Giải pháp nào để ngăn ngừa tai nạn giao thông nghiêm trọng?
- Nhận diện nguy cơ sớm, kỹ năng ngăn ngừa tai nạn giao thông
- Nỗ lực giảm tai nạn giao thông, xử lý nghiêm các vi phạm về ma tuý, nồng độ cồn
- Phòng ngừa tai nạn giao thông đường thủy trong mùa mưa bão
Trong khi cả nước chưa kịp mừng về những diễn biến tích cực trong kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) 6 tháng đầu năm, thì đến giữa tháng bảy, 3 vụ tai nạn nghiêm trọng với số người chết tăng cao đã lần lượt xảy ra ở Quảng Ninh, Kon Tum, Bình Thuận. Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến các sự việc trên?
Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc như thế nào để những chuyến xe trở nên an toàn, bình yên hơn? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với TS Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về các vấn đề trên.
PV: Thưa ông, chỉ trong vòng nửa đầu tháng 7, 3 vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra. Với vai trò là Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, nơi nào có tai nạn nghiêm trọng là thấy ông xuất hiện để cùng địa phương tham gia giải quyết. Trở về từ các chuyến công tác này, ông có cảm giác như thế nào?
TS Khuất Việt Hùng: Đó là những chuyến đi tôi không bao giờ mong chờ và chỉ mong đừng bao giờ phải đến. Có đến hiện trường các vụ tai nạn, có vào viện thăm hỏi các nạn nhân, có chứng kiến cảnh gia đình, người thân của người tử vong vì tai nạn vật vã, đau đớn, lòng tôi nặng trĩu. Đau xót lắm. Sau mỗi chuyến đi, tôi luôn tự hỏi mình, chúng ta đã cố gắng hết sức trong công tác tuyên truyền đảm bảo ATGT chưa? Tại sao nhiều giải pháp thế mà tai nạn vẫn xảy ra…
TS Khuất Việt Hùng. |
PV: Nhìn chung, nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng phần lớn vẫn xoay quanh các lỗi như ý thức chủ quan của lái xe, vượt đường sai quy định, đi quá tốc độ. Nhưng gần đây có vụ tai nạn ở Quảng Ninh là do cả lỗi khách quan. Đó là lỗi của đơn vị thi công đường. Trong những vụ thế này, phải chăng, Ban ATGT các địa phương đã lơ là trách nhiệm?
TS Khuất Việt Hùng: Theo quan sát trực tiếp tại hiện trường vụ TNGT và trao đổi với Văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh cho thấy, đoạn đường xảy ra TNGT là đoạn đường vừa thi công vừa khai thác, mặt đường mới, đẹp, là đường cong chạy sát bờ biển.
Quan sát hiện trường cũng cho thấy đoạn tuyến xảy ra tai nạn không có biển cảnh báo công trường, hướng dẫn giao thông, vị trí xảy ra tai nạn không có cọc tiêu, báo hiệu chỉ giới mặt đường; khiến cho người điều khiển phương tiện trong đêm tối khó nhận biết rõ ràng, khó phân biệt giữa mặt đường và môi trường xung quanh (mặt biển).
Để xảy ra tình trạng này trách nhiệm trực tiếp thuộc về đơn vị thi công, tư vấn giám sát, bên cạnh đó cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh, thành phố Hạ Long, lực lượng thanh tra giao thông cũng chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện để đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu trong thực hiện đảm bảo ATGT trên tuyến.
Vì vậy, Ủy ban ATGTQG kiến nghị Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình xem xét chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác minh, kết luận về nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT.
Đặc biệt cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị thi công, tư vấn giám sát đối với việc xây dựng và thực hiện phương án bảo đảm ATGT trong điều kiện vừa thi công, vừa khai thác; việc không tổ chức cảnh giới, cảnh báo, rào chắn phần phía giáp biển; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cùng đó, xem xét trách nhiệm liên quan đối với chủ đầu tư của dự án, các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long trong việc chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện và yêu cầu đơn vị thi công thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo đảm TTATGT tại dự án.
Chủ đầu tư và đơn vị thi công trên tuyến này khẩn trương hoàn thiện và tổ chứcthực hiện phương án đảm bảo TTATGT hiệu quả, tổ chức hướng dẫn, cảnh báo ATGT, tái lập rào chắn phần mép đường phía giáp biển và có dán tín hiệu phản quang để giúp lái xe dễ nhận biết vào ban đêm, phòng ngừa tai nạn.
Hiện trường vụ xe tải lật đè chết 5 người và 2 người bị thương trên Quốc lộ 5 hôm 23-7. |
PV: Vụ tai nạn ở Kom Tum, báo cáo của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh có nêu, hành khách trên xe cho biết lái xe điều khiển xe chạy rất nhanh, hành khách đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng lái xe không giảm tốc độ. Trong khi hầu hết các phương tiện đều đã được lắp thiết bị giám sát hành trình, vậy tại sao những lỗi này lại không được phát hiện kịp thời và cảnh báo sớm từ cơ quan quản lý? Phải chăng tác dụng của thiết bị chưa cao?
TS Khuất Việt Hùng: Theo quy định, mỗi doanh nghiệp vận tải phải có tổ giám sát an toàn, gồm 3 người. Tổ này sẽ thay nhau kiểm soát tốc độ cũng như vấn đề xe chạy trên đường, để kịp thời cảnh báo nguy cơ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ, lẻ đã buông lỏng, thờ ơ với quy định này. Thậm chí nhiều lái xe còn cố tình tắt thiết bị giám sát để “né” lực lượng chức năng.
Khi nhìn lại các vụ tai nạn giao thông còn cho thấy, ngoài lỗi của lái xe còn có trách nhiệm của chủ xe, cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra hoạt động của thiết bị giám sát hành trình. Nếu doanh nghiệp bố trí người theo dõi thiết bị này với từng chuyến xe lưu thông thì khi tài xế cố tình tắt thiết bị giám sát hành trình, người kiểm soát sẽ lập tức gọi điện thoại để nhắc nhở và người lái xe sẽ không có hành vi vi phạm như đi sai hành trình hoặc chạy quá tốc độ quy định thì những vụ tai nạn đáng tiếc có thể đã không xảy ra.
Tôi cũng khẳng định rằng, từ khi triển khai kiểm soát phương tiện bằng thiết bị giám sát hành trình thì các doanh nghiệp vận tải và chủ phương tiện đã có ý thức hơn, và việc xử lý vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình đã mang lại hiệu quả nhất định.
PV: Mới đây nhất, khu vực xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng ở Bình Thuận được cho là “điểm đen” giao thông. Vậy vì sao biết trước là “điểm đen” tai nạn mà cơ quan chức năng không tập trung khắc phục?
TS Khuất Việt Hùng: Trong vụ này, theo lãnh đạo Sở GTVT Bình Thuận thì tại khu vực này còn khoảng 47km chưa có dải phân cách cứng, và là nguyên nhân dẫn đến tai nạn “đối đầu”, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nhưng sau khi thực tế hiện trường, tôi cho rằng địa điểm xảy ra tai nạn là đường bằng phẳng, hạ tầng giao thông khá tốt, như vậy tai nạn là do ý thức tham gia giao thông. Tôi đã đề nghị Công an Bình Thuận tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý các lỗi như lấn đường, quá tốc độ, vượt sai quy định để phòng ngừa, ngăn chặn; sớm điều tra có kết quả ai là người cầm lái chiếc xe khách lúc tai nạn, vì đây là cơ sở để xử lý hình sự vụ tai nạn.
Số liệu phân tích trên 4.503 vụ TNGT cho thấy, có 21,59% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 11,15% do chuyển hướng không chú ý; 7,26% do vi phạm tốc độ xe chạy; 5% do vượt xe sai quy định; 3% do người đi bộ sang đường sai quy định; 2,71% do sử dụng rượu bia; 0,16% do người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy, chất gây nghiện; 0,36% do người điều khiển phương tiện dừng đỗ sai quy định; 0,36% do phương tiện không đảm bảo ATKT; 0,02% do công trình giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn; còn lại 48% là các nguyên nhân khác. Theo điều tra trên, tai nạn thương tâm vừa xảy tại Bình Thuận làm 8 người chết là do nguyên nhân phổ biến nhất.
PV: Đặc điểm chung của những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng gần đây là xảy ra vào ban đêm, hoặc tờ mờ sáng. Liệu thời gian này có phải do lực lượng chức năng vắng mặt, đường thoáng nên dẫn đến tài xế có tâm lý chủ quan, vô tư nhấn “mát” chân ga?
TS Khuất Việt Hùng: Quy tắc tham gia giao thông là đi đúng luật. Nên dù bất cứ trong thời điểm nào, trên cung đường nào, dù có hay không có lực lượng chức năng, thì người điều khiển phương tiên vẫn phải tuân thủ đúng quy tắc an toàn như đi đúng phần đường, làn đường; không phóng nhanh vượt ẩu…
Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong khoảng thời gian từ 11h đêm tới 6h sáng. Với khung giờ này có mấy đặc điểm: Về nhịp sinh học của con người đây là thời gian nghỉ ngơi, bởi vậy người lái thường mệt mỏi và buồn ngủ. Đường vắng nên tạo tâm lý chạy quá tốc độ vượt ẩu. Chiếu sáng kém nên nhận diện tình huống và phản ứng đều kém và chậm. Cũng ở khung giờ này công tác kiểm soát xử phạt rất ít nên tạo tâm lý chủ quan, nghĩ rằng kể cả vi phạm cũng không bị xử lý. Tất cả các nguyên nhân này đều trực tiếp dẫn tới TNGT nghiêm trọng.
Theo tôi cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa các quy định khi vận chuyển trong thời gian ban đêm. Trong đó có quy định rõ lái xe phải được nghỉ ngơi đầy đủ và có người chịu trách nhiệm giám sát về việc này, xây dựng quy định nghiêm cấm gây sức ép về thời gian với lái xe, lái xe cần được cung cấp đầy đủ phân tích về các rủi ro trên lộ trình, thời gian buộc phải chuyển lái không quá 2h, tốc độ ban đêm cần chậm hơn tốc độ giới hạn. Tiếp tục lắp đặt camera phạt nguội dày đặc trên các quốc lộ. Đưa thêm các kiến thức kỹ năng lái xe ban đêm vào trong đào tạo sát hạch lái xe, đặc biệt với lái xe kinh doanh vận tải. Ngoài ra ít nhất tim đường phải có được đinh phản quang để hỗ trợ người lái xe ban đêm…
PV: Trong khi cơ quan chức năng đang tìm cách xử nghiêm các vi phạm giao thông, thì mới đây trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lại bỏ quy định “chặn” ôtô vi phạm. Liệu quy định mới này có khiến tài xế thêm phần chủ quan và ngăn được gia tăng tai nạn giao thông không, thưa ông?
TS Khuất Việt Hùng: Theo tôi việc bỏ “chặn” đăng kiểm với xe đang có phạt nguội là hoàn toàn phù hợp. Hiện nay, quy định về đăng kiểm với xe đang “dính” phạt nguội đã rõ ràng. Cụ thể, Nghị định 100/2019 quy định trường hợp quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm được ghi trong biên bản vi phạm hành chính hoặc văn bản thông báo của người có thẩm quyền xử phạt mà chủ phương tiện (ôtô, rơ-moóc, sơ-mi rơ-moóc, xe máy chuyên dùng) vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết thì người có thẩm quyền xử phạt gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định.
PV: Từ nay đến cuối năm dự báo lượng phương tiện sẽ gia tăng trên các cung đường. Cơ quan chức năng sẽ có giải pháp mạnh nào ngăn tai nạn gia tăng?
TS Khuất Việt Hùng: So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ TNGT 6 tháng đầu năm nay giảm 1.595 vụ (hơn 19%), số người chết giảm 568 người (gần 15%), số người bị thương giảm 1.419 người (22,3%). TNGT tuy giảm sâu, nhưng thiệt hại vẫn còn cao do các vụ tai nạn xe tải nặng, ôtô đầu kéo, xe chở container tăng đột biến so với cùng kỳ.
Để TNGT liên tiếp xảy ra một phần nguyên nhân là do cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Để kéo giảm TNGT trong thời gian tới, Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị Bộ GTVT tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng, chi phí và đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trên công trường các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm của ngành GTVT.
Đồng thời, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giao thông vận tải theo kế hoạch và đột xuất. Tập trung xử lý các trường hợp vi phạm quá tốc độ, vi phạm thời gian lái xe liên tục và không truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Rà soát toàn bộ việc cấp phép và hoạt động của các phương tiện liên vận nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn; có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra Bộ GTVT cần phối hợp với Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ lái xe về tác hại của ma túy; kiểm tra sàng lọc sử dụng chất ma túy thường kỳ và ngẫu nhiên đối với lái xe.
Thông qua các mặt công tác nghiệp vụ phối hợp với các cơ quan của ngành GTVT rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông vận tải để kiến nghị xây dựng phương án tổ chức lại giao thông theo từng tuyến, nhất là các tuyến giao thông phức tạp, kịp thời khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, giải quyết các “điểm đen”, các tuyến giao thông phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT.
PV: Xin cảm ơn ông!