Hàng không “nóng” trở lại trước kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5

Thứ Tư, 29/04/2020, 09:11
Trước tình hình dịch COVID-19 ở nước ta đang có những dấu hiệu chuyển biến theo hướng tích cực, cùng đó lệnh giãn cách ly được “nới lỏng” trên cả nước, ngành Hàng không Việt Nam bắt đầu “nóng” trở lại. Nhất là trước kỳ nghỉ 30-4 và 1-5, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.


Ghế trung bình các đường bay luôn ở mức trên 90%

Theo báo cáo của Cục Hàng không, nhu cầu vận chuyển hàng không trong giai đoạn từ 23/4 đến nay tăng cao, thể hiện qua hệ số sử dụng ghế trung bình trên các đường bay luôn ở mức trên 90% và sẽ còn tăng nhiều hơn trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân giai đoạn nghỉ lễ, Cục Hàng không đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tăng dần tần suất chuyến theo từng giai đoạn.

Hàng không xin tăng chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp lễ.

Cụ thể, trong giai đoạn 29, 30/4/2020, đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh tăng thêm 4 chuyến bay khứ hồi/ngày (thành 24 chuyến bay khứ hồi/ngày). Đường bay Hà Nội/TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng tăng thêm 2 chuyến bay khứ hồi/ngày (thành 8 chuyến bay khứ hồi/ngày). Các đường bay nội địa khác tăng thêm 4 chuyến bay khứ hồi/ngày/đường bay.

Giai đoạn từ ngày 1 đến 15/5/2020, Cục Hàng không kiến nghị cho phép hoạt động khai thác nội địa của các hãng hàng không xấp xỉ 40% so với tháng 12/2019 (giai đoạn trước dịch COVID-19). Theo đó, đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh khai thác 33 chuyến khứ hồi/ngày. Đường bay từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng khai thác 11 chuyến khứ hồi/ngày. Các đường bay nội địa khác theo nhu cầu của các hãng hàng không.

Giai đoạn từ ngày 16 đến 31/5/2020 nếu tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát và xử lý hiệu quả, nhu cầu đi lại của người dân sẽ tiếp tục tăng trở lại, Cục Hàng không kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép hoạt động khai thác nội địa của các hãng hàng không xấp xỉ 60% so với tháng 12/2019.

Cụ thể, đường bay Hà Nội-TP Hồ Chí Minh khai thác 50 chuyến khứ hồi/ngày; đường bay từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng khai thác 20 chuyến khứ hồi/ngày. Các đường bay nội địa khác được khai thác theo nhu cầu của các hãng hàng không.

Trên cơ sở đó, Cục Hàng không kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép các hãng hàng không Việt Nam bán vé theo hướng được mở bán cho toàn bộ lịch bay mùa trên cơ sở số lượng tần suất phân bố các đường bay cập nhật.

“Đối với những chuyến bay đã được mở bán không theo phép bay đã cấp, các hãng hàng không phải hoàn trả tiền vé cho hành khách mà không thu bất cứ khoản tiền nào”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không giao cho các cơ quan, đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ hoạt động bán, khai thác các chuyến bay của các hãng hàng không để xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời thường xuyên theo dõi đường dây nóng, kịp thời nắm bắt các phản ánh của hành khách để chuyển cho các hãng hàng không giải quyết hoặc xử lý theo thẩm quyền.

Ngoài ra, theo đánh giá từ Cục Hàng không, thời gian qua, các hãng hàng không đều vận chuyển hành khách ít hơn số ghế bố trí trên máy bay để đảm bảo giãn cách. 

Dẫn chứng, sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không từ ngày 23 đến 25/4/2020 đạt hơn 10.000 khách/ngày (bằng 11% so với giai đoạn trước khi có dịch - tháng 1/2020), hệ số sử dụng ghế trung bình đạt khoảng 63% so với cấu hình tàu bay và đạt trên 90% so với số ghế được phép mở bán (các chuyến bay đều thực hiện yêu cầu về giãn cách hành khách trên tàu bay, cách nhau một ghế/hàng nên tối đa số ghế mở bán của các hãng chỉ đạt 66% so với cấu hình tàu bay).

Hiện tại, ngành Hàng không đang tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với mức độ cao hơn yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải như hành khách phải cách nhau 1m khi xếp hàng làm thủ tục và lên máy bay, máy bay được khử khuẩn nội thất trước và sau mỗi chuyến, không phục vụ suất ăn trên chuyến bay nội địa...

Trên cơ sở đó, Cục Hàng không kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét cho phép không thực hiện việc giãn cách chỗ ngồi trên máy bay như hiện tại (hành khách phải ngồi cách nhau 1 ghế), thay vào đó cho phép hãng hàng không được vận chuyển khách theo cấu hình của máy bay.

Giá vé có “nóng” theo?

Khảo sát trang web bán vé máy bay chặng nội địa của hãng Vietnam Airlines cho thấy, nếu bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh ngày 29/4 và về ngày 3/5, là cao điểm nghỉ lễ, giá vé dao động từ 2.020.000 đến 6.750.000/lượt/ người (đã bao gồm thuế phí). Tuy giá không thấp, song vì số chuyến cũng hạn chế nên lượng ghế trên chuyến bay cũng không còn nhiều.

Cùng thời gian này, Hãng hàng không Vietjet có 6 chuyến bay chiều đi, giá vé dao động từ 1.679.000đ - 3.300.000đ (chưa bao gồm thuế phí). 6 chuyến chiều về vé có cao hơn chiều đi là 2.820.000 - 3.300.000đ/vé (chưa bao gồm thuế phí).

Với Hãng hàng không Bamboo Airway, do chỉ có 4 chuyến bay từ Hà Nội tới TP Hồ Chí Minh trong ngày 29/4 nên vé có phần “khan hơn”. Vé thấp nhất là hơn 1.900.000đ, song số lượng chỉ còn vài chỗ; vé hạng thương gia còn chỗ thì cũng  dao động từ 4.300.000 - 4.700.000đ/ vé tuỳ theo giờ bay. Điểm qua cả 3 hãng hàng không thì nhận thấy, giá vé dịp nội địa dịp này cũng không hề rẻ.

Tuy nhiên, để “lôi kéo” khách hàng bay trở lại sau dịp nghỉ lễ, các hãng hàng không đều tung chiêu “mua trước, bay sau”. Chẳng hạn như nếu khách hàng của Vietnam Airlines mua vé tại thời điểm trước 30/4 và bay vào thời điểm tháng 9 trở đi thì vé nhiều đường bay chỉ từ 600.000đ/chặng khứ hồi.

Trước đó hãng hàng không thế hệ mới Vietjet cũng tung ưu đãi giá vé chỉ từ 9.000 đồng (chưa bao gồm thuế, phí) với tất cả các chặng bay nội địa mở bán trên website www.vietjetair.com. Thời gian bay áp dụng tới 31/12/2020 (trừ các ngày lễ, tết).

Tuy nhiên, trước đó, ngày 27/4, theo văn bản gửi tới Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nhằm phòng chống dịch, Cục mới chỉ cấp phép bay cho các hãng hàng không Việt Nam đến hết ngày 30/4/2020 và các hãng hàng không Việt Nam chỉ được khai thác các đường bay, tần suất khai thác theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.

Phạm Huyền
.
.
.