Hà Nội sẽ chỉ có cảng hàng không quốc tế duy nhất Nội Bài

Thứ Tư, 01/06/2016, 09:31
Theo Quy hoạch phát triển vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT xây dựng, Hà Nội sẽ chỉ có 1 cảng hàng không quốc tế duy nhất là Nội Bài.

Cùng với sự phát triển “nóng” của các hãng hàng không hiện nay là bài toán nan giải về hạ tầng. Cảng hàng không Tân Sơn Nhất hiện đã chạm mức quá tải, còn cảng hàng không Nội Bài cũng được dự báo với sức tăng trưởng “nóng” như hiện nay thì trong vòng 3 năm nữa, sẽ rơi vào tình trạng quá tải như Tân Sơn Nhất bây giờ. Thế nhưng, theo Quy hoạch phát triển vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT xây dựng, Hà Nội sẽ chỉ có 1 cảng hàng không quốc tế (CHKQT) duy nhất là Nội Bài.

Nâng công suất Nội Bài, chuyển Gia Lâm thành sân bay chuyên dùng

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo Quy hoạch phát triển vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Cục Hàng không Việt Nam xây dựng trình Bộ GTVT, là việc đầu tư mở rộng CHKQT Nội Bài đạt 50 triệu khách/năm giai đoạn đến 2030 và đạt công suất 80 – 100 triệu khách/năm giai đoạn đến năm 2050. 

Cùng đó, sân bay Gia Lâm hiện tại cũng sẽ được chuyển thành sân bay chuyên dùng và không quy hoạch có hoạt động bay dân dụng thường lệ tại CHK Gia Lâm trong giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Sẽ không có gì đáng nói nếu trước đây, rất nhiều người đã kỳ vọng Hà Nội sẽ có thêm một CHKQT nữa ngoài Nội Bài. Điều này thậm chí đã được đề cập trong Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Cụ thể, theo quy hoạch này, Thủ đô Hà Nội sẽ có tổng cộng 5 sân bay trong đó có 2 sân bay quốc tế. Hà Nội sẽ có 3 cảng hàng không dân dụng gồm CHKQT Nội Bài, CHK Gia Lâm (chỉ bay nội địa) và một sân bay quốc tế thứ hai sẽ được định hướng trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội. 

“Có lẽ cũng vì kỳ vọng đến việc xây dựng thêm sân bay quốc tế thứ 2 nên mới đây, TP Hà Nội đã bày tỏ quan điểm không nhất trí với Cục Hàng không Việt Nam về việc nâng công suất CHK quốc tế Nội Bài” – một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không nhận định. 

Được biết, trong góp ý mới đây cho dự thảo Quy hoạch phát triển GTVT hàng không, TP Hà Nội cho rằng “đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam về việc sẽ đầu tư mở rộng CHK Nội Bài đạt 50 triệu khách/năm giai đoạn đến 2030 và 80 – 100 triệu khách/năm giai đoạn đến năm 2050 là chưa phù hợp với Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội”.

Chỉ một Nội Bài là đủ

Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đúng là theo Quy hoạch GTVT Thủ đô được duyệt, Hà Nội sẽ có 2 cảng hàng không là Nội Bài và Gia Lâm, đồng thời nghiên cứu quy hoạch xây dựng CHK quốc tế thứ 2 khi Quy hoạch vùng Thủ đô. 

Tuy nhiên, vị này cũng cho biết thêm Cục Hàng không Việt Nam đã nghiên cứu và xác định việc phát triển Cảng hàng không Gia Lâm trong nội thành gặp rất nhiều hạn chế về tĩnh không, điều kiện khai thác, tiếng ồn và chi phí đầu tư, đồng thời chỉ có thể khai thác tàu bay nhỏ như ATR72. 

Mà trên thực tế kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không trong nước sẽ bỏ dần loại tàu bay nhỏ như ATR72, F70 trở xuống, vì vậy việc quy hoạch CHK Gia Lâm khai thác các loại tàu bay này là không khả thi.

Liên quan đến quy hoạch CHK quốc tế Nội Bài, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đã tính toán và dự báo lại tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, CHK quốc tế Nội Bài chỉ cần tăng trưởng trung bình 10%/năm đến 2020, 8% đến 2030 thì đã đạt công suất khoảng 60 triệu hành khách/năm. Vì vậy, việc quy hoạch CHK quốc tế Nội Bài chỉ đạt 35 triệu hành khách/năm theo Quy hoạch GTVT Thủ đô là không phù hợp. 

Đối với việc nghiên cứu xây dựng CHK quốc tế thứ 2 cho vùng Thủ đô, ông Thanh cho biết thực tế từ nhiều năm trước, Cục Hàng không Việt Nam đã nghiên cứu và khảo sát, định hướng việc xây dựng CHK quốc tế thứ 2 cho vùng Thủ đô tại 2 địa điểm là Miếu Môn – Hoà Lạc và Hải Dương. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy cả 2 phương án đều không khả thi. 

Trở lại với Nội Bài, ông Thanh cho rằng với quỹ đất còn lại hiện có của Nội Bài, sau khi di dời hoạt động quốc phòng tại khu vực phía Bắc Nội Bài, Cục Hàng không Việt Nam đã nghiên cứu và xác định phương án tối ưu là xây dựng hệ thống đường cất hạ cánh hoạt động độc lập tại Nội Bài, đảm bảo công suất khoảng 80 – 100 triệu hành khách/năm, đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn của Thủ đô. 

cùng, liên quan đến ý kiến cho rằng Cục Hàng không Việt Nam đề xuất điều chỉnh quy hoạch CHK quốc tế Nội Bài như đã nói trên là chưa phù hợp với Quy hoạch GTVT Thủ đô đã được phê duyệt trước đó, ông Thanh khẳng định: Theo Luật Xây dựng thì quy hoạch đô thị được xây dựng trên cơ sở quy hoạch ngành. Vì vậy, việc quy hoạch Thủ đô sẽ phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch ngành được duyệt. 

Trước đó, vào tháng 2-2016, Cục Hàng không Việt Nam từng có văn bản gửi tới Bộ GTVT trong đó đề cập tới kế hoạch, định hướng điều chỉnh quy hoạch CHKQT Nội Bài. Văn bản cũng nêu rõ, theo quy quy hoạch CHKQT Nội Bài được duyệt, giai đoạn đến năm 2030 sẽ xây dựng đường cất hạ cánh số 3 về phía Nam của Cảng cùng hệ thống nhà ga hành khách T3, T4 để nâng công suất đạt 50 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên qua nghiên cứu phương án này gặp nhiều khó khăn với tổng kinh phí đầu tư ước khoảng 75.987 tỷ đồng, ảnh hướng đến nhiều hộ dân… 

Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, đáp ứng nhu cầu về vận chuyển hàng không, Bộ GTVT đã cho phép Cục Hàng không Việt Nam điều chỉnh quy hoạch CHKQT Nội Bài theo định hướng nghiên cứu xây dựng đường cất hạ cánh số 3 về phía Bắc của cảng, phần diện tích giải phóng mặt bằng chủ yếu là đất quân sự và đất nông nghiệp. Ước tính chi phí đầu tư chỉ bằng ½ so với phương án quy hoạch được duyệt là 38.802 tỷ đồng. 

Trong văn bản này, Cục Hàng không Việt Nam cũng đặt ra tiến độ lập và trình Bộ GTVT phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch (đề cương dự toán) là trong quý I/2016; tổ chức lựa chọn nhà thầu (đấu thầu quốc tế) trong quý III/2016; khảo sát, đo đạc, lập hồ sơ quy hoạch là 15 tháng, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2016 để trình Bộ GTVT; thẩm định, lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan và UBND TP Hà Nội trong quý I/2017; phê duyệt Hồ sơ quy hoạch quý I-II/2017.

Phạm Huyền
.
.
.