Giải pháp nào hạn chế xe khách liên tiếp gây tai nạn nghiêm trọng?

Thứ Hai, 12/11/2018, 09:24
Trong thời gian gần đây, thực trạng tai nạn xe khách đang diễn biến nghiêm trọng. Hàng loạt vụ tai nạn kinh hoàng gây chết nhiều người liên tiếp xảy ra, trong khi đó, chế tài xử phạt đối với vi phạm của xe khách chưa đủ sức răn đe. 

Quản lý xe khách cũng còn nhiều “lỗ hổng”dẫn đến tình trạng tranh giành khách và mất an toàn giao thông. Đó là những nội dung được đưa ra tại buổi tọa đàm “Giải pháp giảm tai nạn xe khách”, do Báo Lao động tổ chức ngày 6-11.

Theo ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trong 9 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông(TNGT) đặc biệt nghiêm trọng, làm 137 người chết, 115 người bị thương. 

Đặc biệt, trong quý 3 đã xảy ra 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ôtô chở khách tại Kon Tum, Cao Bằng, Quảng Nam và Lai Châu, làm 34 người chết, 37 người bị thương. 

Theo ông Thái, nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT là người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; vi phạm tốc độ xe chạy; do chuyển hướng không chú ý; vi phạm quy trình thao tác lái xe; sử dụng rượu bia… Trong số 4 vụ TNGT nghiêm trọng kể trên đều có nguyên nhân do sự chủ quan của người lái xe.

Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân từ công tác quản lý, 3 trong số 4 vụ TNGT nêu trên (trừ vụ TNGT ở Lai Châu) các xe chở khách gây tai nạn đều vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải (xe BKS 34B 002.69 của nhà xe Đức Chính gây TNGT tại đèo Lò Xo 3 ngày không gửi dữ liệu giám sát hành trình về Tổng cục Đường bộ Việt Nam; xe BKS 75B - 000.52 gây TNGT ở Quảng Nam khi không có giấy phép kinh doanh vận tải, chưa sang tên đổi chủ; xe BKS 17K-8496 TNGT ở Cao Bằng không tìm thấy thiết bị giám sát hành trình nhưng cơ quan quản lý về vận tải cũng như lực lượng tuần tra, kiểm soát đều không phát hiện, xử lý kịp thời để xảy ra TNGT). 

Trong quý 3 đã xảy ra 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách.

Ông Thái cũng nhận định, một nguyên nhân khác phải kể đến là hầu hết hành khách đi trên 4 xe ôtô chở khách gặp TNGT trong các vụ nêu trên đều không thắt dây an toàn, dẫn đến số lượng thương vong lớn.

Còn theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng CSGT Hà Nội, lái xe là yếu tố quan trọng trong quá trình tham gia giao thông. Ở những tuyến đường dài, lái xe phải chạy xe trong một khoảng thời gian dài nên khá mệt mỏi, nhưng vì lợi nhuận, nhiều công ty không quan tâm, hoặc phớt lờ yếu tố an toàn dẫn đến những hệ lụy không đáng có. 

Thứ hai, quá trình cấp giấy phép lái xe, có người tìm hiểu rất kỹ, chấp hành nghiêm túc, nhưng có những người chỉ cần 1 tấm bằng, cầm vô lăng rồi lái... Thứ ba, liên quan đến bộ phận tổ chức giao thông. Lái xe không quen đường dẫn đến xử lý đoạn nguy hiểm không tốt, dễ xảy ra nguy cơ cao.

Để hạn chế và giảm TNGT đối với hoạt động xe khách, ông Nguyễn Trọng Thái cho rằng: Cần quản lý xe khách liên tỉnh theo mô hình quản lý xe buýt. Hoạt động vận tải tuyến cố định cần phải được Sở GTVT hai đầu điểm đi và điểm đến, Tổng cục Đường bộ quản lý chặt chẽ không những về bến, thời gian xuất bến, lộ trình mà còn về thứ tự xe chạy, vị trí đón trả khách, thời gian biểu chạy xe tại các vị trí đón trả khách dọc đường. 

Hiện nay mới chỉ quản lý xe ở hai đầu bến, bởi vậy phương tiện tùy ý phóng nhanh tranh giành khách, hành khách không đón xe tại những điểm cố định..., dẫn tới chất lượng dịch vụ kém, mất an toàn giao thông”.

Ngoài ra, theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, để giải quyết vấn đề, nếu riêng lực lượng CSGT, dù có cố gắng đến mấy, nhưng các ban ngành không cùng vào cuộc thì cũng chưa đi vào thực chất,đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật... 

Trung tá Hùng kiến nghị Bộ GTVT, các đơn vị có chức năng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cần thực hiện nghiêm việc đào tạo về giờ giấc, bằng cho đội ngũ lái xe. Lồng ghép các nội dung liên quan đến giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với lái xe.

“Đặc biệt, trong trường hợp xe khách gây ra những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng thì cần có chế tài xử lý nghiêm, để các doanh nghiệp không dám đánh đổi, vì lợi nhuận trước mắt mà để lại hậu quả lâu dài cho xã hội”, Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.                    

Nhiều cách làm hay kéo giảm tai nạn trên những khúc cua “tử thần”

Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra 73 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm 59 người chết, 56 người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái giảm 8 vụ. Có được có kết quả trên là nhờ việc triển khai đồng bộ các giải pháp của lực lượng CSGT Hòa Bình.

Sáng 29-10, chúng tôi cùng Thiếu tá Phạm Hữu Toản, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, xử lý tai nạn, Phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình khảo sát thực tế các điểm có nguy cơ cao về TNGT trên QL6. Dừng chân tại Km 131 – QL6 thuộc địa phận xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu (Hòa Bình), Thiếu tá Phạm Hữu Toản chia sẻ, trước đây, tại cung đường này, thường xuyên xảy ra TNGT, thời gian qua với việc đưa hộ lan lốp vào sử dụng, số vụ va chạm, TNGT đã giảm đi đáng kể. 

Qua quan sát, chúng tôi thấy đây là cung đường tiềm ẩn nguy cơ cao xảy raTNGT vì đường xá quanh co, với độ dốc lớn, liên tục nhiều khúc cua gấp; độ nghiêng của đường cao, một bên là vách núi, bên kia là vực sâu, không có đường lánh nạn nên chỉ một chút bất cẩn, TNGT rất dễ xảy ra.

Theo đại diện Phòng CSGT – Công an tỉnh Hòa Bình, hộ lan lốp có sự ma sát cao, giúp tài xế xe to giảm được tốc độ, xử lý được tình huống, trong khi đó gần như có tác dụng tức thời với những dòng xe con, bốn chỗ, cảnh báo cho tài xế, hạn chế tốc độ, không được chủ quan khi qua đây. Các lốp cũ, bỏ đi sẽ được tận dụng với chi phí rẻ để làm hoặc chúng ta có thể vận động doanh nghiệp tài trợ, xã hội hóa từ nhân dân. 

Bà Bàn Thị Vân, chủ của hàng ăn uống tại Km 127+500, tại xóm suối Nhúng (Tòng Đậu), nơi thường xuyên là điểm dừng nghỉ chân của khách du lịch cho biết trước kia, mỗi năm cửa hàng ăn nhà bà phải sửa 6-7 lần vì TNGT. 

Chỉ tay lên khúc cua quanh co trước mặt, bà Vân chưa hết hoảng hồn: “Hơn một tuần trước, có một bác chở lợn, do mất lái, xe mất thắng, không điều khiển được xe theo ý muốn, vừa phải hô lớn, tay đập cửa liên tục vào cửa để cảnh báo mất ATGT. Tại thời điểm đó, nhà bà đang có một nhóm khách du lich Nhật Bản dừng chân nghỉ ngơi, nhưng may mắn có hộ lan lốp, nên đã không xảy ra tai nạn”. 

Cũng theo bà Vân, 2 năm trở lại đây, từ khi lắp đặt hộ lan lốp, ở khu vực này, TNGT đã giảm thiểu đáng kể. Gia đình bà yên tâm kinh doanh hơn.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Trạm trưởng Trạm CSGT Tân Lạc - Phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, các vụ TNGT xảy ra tại các khúc cua “tử thần” thời gian qua cho thấy, nguyên nhân gây ra TNGT chủ yếu là do kỹ năng của người lái xe. Trước thực trạng trên, đơn vị đã kiến nghị Sở GTVT tỉnh lắp thêm biển cảnh báo nguy hiểm, hộ lan lốp... 

Bên cạnh việc lắp đặt hộ lan lốp, trong quá trình tuần tra lưu động, CSGT còn kiểm tra toàn diện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT trong đó có các lỗi về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.      

Minh Hải

Chi Linh
.
.
.