Cho phép các doanh nghiệp vận tải giảm chuyến
Sở GTVT Hà Nội cho biết, số liệu thống kê báo cáo của các đơn vị bến xe trên địa bàn như Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Nước Ngầm cho thấy, trong tháng 2-2020, đối với vận tải hành khách liên tỉnh đã giảm từ 40-50%, ước đạt 2,6 đến 3,15 triệu hành khách. Trong đó, giảm mạnh nhất là bến xe Nước Ngầm ở mức 65%, tiếp đến là bến xe Yên Nghĩa giảm 45%, các bến xe còn lại ở mức 30-40%.
Không chỉ vận tải hành khách liên tỉnh giảm, vận tải bằng taxi còn giảm mạnh hơn, ở mức 50-60% so với cùng kỳ tháng 2-2019, ước đạt 3,6- 4,58 triệu hành khách. Còn với loại hình vận tải xe hợp đồng (bao gồm cả xe công nghệ), du lịch giảm từ 70-80 %, ước đạt 3,1 đến 4,58 triệu hành khách. Đặc biệt, không còn xe hợp đồng đưa đón học sinh, nhiều lễ hội xuân không tổ chức... Vận tải hàng hóa cũng giảm 30% so với cùng kỳ.
Đó là số liệu của Hà Nội, còn trên cả nước, số lượng xe xuất bến và sản lượng hành khách vận chuyển giảm rất mạnh. Sản lượng vận tải hàng hoá đường bộ trong tháng 2 giảm 6,4%, sản lượng hành khách giảm 16,3% so với tháng 1 và giảm 5,9% so cùng kỳ năm 2019. Một số địa phương bị ảnh hưởng lớn như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, đặc biệt, ở Khánh Hoà, sản lượng vận chuyển khách vận tải du lịch giảm tới 70%...
Nói về hệ lụy của ngành vận tải đường bộ, một chuyên gia giao thông phân tích, dịch bệnh khiến một chuỗi dây chuyền tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm bị ngưng trệ. Các ngành du lịch, ăn uống giảm mạnh doanh thu do vắng khách; các TP lớn thiếu đi hàng triệu học sinh, sinh viên tỉnh xa. Tình trạng này khiến các nhà cung cấp nhu yếu phẩm, thực phẩm cũng lâm cảnh ế ẩm, hàng hóa không tiêu thụ được.
Trong tháng 2, lượng khách qua bến xe Nước Ngầm giảm tới 65%. |
Và dĩ nhiên, nó khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa giảm đáng kể, các doanh nghiệp vận tải hàng bị ảnh hưởng rất lớn. Song mức độ thiệt hại của ngành vận tải dường như chưa được các nhà quản lý, ngân hàng nhìn nhận đầy đủ. Chính vì thế những ngày qua, nhiều biện pháp hỗ trợ nông nghiệp, thương mại… đã được thực hiện nhưng hỗ trợ cho vận tải lại chưa có.
Trong khi đó, vận tải là một trong những ngành kinh tế có sức chịu đựng khá kém do lệ thuộc quá lớn vào doanh thu hàng ngày và chi phí đầu vào cao. Nếu không được hỗ trợ, vận tải sẽ “gục” trước tất cả các ngành kinh tế khác trong bối cảnh sụt giảm hành khách, hàng hóa nghiêm trọng như hiện nay.
Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp vận tải, Sở GTVT Hà Nội kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ GTVT tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vận tải trong công tác phòng, chống dịch hiệu quả (đặc biệt đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách đi xe); hỗ trợ doanh nghiệp tìm đối tác, thị trường mới, qua đó sẽ tạo động lực phát triển hoạt động vận tải; xử lý tốt các tin đồn thất thiệt gây hưởng đến tâm lý người dân; kết hợp phát triển vận tải theo chuỗi các giải pháp kích cầu đầu tư của các ngành khác; cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư trong lĩnh vực vận tải.
Bên cạnh đó, có chính sách, giải pháp đảm bảo an toàn trong hoạt động giao thông vận tải; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, giảm phát sinh khí thải trong giao thông vận tải; có kế hoạch, phương án phát triển hoạt động giao thông vận tải an toàn và bền vững khi hết dịch...
Đặc biệt, Sở GTVT Hà Nội đề nghị cho phép các đơn vị kinh doanh vận tải chủ động cắt giảm bớt số chuyến, không áp dụng việc xử lý vi phạm về sản lượng theo quy định tại Thông tư của Bộ GTVT. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị vận tải, bến xe như giảm lãi suất vay, giãn thời gian trả nợ tại các ngân hàng; cho phép lùi thời gian đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Về lĩnh vực hàng hải, Phó Cục trưởng Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu đã giảm mạnh với lý do nhiều thị trường lớn hiện nay như Trung Quốc sụt giảm, việc vận chuyển hàng hóa trên đường biển hay hoạt động của các doanh nghiệp, kinh doanh cảng, kho bãi cũng ảnh hưởng theo. Trong tháng 2, sản lượng vận tải hàng hoá giảm 30% so với tháng 1 và giảm 0,3% so với cùng kỳ; sản lượng hành khách giảm tương ứng 17,8% và 3,4%. Các doanh nghiệp vận tải biển trong nước đứng trước nguy cơ thiếu nguồn cung đầu vào (nguyên vật liệu) cho hoạt động sản xuất, kinh doanh... |