Hà Nội xén vỉa hè mở rộng lòng đường
- Đường phố Hà Nội rực đỏ sau chiến thắng của đội tuyển Việt Nam
- Trâu "điên" náo loạn đường phố Hà Nội
- Rác trời “bủa vây” đường phố Hà Nội
Theo ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, thực tế, trước đây, Hà Nội đã triển khai xén hè mở rộng một số tuyến đường như Trần Duy Hưng-Nguyễn Chí Thanh. Ông Tuấn cho rằng, kết quả bước đầu đã khắc phục được tình trạng ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm. Từ hiệu quả này, UBND TP Hà Nội đã tiếp tục cho phép Sở thực hiện xén dải phân cách mở rộng mặt đường trên vành đai 2 và vành đai 3.
Ông Hùng cho biết, Sở GTVT Hà Nội sẽ xén dải phân cách mở rộng mặt đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm và quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 3,22km, điểm đầu tại nút giao Trần Duy Hưng-Khuất Duy Tiến; điểm cuối tại nút giao Mai Dịch. Trên cơ sở mặt bằng hiện trạng, xén dải phân cách giữa mở rộng mặt đường, đảm bảo phần xe chạy mỗi hướng chiều rộng khoảng 17m.
Để thực hiện xén vỉa hè các tuyến trên, sẽ phải di dời công trình ngầm nổi, lắp đặt mới hệ thống bó vỉa dải phân cách giữa, hoàn thiện lại hệ thống sơn tín hiệu, biển báo… Tổng mức đầu tư của dự án này là hơn 24,2 tỷ đồng. Dự án bắt đầu triển khai vào 1-1-2019 và kết thúc trước dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Hà Nội cũng đã từng xén vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh để mở rộng lòng đường, giảm ùn tắc. |
Dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân có chiều dài 1,895km, điểm đầu tuyến tại nút giao Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi; điểm cuối tuyến tại nút giao Khuất Duy Tiến-Trần Duy Hưng. Trên cơ sở mặt bằng hiện trạng, xén dải phân cách giữa hiện trạng đảm bảo bề rộng phần xe chạy mỗi hướng chiều rộng từ 12-20m, cụ thể tùy vào từng vị trí cụ thể trên tuyến, xén đều mỗi bên từ 1-5m. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 10,1 tỷ đồng. Dự án bắt đầu triển khai thi công từ 1-1-2019, hoàn thành trước dịp Tết Nguyên đán tới đây.
Dự án xén dải phân cách mở rộng mặt đường Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Xiển, huyện thanh Trì, quận Thanh Xuân có tổng chiều dài hơn 3,16km; điểm đầu tuyến thuộc Cầu Dậu, điểm cuối tuyến thuộc nút giao Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi.
Trên cơ sở mặt đường hiện trạng, xén dải phân cách giữa để mở rộng lòng đường, đảm bảo sau khi xén bề rộng phần xe chạy mỗi hướng có chiều rộng khoảng 17m, chiều rộng dải phân cách là 18m. Theo đó, sẽ xén mỗi bên khoảng 5m. Tại điểm quay đầu xe, một số điểm đã được xén dải phân cách tạo làn 3m để làm làn chờ quay đầu, làn nhập dòng tiến hành xén bổ sung từ 1,5-2m. Tổng mức đầu tư của dự án này là hơn 27,2 tỷ đồng. Dự án sẽ bắt đầu triển khai thi công từ 1-1-2019 và hoàn thành trước Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019.
Dự án xén hè mở rộng mặt đường thứ 4 sẽ được thực hiện trên tuyến đường vành đai 2 đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở, tổng chiều dài là 4km; điểm đầu tuyến là Cầu Giấy; điểm cuối tuyến là Ngã Tư Sở. Trên cơ sở mặt đường hiện trạng, xén hè bên phải tuyến từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở để mở rộng mặt đường thêm trung bình 3,5m; xây mới mặt đường bê tông nhựa rộng 4m cho người đi bộ, đi xe đạp kết hợp với lan can đặt trực tiếp trên tường chắn bê tông cốt thép sát mép bờ sông.
Dự án này sẽ phải di chuyển 476 cây xanh các loại, trong đó dịch chuyển 371 cây, chặt hạ 105 cây (cây chặt hạ là những cây sâu, rỗng thân, nghiêng, cong queo phát triển không bình thường hoặc cây đã chết). Tổng mức đầu tư của dự án này là hơn 64,3 tỷ đồng. Dự án bắt đầu triển khai từ ngày 1-1-2019 và hoàn thành trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Liên quan đến lo ngại về việc thi công sẽ ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện, Sở GTVT Hà Nội cho biết, do đặc thù công trình vừa thi công vừa đảm bảo giao thông, phương án tổ chức thi công không làm thu hẹp mặt đường hiện nay. Các dự án đều phải đảm bảo 2 mũi thi công để đáp ứng đúng tiến độ đề ra. Mở rộng dải phân cách giữa, yêu cầu đơn vị thi công làm hàng rào sát mép đường thi công, nên mặt cắt đường không bị ảnh hưởng, yêu cầu chủ yếu triển khai thực hiện vào ban đêm, ban ngày chỉ được làm trong phạm vi hàng rào.
“Những nhà thầu nào không thực hiện đúng quy định này Sở sẽ xử lý để đảm bảo đúng tiến độ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là tránh gây tác động đến ùn tắc giao thông. Nếu xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng thì nhà thầu thi công phải có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng, đảm bảo giao thông”, Phó Giám đốc Sở GTVT khẳng định. Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát trên địa bàn các quận, xem có tuyến đường nào cần thiết phải xén hè, xén dải phân cách để mở rộng đường, giảm ùn tắc giao thông.