bằng cần giải tỏa trong giai đoạn 1 là đất nông nghiệp, nếu quy hoạch tốt, đây sẽ là nguồn lực rất lớn để đầu tư trở lại cho hạ tầng sân bay. Khai thác tốt nguồn lực từ diện tích đất cần giải tỏa, việc bồi thường sẽ dễ dàng hơn khi một phần lợi nhuận từ đất được dùng trở lại để hỗ trợ cho người bị giải tỏa.
TS Lương Hoài Nam khẳng định, việc huy động vốn cho dự án sân bay Long Thành không khó do tính chất lợi nhuận đầu tư sân bay tương đối ổn định. Nhưng muốn nhà đầu tư bỏ tiền, họ phải có tiếng nói tham gia về những vấn đề quan trọng của dự án chứ không bao giờ họ bỏ vốn mà chưa biết dự án thế nào. Vấn đề chủ chốt của dự án sân bay Long Thành đó là đầu tư, thiết kế, phân kỳ đầu tư, tổ chức khai thác kinh doanh…
Cách để triển khai sớm dự án sân bay Long Thành là cần áp dụng mô hình đầu tư của một số nước trong khu vực khi làm sân bay quốc tế. Chẳng hạn lấy tập đoàn của Nhà nước, hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài và phát hành 35% cổ phần dự án trên thị trường chứng khoán rồi giao cho DN này làm chủ đầu tư dự án. Làm theo cách này, sẽ không phát sinh vướng mắc trong vấn đề “nhượng quyền” hiện chưa được luật hóa.
Đại diện Bộ GTVT và tỉnh Đồng Nai cùng một số đơn vị liên quan khảo sát thực địa tại khu vực triển khai dự án sân bay Long Thành. |
Đại diện đơn vị được Chính phủ và Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư giai đoạn lập báo cáo tiền khả thi, ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, hiện ACV đang tổ chức đấu thầu công tác tư vấn lập báo cáo tiền khả thi. Tư vấn sẽ làm việc trong khoảng 1 năm, cố gắng đến giữa năm 2019 sẽ xong báo cáo tiền khả thi để báo cáo Bộ GTVT, Chính phủ trình Quốc hội. Sau khi báo cáo tiền khả thi được phê duyệt, tùy theo phương thức huy động vốn để xác định vai trò của chủ đầu tư từng hạng mục trong dự án, khi đó các chủ đầu tư mới có thể triển khai tiếp nhiệm vụ của mình.
Ông Bình khẳng định, nếu phải triển khai tuần tự đúng các bước theo quy định hiện hành, dự án chỉ có thể khởi công vào đầu năm 2021. Khi đó, giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành khó có khả năng hoàn thành vào năm 2025. Chính vì vậy, ACV đã dự kiến sẽ báo cáo Bộ GTVT đề xuất Chính phủ chấp thuận một số giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án, chẳng hạn có thể triển khai trước việc rà phá bom mìn; việc san nền ngay sau khi tỉnh Đồng Nai bàn giao mặt bằng vào quý 1 năm 2019.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện các bước đầu tư, từ vấn đề lựa chọn tư vấn, lựa chọn nhà thầu để thiết kế kỹ thuật hoặc để thi công, có thể áp dụng một số hình thức rút ngắn thời gian để có thể khởi công xây dựng sân bay vào năm 2020.
Ông Bình chia sẻ, qua kinh nghiệp đầu tư xây dựng của ACV đối với sân bay, cứ sau 5 năm trượt giá sẽ tăng lên gấp đôi. Do đó, tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 của sân bay Long Thành dự kiến là 5,4 tỷ USD được xây dựng từ năm 2015 có tính tới yếu tố trượt giá đến năm 2020, nhưng nếu lùi tiến độ 5 năm nữa, mức đầu tư sẽ tăng lên gấp đôi.
Rõ nhất là hạng mục nhà ga quốc tế Tân Sơn Nhất được ACV xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2007 với diện tích 93 ngàn m2 nhưng chi phí đầu tư chỉ có 200 triệu USD. Đến năm 2014, khi ACV đưa nhà ga T2 ga quốc tế sân bay Nội Bài vào sử dụng, diện tích chỉ tăng hơn 40% so với ga quốc tế TSN nhưng chi phí đầu tư đã ở mức 800 triệu USD.
Về sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Long Thành, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường cho biết, các sân bay cũ hiện không còn dư địa để phát triển, đang cản trở sự phát triển của hãng hàng không khi muốn tăng cường khai thác. Cụ thể là việc hãng hàng không mới của TS Lương Hoài Nam đã xin cấp phép hoạt động từ nhiều năm qua nhưng vẫn phải chờ với lý do khi nào năng lực cất hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng mới xem xét.
Đẩy nhanh triển khai dự án sân bay Long Thành trong điều kiện Tân Sơn Nhất bị ùn tắc, sân bay Long Thành sẽ góp phần đắc lực cho phía Nam. Hai sân bay hỗ trợ cho nhau, Tân Sơn Nhất sẽ có thời gian ngừng nghỉ để nâng cấp. Bởi dù TSN có được quyết định mở rộng ngay để giải quyết tình trạng quá tải trước mắt, thì cũng phải mất vài năm nữa dự án này mới có thể hoàn thành.
Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến chia sẻ tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Đặng Ngọc Đông cho rằng, với dự án sân bay Long Thành, vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm sao thực hiện tốt việc Quốc hội và Chính phủ giao, nhất là trong việc đảm bảo tiến độ dự án.