Chuyện không tưởng: Đi 750m, trả phí toàn tuyến 34km (!)

Thứ Hai, 28/08/2017, 08:59
Trạm thu phí T2 nằm trên QL91, qua phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) giáp với TP Long Xuyên (An Giang) bị người dân phản đối vì vị trí đặt trạm. 

Doanh nghiệp (DN) và người dân sử dụng ôtô tại An Giang và Kiên Giang chỉ lưu thông đoạn đường ngắn khoảng 750m trên QL91 (đoạn tuyến trùng giữa QL80 và QL91) nhưng phải mua vé trả phí cho toàn tuyến với mức thấp nhất 35.000 đồng và cao nhất là 200.000 đồng. Ngành chức năng An Giang và Kiên Giang nhiều lần kiến nghị thay đổi vị trí đặt trạm nhưng đến nay chưa có kết quả.

Nghịch lý đi đường ngắn, đóng phí toàn tuyến

Năm 2014, Liên doanh nhà thầu, gồm: Công ty CP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO và Tổng Công ty Phát triển KCN (Sonadezi) được Bộ KH&ĐT cấp giấy chứng nhận Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 đoạn Km14+00 – Km50+889, với tổng chiều dài hơn 28km, theo hình thức BOT. 

Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư QL91 Cần Thơ – An Giang (BOT 91). Tổng vốn đầu tư dự án là 1.578 tỷ đồng. Trạm thu phí được đặt tại Km14+770, trên QL91. Thời gian thu phí hoàn vốn là 16 năm 6 tháng.

Một năm sau, Bộ KH&ĐT tiếp tục cấp giấy chứng nhận điều chỉnh cho nhà đầu tư và có thêm cụm từ “Mở rộng và tăng cường nền, mặt đường QL91B, đoạn từ Km0+000 đến Km15+793”, điểm đầu giao nhau với đường Nguyễn Văn Linh (quận Ninh Kiều) và điểm cuối giao nhau với QL91 (quận Ô Môn) và hoàn thành trước ngày 30-6-2016. 

Các phương tiện từ Kiên Giang chỉ sử dụng chưa đến 1km đoạn tuyến trùng giữa QL80 và QL91 vẫn phải mua vé. 

Sau khi hoàn thành, dự kiến cho xây 2 trạm thu phí tại Km16+905 và Km50+050 cùng nằm trên QL91. Tổng vốn dự án được tạm tính 2.024 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu chỉ 13,7 % (277 tỷ đồng), còn lại là vốn vay. Thời gian thu phí là 17 năm 9 tháng 9 ngày. 

Trên cơ sở đó, BOT 91 xây dựng 2 trạm thu phí đặt trên QL91 là Trạm thu phí T1 (quận Ô Môn) và Trạm thu phí T2 (quận Thốt Nốt), khoảng cách 2 trạm cách nhau khoảng 34km. Trạm thu phí T2 nằm cách điểm cuối của hạng mục “Mở rộng và tăng cường nền, mặt QL91B” về phía An Giang, gần 40km và cách điểm đầu hơn 55km.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) An Giang, quá trình thẩm định dự án ban đầu, Bộ GTVT có mời Sở GTVT An Giang dự họp. Tại cuộc họp này, Bộ GTVT thống nhất chỉ đặt trạm thu phí duy nhất tại Km14+770, chứ không có Trạm thu phí T2 như hiện nay. Vì vậy, việc Trạm thu phí T2 đi vào hoạt động bị DN và người dân phản ứng gay gắt. Phương tiện lưu thông trên QL80 qua đoạn QL91 khoảng 750m (đây là đoạn tuyến trùng giữa QL80 và QL91), nhưng phải đóng phí trên toàn tuyến là rất bất hợp lý. Một chủ DN có 10 xe tải hoạt động vận chuyển hàng hoá tại Long Xuyên bức xúc vì mỗi tháng DN phải mất thêm 30 triệu đồng tiền phí cho đoạn đường chỉ vài kilômét để vận chuyển hàng hoá đi Kiên Giang. 

“Chi phí vận chuyển đội lên cao, DN rất vất vả và phải bù lỗ”, chủ DN này nói. Không chỉ DN, người dân sống lân cận vị trí đặt trạm cũng phản đối. Bởi họ chỉ di chuyển tuyến đường ngắn để thăm thân hoặc công việc cá nhân nhưng cũng phải hai lượt qua Trạm thu phí T2 (đi và về), mất 70.000 đồng tiền vé.

Chưa biết khi nào di dời trạm

Lãnh đạo BOT 91 cho rằng, dự án gồm 2 giai đoạn, nâng cấp mở rộng QL91 và QL91B. Việc đặt Trạm thu phí T1 và T2 được các cơ quan có thẩm quyền đồng ý và phê duyệt cho phép, với mức thu thấp nhất là 35.000 đồng và cao nhất là 200.000 đồng/lượt. Phương tiện mua vé 1 trạm và được lưu thông qua 2 trạm. 

“Khi đặt trạm, chủ đầu tư không tham vấn ý kiến của An Giang vì cho rằng dự án và vị trí đặt trạm nằm trên địa bàn TP Cần Thơ”, ông Ngô Công Thức,  Giám đốc Sở GTVT An Giang kiến nghị: Việc di dời Trạm T2 là cần thiết và đảm bảo lợi ích cho người dân. 

Tương tự, Sở GTVT Kiên Giang cũng kiến nghị với Bộ xem xét vị trí đặt trạm, bởi chủ đầu tư cũng không tham vấn ý kiến của Kiên Giang về vị trí đặt trạm với lý do nằm trên địa bàn TP Cần Thơ.

Bộ GTVT đã làm việc với các địa phương về vị trí đặt Trạm thu phí T2. Từ khi trạm thu phí hoạt động, Hiệp hội Vận tải An Giang rất nhiều lần phản ánh về việc vị trí đặt trạm không hợp lý và người dân phải trả phí toàn tuyến cho đoạn đường chưa đến 1km từ An Giang, qua Trạm thu phí T2 đến ngã ba lộ tẻ theo QL80 đi Kiên Giang. 

Ghi nhận thực tế, Trạm thu phí T2, nằm trên QL91 chỉ cách ngã ba lộ tẻ chưa đến 100m về phía An Giang. Các phương tiện lưu thông từ Cần Thơ đi An Giang, QL80 từ Kiên Giang đi An Giang, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh và ngược lại buộc phải mua vé qua Trạm thu phí T2. 

Giám đốc Sở GTVT An Giang nhìn nhận, nếu vị trí đặt Trạm thu phí T2 giữ nguyên vị trí hiện nay thì khi cầu Vàm Cống (bắc qua sông Hậu nối hai bờ Đồng Tháp và Cần Thơ) hoạt động (dự kiến cuối năm 2017), người dân phải hai lần trả phí cho đoạn đường vài kilômét.

Trong văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật ký mới đây, gửi các ngành chức năng TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang... đã thống nhất miễn, giảm đối với một số đầu phương tiện người dân sinh sống trong phạm vi lân cận Trạm thu phí T2, các luồng xe theo tuyến cố định, tuyến xe buýt, xe khách phục vụ vận chuyển hành khách công cộng từ Kiên Giang (QL80) về An Giang (QL91) và ngược lại. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật có ý kiến nhà đầu tư, chủ DN dự án phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, khảo sát nghiên cứu phương án di dời Trạm thu phí T2, đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ đường bộ. 

Cần Thơ kiến nghị Nhà nước mua lại BOT 91 và giao thành phố khai thác, sử dụng nhưng do nguồn vốn ngân sách đang hạn hẹp và chưa có chính sách mua lại trạm thu phí của các dự án BOT nên không thể thực hiện được. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, dù Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã ký văn bản thống nhất sẽ dời Trạm thu phí T2 nhưng thời gian cụ thể chưa thông báo.

Như Anh
.
.
.