Đề nghị dừng thu các trạm BOT không lắp thiết bị thu phí tự động
- Quốc lộ 5 tắc nghẽn: Tài xế trả tiền lẻ qua trạm BOT
- Tham vấn người trả phí sẽ loại trừ xung đột tại trạm BOT1
- Tổng kiểm toán: Tháng 9 công bố kết luận về trạm BOT Cai Lậy
- Gần 38% số trạm BOT chưa đảm bảo khoảng cách 70km
Theo thống kê từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam tính đến hết tháng 8, nằm trong Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc-giai đoạn 1 áp dụng cho QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, có 31 trạm BOT.
Đến nay, đã có 2 trạm rút khỏi dự án gồm Cầu Rác và Tào Xuyên; có 2 trạm chưa xây dựng trạm thu phí không dừng là trạm Bắc Giang; trạm Lạng Sơn thuộc dự án Bắc Giang-Lạng Sơn; đã có 23 trạm đã ký hợp đồng; 4 trạm đang đàm phán ký hợp đồng lắp hệ thống thu phí không dừng gồm Trạm Quán Hàu, Trạm Đông Hà, Trạm Cam Thịnh, Trạm Cần Thơ.
Tính đến ngày 31-8-2017, mới có 10 trạm vận hành chạy thương mại. Số còn lại, lãnh đạo Tổng cục đã tổ chức họp bàn và đi đến thống nhất sẽ lắp đặt hoàn chỉnh 12/23 trạm đã ký hợp đồng trước ngày 30-9; vận hành thương mại trước ngày 15-10. Đối với 6 trạm còn lại chưa ký hợp đồng, Công ty VETC phối hợp với Tổng cục tiếp tục thương thảo để ký dứt điểm Hợp đồng với các nhà đầu tư BOT; bắt buộc thực hiện kết nối hệ thống ETC do nhà đầu tư BOT lắp đặt với hệ thống thu phí không dừng của VETC trước ngày 30-10.
Một trong những trạm thu phí không dừng đầu tiên được triển khai. |
Để không xảy ra tình trạng “chây ỳ”, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng đề xuất Bộ GTVT: “Nếu các nhà đầu tư BOT không triển khai được hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng trước 30-10-2017 thì đề nghị Bộ GTVT cho phép tạm dừng thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ”.
Ngoài ra, ông Huyên cũng đề nghị bổ sung các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ của Công ty BOT; Cầu Giẽ-Ninh Bình của VEC; Hà Nội-Hải Phòng và QL5 của VIDIFI vào Dự án thu phí tự động không dừng của công ty VETC.
Dù cơ quan quản lý nhiều lần đưa ra “tối hậu thư” cho các nhà đầu tư BOT, nhưng doanh nghiệp BOT cố tình “chây ỳ” và cũng không bị đánh vào nguồn thu túi tiền từ chính các dự án BOT. Thậm chí, Bộ GTVT cũng không có một biện pháp mạnh tay nào. Việc thực hiện lắp đặt trạm thu phí không dừng giúp giải quyết tránh ùn tắc, minh bạch công tác thu phí, người hưởng lợi trực tiếp từ dịch vụ này chính là lái xe vì mức phí không tăng lại tiết kiệm được thời gian.
Nhà đầu tư cho dự án BOT cũng yên tâm hơn khi lượng thu phí đi qua trạm bao nhiêu thì sẽ được truyền về Ngân hàng và kiểm soát được luôn. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng chống được thất thoát, tiêu cực. Để tránh cho một đơn vị độc quyền triển khai dịch vụ thu phí ETC, Bộ GTVT khuyến khích tất cả các nhà đầu tư tham gia cung cấp dịch vụ thu phí không dừng.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, thực tế tại một số trạm thu giá, các nhà đầu tư BOT đề nghị được giữ lại khoảng 50% chi phí quản lý thu để thực hiện nhiệm vụ quản lý, giám sát và hậu kiểm. Việc này được Bộ GTVT đánh giá sẽ dẫn đến dự án ETC đang thiếu hụt nguồn thu từ giá dịch vụ thu phí, không đảm bảo khả năng thu hồi vốn, khó khăn trong việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng để triển khai thực hiện. Để hoàn vốn cho các nhà đầu tư BOT, Bộ GTVT kiến nghị và đề xuất Chính phủ cho phép các nhà đầu tư được kéo dài thêm thời gian thu phí.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc kéo dài thời gian thu giá sử dụng đường bộ của các dự án BOT sau khi đã hoàn vốn để bổ sung nguồn thu cho dự án ETC cần được xem xét kỹ, đảm bảo đúng quy định hiện hành, không gây bức xúc cho xã hội, người dân và chủ phương tiện tham gia giao thông.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm rõ về mức chi phí cho công tác thu giá trong mức giá sử dụng đường bộ của các nhà đầu tư BOT (trong đó xác định rõ chi phí quản lý, giám sát và hậu kiểm); chi phí cho công tác thu giá đối với việc sử dụng loại hình thu phí ETC.