Đầu tư hạ tầng để phát triển logistics cho ĐBSCL

Thứ Hai, 18/12/2017, 15:27
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng chủ lực về gạo, thuỷ sản, trái cây nhưng khoảng 80% hàng hoá của vùng phải vận chuyển lên các cảng ở Đông Nam bộ để xuất khẩu.

Nguyên nhân do vùng chưa đầu tư đồng bộ một trung tâm logistics. Nếu giải quyết được “nút thắt” về kết cấu hạ tầng giao thông thì logistics vùng ĐBSCL chắc chắn sẽ phát triển. Đây là nhận định của nhiều đại biểu tham dự hội nghị “Phát triển logistics trong lĩnh vực GTVT khu vực ĐBSCL” do Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức vào sáng 18-12.

Theo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho logistics vùng ĐBSCL còn nhiều tồn tại. Về đường bộ, một số quốc lộ như: QL53, QL 54, QL91, QL63…, chất lượng mặt đường còn thấp, trục kết nối giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh duyên hải kém, kết nối giao thông đường bộ với hệ thống cảng biển, cảng thuỷ nội địa hạn chế.

Trong khi đó, đường thuỷ tuy thuận tiện nhưng lạc hậu về hạ tầng. Về đường biển, vùng có luồng hàng hải nhưng quy mô năng lực cảng biển hạn chế. Vùng có cảng Cái Cui tại Cần Thơ nhưng chưa phát huy tác dụng do hệ thống kho bãi, hậu cần cảng biển chưa được đầu tư đồng bộ. Năng lực vận chuyển hàng hoá của Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc và 2 sân bay Cà Mau, Rạch Giá còn thấp. 

Năm 2017, sản lượng hàng hoá vận chuyển 4 cảng hàng không kể trên ước đạt 7.200 tấn, sản lượng hàng hoá chỉ chiếm 3% tổng lượng vận chuyển hàng hoá hàng không nội địa. Nguyên nhân do chưa hình thành hệ thống kho bãi trong logistics hàng hoá và chi phí vận tải cao khiến dịch vụ vận tải hàng hoá đường hàng không kém hấp dẫn…

Bốc dỡ hàng hoá tại cảng Cái Cui, Cần Thơ. 
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài tại hội nghị.

Theo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, để phát triển logistics thì vùng ĐBSCL cần giải quyết các vấn đề tồn tại trong kết cấu hạ tầng. Trong đó, cần tập trung ưu tiên một số dự án trọng điểm như: tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, QL1 đoạn Năm Căn - Cà Mau, tuyến kết nối đến các cửa khẩu quốc tế với Campuchia (QL91C, QL30)… 

Song song đó, cần sớm triển khai luồng Quan Chánh Bố giai đoạn 2, nâng cấp cảng Cái Cui thành cảng tổng hợp Quốc gia, mở thêm đường bay quốc tế tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ… Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: “Chúng tôi sẽ cử chuyên gia phối hợp với Đồng Tháp và Cần Thơ nghiên cứu hoàn chỉnh hệ thống logistics để giảm giá thành, giúp hàng hoá cạnh tranh trên thị trường. Cần hình thành nhiều trung tâm logistics phụ, hàng được gom về đây, sau đó vận chuyển về trung tâm logistics chính, từ đây xuất khẩu đi quốc tế”.

Văn Vĩnh
.
.
.