Viết tiếp bài “Thảm họa đường sắt kinh hoàng làm 200 người chết năm 1982”

Ngành Đường sắt sẵn sàng phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan

Thứ Tư, 09/05/2018, 09:25
Sau loạt bài 4 kỳ phản ánh về thảm họa đường sắt kinh hoàng làm 200 người chết vào năm 1982, Báo CAND nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả ở nhiều tỉnh, thành cả nước.


Báo CAND số ra các ngày 22,23, 24 và 25-4-2018 có loạt bài “Thảm họa đường sắt kinh hoàng làm 200 người chết năm 1982 – Nỗi đau dai dẳng 4 thập kỷ cần được xoa dịu” phản ánh cách đây 36 năm, vào ngày 17-3-1982, xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) khủng khiếp nhất trong lịch sử ngành Đường sắt Việt Nam; làm khoảng 200 người chết tại chỗ. 

Sau gần 4 thập kỉ, nỗi đau của nhiều gia đình vẫn chưa nguôi. Nhiều người thân các nạn nhân đang mong muốn ngành Đường sắt và các cơ quan chức năng có thông tin chính thức về vụ việc này nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau thương. Để có thêm thông tin, chiều 8-5-2018, PV Báo CAND đã có buổi làm việc với đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Sau loạt bài 4 kỳ phản ánh về thảm họa đường sắt kinh hoàng làm 200 người chết vào năm 1982, Báo CAND nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả ở nhiều tỉnh, thành cả nước. Hầu hết các ý kiến cho rằng, ngành Đường sắt và các đơn vị chức năng cần sớm chung tay giải quyết những kiến nghị của người thân những hành khách xấu số nhằm xoa dịu nỗi đau năm xưa. 

Để có thông tin phản hồi tới độc giả, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. 
Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tại buổi làm việc với PV chiều 8-5.

Trong buổi làm việc, ông Đoàn Duy Hoạch cho biết, vụ TNGT đường sắt xảy ra vào ngày 17-3-1982 trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh thuộc địa bàn ấp Hưng Long, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (nay là huyện Trảng Bom), tỉnh Đồng Nai. 

Đây là vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng nên vào thời điểm bấy giờ, Công an tỉnh Đồng Nai và Ty Công an Đường sắt là cơ quan trực tiếp điều tra và lưu hồ sơ vụ tai nạn. 

Khi xảy ra vụ tai nạn, lãnh đạo Tổng cục Đường sắt đã giao lãnh đạo Quận đường sắt 3 (tiền thân của Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn) lập Ban Chỉ huy khắc phục hậu quả vụ tai nạn, tiếp nhận và giải quyết các vấn đề liên quan đến người bị nạn. 

Cụ thể: Các nạn nhân có người nhà nhận diện và được Công an đồng ý thì đơn vị sẽ lo hậu sự, phương tiện để gia đình đưa về địa phương mai táng; các nạn nhân không có thân nhân nhận diện thì giao chính quyền địa phương sở tại tổ chức mai táng (khi đó, Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã chụp ảnh đăng tại ga Sài Gòn để người thân hoặc người quen nhận diện)…

Theo ông Đoàn Duy Hoạch, đối với phần mộ các nạn nhân được địa phương mai táng tại tỉnh Đồng Nai, đã được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và địa phương tôn tạo, xây hàng rào bảo vệ thành một nghĩa tranh riêng và giao cho đơn vị quản lý đường sắt khu vực chăm sóc, hương khói. 

Do thời điểm xảy ra vụ tai nạn chưa thực hiện chế độ bảo hiểm hành khách, nên các chi phí liên quan đến việc giải quyết khắc phục vụ tai nạn này đều do Tổng cục Đường sắt chi trả. Hiện Tổng Công ty Đường sắt không có hồ sơ về vụ việc này, nhiều khả năng hồ sơ vụ việc được lưu trữ tại Công an tỉnh Đồng Nai.

Trước câu hỏi của phóng viên: “Quan điểm của ngành Đường sắt ra sao đối với vụ việc này và hướng giải quyết sắp tới thế nào?”, ông Đoàn Duy Hoạch khẳng định: “Thời gian qua, Tổng Công ty đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của ngành Đường sắt nỗ lực tìm kiếm thông tin, hồ sơ vụ việc. Thời gian trôi qua đã lâu, có nhiều vấn đề rất khó khăn song ngành Đường sắt sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết những vấn đề liên quan đến vụ tai nạn theo quy định của pháp luật”.

Tại buổi làm việc, ông Đoàn Duy Hoạch cũng cho biết đầu năm 2018, Công an tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi Tổng Công ty về việc cung cấp thông tin liên quan vụ TNGT đường sắt xảy ra tại huyện Trảng Bom năm1982; phía Tổng Công ty vào ngày 26-1-2018 cũng đã có công văn phúc đáp một số nội dung liên quan. 

Qua buổi làm việc với đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, chúng tôi nhận thấy, việc giải quyết những kiến nghị của người thân các hành khách xấu số, như: 

Sớm có thông tin chính thức về vụ việc trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, thân nhân nạn nhân có đầu mối tìm kiếm; đầu tư kinh phí để tôn tạo nghĩa trang, xây lại các ngôi mộ và nên tổ chức xét nghiệm ADN các hài cốt để giúp việc xác định danh tính và tìm kiếm thân nhân… là vấn đề khó khăn và mất nhiều thời gian. 

Do vậy, rất cần có sự vào cuộc, phối hợp tích cực của các ngành liên quan như: Công an, Đường sắt, Giao thông vận tải, Lao động – Thương binh – Xã hội… Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Duy Hiển – Trần Huy
.
.
.