Dừng bay cũng phải đảm bảo an toàn hàng không
- Thủ tướng yêu cầu bảo đảm tuyệt đối an toàn hàng không
- Chủ động phòng ngừa không để xảy ra mất an ninh, an toàn hàng không
Theo chân đoàn kiểm tra đi nhiều vòng quanh khu vực đậu đỗ, bảo trì bảo dưỡng máy bay trong khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, phóng viên nhận thấy ngày thường nơi đây vốn rộng là thế mà nay máy bay đỗ gần như kín.
Phó Cục trưởng Võ Huy Cường kiểm tra công tác bảo trì, bảo dưỡng máy bay dừng hoạt động |
Những “con chim sắt” xanh, đỏ, trắng trước kia vốn oai phong là thế nay bất động, hôm phơi mình dưới nắng 40-50 độC, hôm thì đội mưa rào…
Ông Tạ Minh Trọng, Phó phòng Tiêu chuẩn an toàn bay (Cục hàng không Việt Nam) thông tin, tính đến ngày 21-8, tổng số máy bay đang bảo quản, bảo dưỡng dừng bay là 83 máy bay (trong đó có 76 máy bay A320F, 4 máy bay 787, 3 máy bay A350) và chia thành các dạng bảo quản dưới 1 tháng, bảo quản đến 6 tháng và bảo quản trên 6 tháng đến 1 năm tuỳ thuộc vào loại máy bay và động cơ lắp trên máy bay.
Báo cáo trực tiếp Phó Cục trưởng, đại diện hãng hàng không cho hay,Vietnam Airlines có 22/111 máy bay dừng bay, Jetstar Pacific là 4/15 máy bay dừng, VietJet nhiều nhất là 42/75 máy bay và Bamboo Airways cũng có con số không kém là 15/22 máy bay dừng hoạt động. Các máy bay tạm dừng khai thác đang trong quá trình bảo quản, bảo dưỡng dừng bay đều được bảo vệ các đầu cảm biến động, tĩnh áp, cảm biến nhiệt độ, cảm biến góc tấn và bọc bảo vệ động cơ theo đúng quy trình, tài liệu hướng dẫn của nhà chế tạo máy bay và nhà chế tại động cơ ban hành.
Do số lượng máy bay phải bảo quản, bảo dưỡng dừng bay rất lớn nên Nhà chế tạo máy bay và Nhà chế tạo động cơ đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật và quy trình bảo dưỡng đương đương, cho phép các nhà khai thác máy bay sử dụng dụng cụ và vật liệu tương đương (tấm nhựa nulon-plastic, hoá chất hút ẩm và băng keo chuyên dụng) để bao bọc và bảo quản động cơ trong trường hợp Nhà khai thác không đủ dụng cụ, bảo vệ động cơ như yêu cầu trong tài liệu bảo dưỡng máy bay.
Đối với máy bay đang trong kế hoạch khai thác, không thuộc dạng bảo dưỡng dừng bay nhưng thời gian dừng tàu trên 8h, phòng tiêu chuẩn an toàn bay cũng yêu cầu được được bọc bảo vệ các đầu cảm biến động, tĩnh áp, cảm biến nhiệt độ, cảm biến góc tấn theo đúng chương trình bảo dưỡng máy bay đã được Cục hàng không phê chuẩn. Các máy bay đang được khai thác nhưng thời gian dừng từ 4 ngày trở lên cũng yêu cầu phải bọc bảo quản động cơ.
Ngoài vấn đề bảo dưỡng, bảo quản tàu bay đang tạm dừng khai thác, ông Võ Huy Cường cũng trực tiếp kiểm tra việc bố trí nhân viên kiểm soát an ninh tại mỗi khu vực, kiểm soát việc ra vào của các lực lượng...
Phó Cục trưởng Võ Huy Cường cho rằng, ô tô có thể đóng cửa cả tháng để gara mà không sao, nhưng máy bay ngược lại, càng dừng bay càng phải bảo trì, bảo dưỡng hàng ngày, để luôn trong trạng thái sẵn sàng đưa vào hoạt động an toàn khi có lệnh.
“Tôi biết rằng thời điểm này là giai đoạn hết sức khó khăn của các hãng hàng không, giờ lại thêm các chi phí bảo trì bảo dưỡng cho hàng loạt máy bay nằm chờ. Nhưng không vì thế mà chúng ta “lơ là” vấn đề an ninh, an toàn của máy bay”, ông Cường nhấn mạnh và lưu ý hai vấn đề chính. Thứ nhất, các hãng đã thực hiện tốt việc đảm bảo an ninh an toàn trong hệ thống máy bay tạm dừng khai thác tuy nhiên, cảng và các hãng nên có kế hoạch giám sát chặt về nhân sự khu ra vào, đảm bảo những người có trách nhiệm, người đúng nhiệm vụ.
Liên quan đến các trường hợp khẩn nguy cần biết được bao nhiêu người, ở đâu, khu vực nào, để dễ kiểm đếm. Điều này vừa đảm bảo nguồn lực vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19, nếu không may ai đó bị mắc, thì chúng ta có thể khoanh vùng nhanh. Thứ hai, mùa mưa bão sắp đến, với lượng lớn máy bay đậu đỗ nếu không có giải pháp phòng chống cháy nổ và gió giật thì khi sự cố xảy ra sẽ khó có phản ứng nhanh được.
Kết luận buổi kiểm tra, Phó Cục trưởng Võ Huy Cường đánh giá cao và khuyến khích các hãng chia sẻ kinh nghiệm bảo dưỡng, bảo trì máy bay với nhau. Còn về các khuyến nghị, phòng tiêu chuẩn bay phối hợp với cảng nghiên cứu các giải pháp đối phó trong trường hợp mưa bão lớn, trong việc đảm bảo an toàn cho các tàu bay đang dừng đỗ, cũng như đảm bảo cho việc cất cánh. Cục cần phối hợp với cảng vụ để nắm bắt các tình hình cụ thể, để tìm ra giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn thời tiết, hay thực trạng đỗ dừng.
Về phía Cảng Nội Bài, Phó Cục trưởng yêu cầu tăng cường thêm giải pháp đảm bảo an ninh an toàn hàng không, nhất là trong phòng chống dịch. Làm sao để đảm bảo niềm tin cho hành khách đi lại bằng đường hàng không. Đồng thời góp phần khẳng định Việt Nam luôn là điểm đến an toàn. Trong bất cứ tình huống nào vẫn luôn đảm bảo an ninh an toàn hàng không.