Nhà đầu tư nước ngoài chưa mặn mà với dự án BOT giao thông của Việt Nam

Thứ Sáu, 26/04/2019, 09:12
Ngày 25-4, tại phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật đã dành một phần lớn thời lượng nói về các dự án BOT, vấn đề nóng bỏng nhất của ngành giao thông hiện nay.

 Theo ông Nguyễn Nhật, hiện Bộ GTVT đang quản lý 63 dự án BOT, trong đó có 56 dự án BOT đã khai thác, 4 dự án đang làm thủ tục hoàn thành và 3 dự án đang đầu tư. Sau Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về BOT, Bộ GTVT đã dừng 13 dự án không đầu tư. 

Trong 54 dự án đang khai thác thì có 4 trạm chưa thu phí, 2 trạm đang tạm dừng là BOT Cai Lậy và BOT quốc lộ 3 đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới. Đây cũng là 2 dự án tai tiếng nhất cho đến thời gian này, được các ĐBQH gọi lại BOT “đi lạc” (đầu tư đường nhánh, thảm lại một đoạn quốc lộ và đặt trạm BOT trên quốc lộ). 

Cập nhật tiến độ xử lý 2 trạm này, ông Nhật cho biết tháng 5 này Bộ GTVT sẽ công bố phương án xử lý trạm Thái Nguyên - Chợ Mới. Về trạm BOT Cai Lậy, Bộ GTVT cũng cho biết “sau khi quyết toán, rà lại, sửa chữa lại toàn bộ dự án, giảm sâu mức phí toàn bộ 41 xã của thị xã Cai Lậy”, thì “đây là một trong những trạm có mức thu thấp nhất cả nước”. 

“Chúng tôi cũng đã làm việc với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Hiệp hội vận tải của các tỉnh này, cơ bản theo chúng tôi đánh giá có thể triển khai thu phí được. Những gì doanh nghiệp, hiệp hội vận tải các địa phương đề xuất, chúng tôi cũng đã triển khai cơ bản”, ông Nhật nói. 

Cũng theo ông Nhật, việc có 64 trạm BOT mà chỉ có 2 trạm (gặp trục trặc) thì cũng... không nhiều.

Trạm thu phí BOT trên QL5.

Được biết, Bộ GTVT đang triển khai mạnh việc thu phí không dừng tại tất cả các trạm BOT và tháng 12 năm nay sẽ hoàn tất. Riêng việc giám sát thu phí bản thân ông Nguyễn Nhật cũng thừa nhận là “chưa chặt chẽ”, nhưng hiện Bộ GTVT đã hoàn thành phần mềm, chuẩn bị lắp tại tất cả các trạm thu phí để các xe qua trạm đều được chuyển dữ liệu hàng ngày về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. 

Cuối ngày, Tổng cục sẽ kiểm tra để xem số tiền thu được là bao nhiêu. Việc này sẽ giảm được một phần nào đó sự mập mờ, tăng minh bạch, công khai của trạm thu phí.

Liên quan đến lùm xùm dư luận xung quanh BOT, ông Nguyễn Nhật cho biết, 2 năm vừa qua các dự án BOT phải tiếp 122 đoàn thanh tra, kiểm toán, giám sát của tất cả các bộ, ngành với có 115 kết luận thanh tra, kiểm toán. 

“Có dự án 3-4 đoàn thanh tra, kiểm toán một lúc. Tất cả các dự án đều đã được kiểm toán, trừ một phần chưa kiểm toán là phần giải phóng mặt bằng của địa phương. Kể cả các dự án mở rộng quốc lộ 1 cũng còn 24 địa phương chưa quyết toán giải phóng mặt bằng dù chúng tôi nhiều lần đôn đốc. Các địa phương tiêu tiền xong rồi chưa trả hồ sơ cho chúng tôi”, Thứ trưởng GTVT nói. 

Về thông tin nhiều khoản vay của các chủ đầu tư BOT đã trở thành nợ xấu (hàng trăm tỉ đồng), ông Nguyễn Nhật cho biết ngay khi tiếp nhận được ông đã rất “hoảng” và vội sang hỏi Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng. Tuy nhiên, câu trả lời từ Thống đốc là mới đưa các khoản trên vào “danh sách theo dõi” chứ chưa đưa vào nợ xấu. 

“Hiện tất cả các nhà đầu tư BOT đều trả nợ đúng hạn, chưa có trạm nào không trả. Có dự án hơn 1 năm không được thu phí thì vẫn trả nợ đúng hạn, chưa nợ tháng nào cả”, theo ông Nhật.  

Về các dự án sắp tới sẽ triển khai trên trục cao tốc Bắc Nam phía Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin thêm, đến thời điểm này, các nhà đầu tư của các nước phát triển như Nhật, Mỹ, Anh, Pháp không mặn mà với các dự án BOT Việt Nam, chỉ có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đang quan tâm. 

Theo vị này, thực sự phải đẩy nhanh hình thức đầu tư PPP chứ với các nghị định thông tư hiện nay thì việc kêu gọi đầu tư là khó khăn. Bởi có 3 cái khiến nước ngoài không mấy mặn mà tìm hiểu là việc bảo lãnh doanh thu ta không bảo lãnh và chuyển đổi tỷ giá thì ta khẳng định không. Thứ 3 là bảo lãnh rủi ro chính phủ ta cũng chưa có.

Phạm Huyền
.
.
.