Khi người dân đồng lòng giữ gìn trật tự an toàn giao thông

Thứ Năm, 25/02/2021, 08:26
Các tỉnh, thành Tây Nam Bộ đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch bảo đảm trật tự an toàn giao thông phù hợp với từng địa phương; đồng thời huy động sức mạnh toàn dân trong thực hiện công tác này.

Thực hiện Kết luận số 45 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT)”, các tỉnh, thành Tây Nam Bộ đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch bảo đảm TTATGT phù hợp với từng địa phương; đồng thời huy động sức mạnh toàn dân trong thực hiện công tác này.

Qua hơn một năm triển khai Kết luận 45, tình hình TTATGT trên địa bàn huyện Phước Long (Bạc Liêu) ổn định. Cơ quan chức năng tổ chức trên 900 đợt tuần tra, kiểm soát (TTKS), lập biên bản trên 3.000 trường hợp vi phạm, xử phạt trên 2,5 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước.

Huyện cũng đẩy mạnh công tác xây dựng, duy tu, sửa chữa đường và cầu nông thôn, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Đối với TP Bạc Liêu, Ban Thường vụ Thành ủy giao UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường quản lý nhà nước về GTVT, tập trung vào các lĩnh vực: quy hoạch phát triển, xây dựng hạ tầng giao thông, khắc phục tình trạng mất cân đối giữa các loại hình vận tải; quản lý nền nếp hành lang ATGT, vỉa hè, đường phố…

Để thực hiện có hiệu quả kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT, thời gian qua, Bạc Liêu tập trung hiện đại hóa công tác đảm bảo TTATGT.

Cụ thể, sau khi lắp đặt 47 camera giám sát ANTT, TTATGT bằng nguồn xã hội hóa trên tuyến Giá Rai - Gành Hào và Gành Hào - Định Thành (huyện Đông Hải), cơ quan Công an đã trích xuất 32 lượt phục vụ công tác đấu tranh các chuyên án trộm, cướp trên đường; trích xuất 50 lượt phục vụ xác định lỗi trong các vụ va chạm giao thông; phát hiện các điểm có dấu hiệu tổ chức đua xe, kịp thời có biện pháp vô hiệu hóa, đảm bảo tốt TTATGT trên địa bàn.

Đại tá Ngô Thành Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Bạc Liêu đánh giá, những kết quả mà các địa phương đạt được đã góp phần tích cực vào công tác đảm bảo TTATGT trên toàn tỉnh thời gian qua.

5 năm qua, tỉnh Trà Vinh thực hiện có hiệu quả chủ đề An toàn giao thông do Ủy ban ATGT Quốc gia phát động với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết” như: “ATGT cho hành khách và người đi môtô, xe máy”, “ATGT cho trẻ em”, “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên”...

Các lực lượng thực hiện có hiệu quả nhiều kế hoạch chuyên đề tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đặc biệt là thực hiện các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT.

Thực hiện chủ đề năm ATGT 2020 “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, Giám đốc Công an tỉnh đã phát động cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông.

Theo đánh giá, việc thực hiện cao điểm làm cho ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông được nâng lên, tình hình TTATGT được ổn định, đặc biệt là số vụ va chạm, TNGT liên quan đến rượu, bia được kéo giảm đáng kể.

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một biện pháp mang tính cơ bản, chiến lược, lâu dài và là “chiếc cầu nối” để truyền tải những chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ATGT đến nhân dân nhanh nhất, hiệu quả nhất, Ban ATGT tỉnh Trà Vinh tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện tuyên truyền hơn 11.000 cuộc, có trên 712.000 lượt người dự, xem; trực tiếp hướng dẫn pháp luật trên 12.000 trường hợp, cấp phát 30.000 cẩm nang, tờ rơi tuyên truyền, tổ chức 63 cuộc tọa đàm, xây dựng hàng trăm phóng sự, tin bài tuyên truyền về kết quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chế tài đối với các lỗi vi phạm, nguyên nhân, hậu quả của TNGT...

CSGT Công an tỉnh Trà Vinh thường xuyên phối hợp kiểm tra, tuyên truyền bảo đảm TTATGT trên đường thủy nội địa.

Mô hình văn hóa giao thông đường thủy bến đò ngang ấp Mỹ Hiệp - ấp Nhuận Thành (xã Mỹ Đức, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh), được thành lập năm 2017.

Từ khi thành lập, Tổ tự quản bến đò ngang thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các chủ bến, chủ phương tiện chấp hành tốt việc trang bị áo phao, dụng cụ nổi cá nhân, thiết bị PCCC góp phần kéo giảm TNGT đường thủy.

Bên cạnh đó, hằng tháng Công an huyện Càng Long phân công cán bộ CSGT tham gia họp để nắm tình hình, tổ chức TTKS, hướng dẫn tàu, thuyền neo đậu đảm bảo an toàn.

Qua đó, nâng cao ý thức của người dân trong chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường thủy nội địa. Anh Nguyễn Minh Thương, Tổ trưởng Tổ tự quản bến khách Mỹ Hiệp – Nhuận Thành, cho biết thời gian qua, Tổ tự quản hoạt động tốt, thường xuyên kiểm tra các bến đò, chủ đò và hành khách qua lại thực hiện đúng theo quy định an toàn.

“Tới đây, Tổ tự quản tiếp tục kiểm tra chủ bến, đồng thời nhắc nhở những người xung quanh thực hiện đảm bảo ATGT đường thủy và không neo đậu tàu, thuyền cặp khu vực bến đò”, anh Thương nói.

Tuyến giao thông Trà Niền - Thới Hưng, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ), được mở rộng, lưu thông dễ dàng là do bà con đồng tình hiến đất, hoa màu.

Bên cạnh đó, cán bộ xã vận động xã hội hóa xây dựng cầu Trà Niền. Bà Trương Thị Hà (ngụ xã Xuân Thắng), cho biết trước đây do không có cầu, người dân qua sông phải đi đường vòng rất xa.

Cán bộ xã vận động nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí và huy động bà con đóng góp ngày công lao động xây dựng cầu đi lại thuận tiện”. Bên cạnh đó, xã cũng vận động lắp đèn chiếu sáng công cộng, các bảng tuyên truyền về an ATGT, như: “Tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe”, “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, “Đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy”…

“Ngoài các bảng tuyên truyền trực quan, cán bộ xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con chấp hành nghiêm TTATGT, như: đội mũ bảo hiểm, chạy xe đúng tốc độ, tạo hành lang thông thoáng trên các tuyến đường, không để các vật cản là nguyên nhân gây ra TNGT”, anh Nguyễn Hùng (ngụ xã Xuân Thắng) chia sẻ thêm.

Cà Mau - tỉnh cực Nam Tổ quốc có sông rạch chằng chịt, hạ tầng giao thông còn yếu, tổng chiều dài đường bộ trên 12.470km; hệ thống giao thông đường thủy trên 8.000km và hiện hơn 37.000 phương tiện thủy nội địa, với 78 cửa sông thông ra biển…

Để bảo đảm TTATGT trên địa bàn, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh Cà Mau thực hiện nhiều biện pháp, tổ chức 15 lớp tập huấn cho 2.045 đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên; phát 60.000 tờ rơi tuyên truyền đảm bảo TTATGT đến từng hộ gia đình. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh còn xây dựng, nhân rộng 1.133 mô hình, trong đó có 134 mô hình ATGT… 

Cụ thể, trên địa bàn TP Cà Mau tình trạng ùn tắc giao thông trước các cổng trường vào giờ cao điểm nhận được sự quan tâm của nhiều người. Để giải quyết tình trạng đó, một số trường đã triển khai mô hình “Cổng trường ATGT” kết hợp với bố trí hàng rào có hình ảnh minh họa sinh động, nhằm nâng cao ý thức chấp hành TTATGT của cha mẹ học sinh.

Điển hình, khu vực Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (đường Lê Khắc Xương) có nhiều phương tiện giao thông qua lại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến TNGT, nên năm học 2019 – 2020, nhà trường đã thực hiện ký kết mô hình “Cổng trường ATGT” với Đoàn TNCS phường 6 nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh nơi đây…

Đức Văn
.
.
.