Mối lo từ xe hết niên hạn sử dụng và quá hạn kiểm định
Ngang nhiên sử dụng xe khách “quá đát”
Một ngày giữa tháng 4, Đoàn kiểm tra của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị đăng kiểm Thanh Hóa khảo sát trên một số tuyến đường tại tỉnh Thanh Hóa. Điểm đầu tiên mà đoàn hướng tới là khu vực nhà máy đường Nông Cống, nhà máy đường Thạch Thành thuộc huyện Thọ Xuân.
Chỉ đứng một lúc buổi sáng, lực lượng đăng kiểm đã phát hiện 12 xe hết niên hạn sử dụng và 11 xe quá hạn kiểm định vẫn đang hoạt động. Đặc biệt, cơ quan kiểm định đã phát hiện 2 xe khách hết niên hạn sử dụng nhưng vẫn đưa đón học sinh, gồm xe mang biển kiểm soát 19L-5360, nhãn hiệu Toyota, sản xuất năm 1993, đã không kiểm định từ 24/1/2013 và hết niên hạn từ 1/1/2014; và xe 36M-2430 nhãn hiệu Hyundai, sản xuất năm 1994, đã hết hạn kiểm định từ 23/2/2012 và hết niên hạn sử dụng từ 1/1/2015.
Trong thời gian này, đoàn công tác đã tiếp tục tiến hành kiểm tra tại đường Hồ Chí Minh, khu vực huyện Như Xuân. Kết quả cũng thấy 2 xe hết niên hạn sử dụng (36M-0282; 29T-0229) và 1 xe quá hạn kiểm định (36M-6960). Trước đó, bằng phương pháp ghi lại biển số 300 xe bất kỳ đang hoạt động trên một số tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong đợt kiểm tra đột xuất, đoàn kiểm tra của Trung tâm đăng kiểm 3603D cũng phát hiện 11 xe đã quá hạn kiểm định trên 10 ngày nhưng chưa kiểm định lại và 12 xe không có trong dữ liệu đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Công tác hậu kiểm tra sau đăng kiểm cũng cần sự vào cuộc quyết liệt từ các lực lượng chức năng. |
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại tỉnh Gia Lai. Theo thống kê từ tỉnh, hiện Gia Lai đã có 2553 xe hết niên hạn sử dụng, trong đó có 707 xe chở người và 1.846 xe chở hàng. Riêng năm 2014 có 411 xe hết niên hạn sử dụng, trong đó có 65 xe chở người và 346 xe chở hàng.
Khảo sát trên một số tuyến đường tại địa bàn tỉnh Gia Lai, cụ thể tại Km 83, km 158 trên QL19, đoạn đường Pleiku-Lagrai, tại phường An Bình, thị xã An Khê; km 180 QL25 và km 1689 QL 14, lực lượng chức năng đã ghi được 2.379 biển số xe ôtô lưu thông qua, thì phát hiện có tới 63 xe trong số đó đã quá hạn kiểm định, 1 xe hết niên hạn sử dụng và 21 xe không có trong dữ liệu kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện nay trên cả nước có trên 120.000 xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, trong đó có khoảng trên 80.000 xe tải và 40.000 xe chở người từ 10 chỗ trở lên. Riêng trong năm 2014 có 16.488 xe cơ giới các loại hết niên hạn sử dụng, còn nhiều phương tiện quá hạn kiểm định, nhưng chưa đến kiểm định lại.
Vị này cũng thừa nhận tình trạng các phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định đang hoạt động chui, trốn tránh cơ quan kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, tuyến đường Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, ở những tuyến đường mà lực lượng tuần tra kiểm soát còn mỏng, chưa thực hiện kiểm tra thường xuyên, xe hết niên hạn thuộc tỉnh này, nhưng lại hoạt động trên địa bàn tỉnh khác, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông.
Để siết chặt tình trạng này, theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn nên thống kê danh sách cụ thể các xe hết niên hạn, xe quá hạn kiểm định theo địa bàn các huyện, thị gửi báo cáo lãnh đạo tỉnh, Giám đốc Sở GTVT, Công an, Chủ tịch, Trưởng Công an các huyện thị để theo dõi. Các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới nên trao đổi, tập huấn cho lực lượng các huyện, thị về cách tra cứu, kiểm soát và nhận biết phương tiện quá hạn kiểm định, quá niên hạn sử dụng. Đồng thời, công khai số lượng xe quá niên , xe quá hạn kiểm định trên địa bàn tỉnh, trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.
Ngoài ra nên tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các địa điểm công cộng để chủ xe, lái xe chấp hành luật GTĐB và toàn dân giám sát hoạt động của các đối tượng này.
Nói là thế, song nhan nhản xe quá niên hạn, quá ngày kiểm định vẫn ngang nhiên chạy trên đường tại một số địa phương. Vì sao cơ quan chức năng lại không phát hiện? Phải chăng có sự thờ ơ ngay từ khâu quản lý? Nếu chẳng may tai nạn xảy ra, trách nhiệm này sẽ thuộc về ai? Hàng loạt câu hỏi đang cần câu trả lời từ sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương.