Hà Nội vẫn “loay hoay” chống ùn tắc giao thông

Thứ Sáu, 19/03/2021, 09:34
Giảm tốc độ lưu thông trên cầu Thanh Trì, cho phép xe tải lưu thông trở lại trên một số tuyến trước đây đã từng cấm 24/24h, tổ chức giao thông thí điểm tại một số khu vực trung tâm và vùng lân cận…

Đó là những giải pháp vừa được Sở Giao thông Vận tải (GTVT Hà Nội) đưa ra từ đầu tháng 3 đến nay nhằm kéo giảm ùn tắc và tai nạn. Song có ý kiến cho rằng, đơn vị tổ chức giao thông Hà Nội đang “quẩn quanh” với các giải pháp này, và hiệu quả dường như chưa được như mong đợi.

Giảm tốc độ để giảm ùn tắc – Không hợp lý

Cầu Thanh Trì hiện được tổ chức 3 làn xe mỗi chiều, trong đó có 1 làn rộng 5,2m dành cho xe ôtô con và xe môtô, xe gắn máy lưu thông với vận tốc đa 50km/h và 2 làn 3,75m/làn dành riêng cho ôtô lưu thông với vận tốc tối đa 80km/h. Tính đến nay, lưu lượng qua cầu đã lên đến hơn 123.000 xe/ngày đêm, vượt thiết kế ban đầu khoảng 8 lần (thiết kế ban đầu là 15.000 xe/ngày đêm), gây tiềm ẩn nhiều nguy mất an toàn và ùn tắc giao thông. Để giảm nhiệt cho cầu Thanh Trì, từ ngày 16/3, Sở GTVT Hà Nội đã áp dụng phương án giảm tốc độ khai thác 80km/h xuống 60km/h; về lâu dài sẽ tổ chức thực hiện thẩm tra ATGT đường bộ để đánh giá và có phương án tổ chức giao thông phù hợp với tình hình giao thông trên cầu Thanh Trì. 

Ùn ứ trên cầu Thanh Trì đã trở thành nỗi ám ảnh.

Điều đáng chú ý, ngay trong sáng ngày đầu tiên tiến hành điều chỉnh giảm tốc độ khai thác tối đa, cầu Thanh Trì và tuyến đường vành đai 3 vẫn trong tình trạng kẹt cứng các phương tiện giao thông "xếp hàng" chờ lên cầu, do các phương tiện buộc phải giảm tốc độ xuống còn 60km/h trước khi qua cầu. 

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Ths Vũ Anh Tuấn - Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (Trường Đại học GTVT) cho rằng, việc đưa ra một giải pháp phải có căn cứ khoa học và thực tiễn. Nếu giảm tốc độ để giảm ùn tắc giao thông thì không hợp lý vì vào giờ cao điểm, các phương tiện qua cầu không thể đi với tốc độ 80km/h, trong khi đó, việc tắc đường chủ yếu xảy ra vào giờ cao điểm, còn các khung giờ khác thì chỉ khi có TNGT mới xảy ra ùn tắc. Theo Ths Vũ Anh Tuấn, việc giảm tốc độ không liên quan đến việc giảm ùn tắc tại cầu Thanh Trì. 

Vấn đề lớn nhất hiện nay là do nhu cầu đã vượt quá khả năng thông hành và việc tổ chức giao thông chưa hợp lý nên không phát huy được hết năng lực tối đa. Do đó, phải có bài toán để kiểm soát tình hình giao thông. Trước mắt cần cải thiện việc tổ chức giao thông để nâng cao năng lực phục vụ của cầu Thanh Trì, giải quyết việc ôtô chuyển làn hai bên đầu cầu đã tạo xung đột gây ùn tắc. Do đó, phương án ngắn hạn cần tách cứng ôtô và xe máy, còn về dài hạn cần phải làm thêm làn đường cho cầu hiện hữu, hoặc phải xây dựng cầu mới để đáp ứng nhu cầu. Mặt khác, cần đẩy mạnh mạng lưới vận tải công cộng để giảm xe cá nhân, trong đó tập chung các tuyến buýt và đường sắt đô thị.

Xử lý “điểm đen”ra sao?

Đến đầu năm 2021, Hà Nội vẫn còn tới18 “điểm đen” giao thông hay xảy ra tai nạn, trong đó có 2 điểm thuộc thị xã Sơn Tây và huyện Thường Tín đã được Sở GTVT Hà Nội bàn giao cho các địa phương thực hiện nâng cấp, cải tạo; 5 điểm khác sẽ được thi công trong năm 2021. Còn lại 11 điểm đang nghiên cứu phương án xử lý phù hợp... Thống kê của liên ngành Giao thông, Công an cũng cho hay, Hà Nội hiện có khoảng 26 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, như: Điện Biên Phủ - Trần Phú, Nghiêm Xuyên Yêm – Nguyễn Hữu Thọ, La Thành – Giảng Võ, Trung Văn – Tố Hữu, Lê Văn Lương – Vành đai 3 – Tố Hữu, Láng Hạ - Lê Văn Lương...

Trong khi tình hình “ùn tắc” ở Hà Nội vẫn là bài toán nan giải thì mới đây,  trên cơ sở đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã đồng ý cho phép xe ôtô tải trên 10 tấn được hoạt động theo khung giờ cố định tại tuyến phố trung tâm có biển cấm xe tải 24/24h - những tuyến phố trước đây được cấm với lý do chống ùn và đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, Sở GTVT lại yêu cầu các đơn vị, tổ chức, cá nhân khảo sát lộ trình tuyến, hoàn thiện hồ sơ gửi về Sở GTVT để xem xét, chấp thuận được phép hoạt động trên tuyến phố này. 

Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội cho biết cũng đề xuất cho phép xe tải trên 10 tấn hoạt động theo giờ cố định tại các quận và huyện sau: Thanh Xuân, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông; các huyện Thanh Trì, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Điều này được xem như giải pháp “gỡ khó” cho doanh nghiệp, song có “gỡ khó” cho giao thông hay không thì lại phải chờ thực tế…

Nhắc đến vấn đề của giao thông Hà Nội, các chuyên gia giao thông cho rằng, thực tế hiện nay chúng ta chưa có giải pháp đồng bộ, khiến người dân không có lựa chọn nào ngoài sử dụng xe cá nhân và sẽ gây áp lực nên các công trình giao thông. Kinh nghiệm của thế giới là không chạy theo cơ sở hạ tầng vì sẽ không chạy theo kịp nhu cầu. Cụ thể, trong 10 năm qua, nhu cầu gia tăng phương tiện luôn gấp 10 lần năng lực của cơ sở hạ tầng. Giải pháp căn cơ nhất là tập trung nguồn lực để phát triển và hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị vì nhiều năm nay, chúng ta đang loay hoay mà chưa đáp ứng được nhu cầu.

Liên quan đến tình trạng nhiều phương tiện đi ngược chiều trên trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương, Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội CSGT số 7 cho biết, đơn vị này vừa đề xuất Phòng CSGT - Công an  TP Hà Nội kiến nghị Sở GTVT Hà Nội bịt lối mở tại ngã ba Tố Hữu - Vũ Hữu, mục đích ngăn phương tiện đi ngược chiều. Theo Trung tá Thắng, hầm chui Lê Văn Lương - Tố Hữu đang được thi công, lòng đường đoạn Lê Văn Lương, Tố Hữu bị thu hẹp. Điều này dẫn đến tình hình giao thông tại nút giao này phức tạp hơn, đặc biệt là trong các khung giờ cao điểm. 

"Qua kiểm tra, có nhiều người điều khiển môtô không đi đến lối mở trên đường Tố Hữu (ngay ngã 3 Tố Hữu - Vũ Hữu) nhưng thường xuyên đi ngược chiều, gây cản trở các phương tiện khác. Đơn vị đã tăng cường xử lý, tuy nhiên khi tổ công tác tập trung phân luồng, hướng dẫn giao thông, lập tức tình trạng này lại tái diễn", Trung tá Thắng nói.


Phạm Huyền
.
.
.