Viết tiếp bài “vỉa hè Hà Nội sau thanh tra”:

Câu chuyện của quản lý và trách nhiệm công vụ

Thứ Năm, 26/07/2018, 06:39
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã làm được rất nhiều việc. Bộ mặt Hà Nội đổi thay nhờ những đường cây đẹp; Hà Nội kiên quyết cắt ngọn công trình sai phạm, tạo kỷ cương, lập lại trật tự xây dựng đô thị… 


Thế nên, câu chuyện đầu tư vỉa hè một cách bài bản, khoa học, đảm bảo đẹp cảnh quan và bền vững lâu dài không phải là chuyện quá khó với Hà Nội. Câu chuyện vỉa hè Hà Nội không chỉ dừng lại ở chuyện vỉa hè mà là câu chuyện quản lý, câu chuyện trách nhiệm công vụ. 

Những bất cập chưa hẹn ngày khắc phục

Như Báo CAND số ra ngày 23-7 đã thông tin, câu chuyện vỉa hè sau thanh tra, khắc phục hậu quả vẫn đang là vấn đề dư luận quan tâm. Sai phạm đã được chỉ ra, thành phố đã chỉ đạo xử lý đến nơi, nhưng việc thực thi thì chưa đến chốn. 

Sự thiếu minh bạch khi triển khai xây dựng các tuyến vỉa hè đã dẫn đến nhiều bất cập mà chưa khắc phục được. 

Cụ thể, nhiều dự án triển khai thiếu sự đồng bộ. Vỉa hè không đơn thuần chỉ là lối đi mà còn liên quan đến cáp viễn thông, điện lực, cấp nước, thoát nước… 

Vi phạm tại các dự án lát đá vỉa hè gây lãng phí ngân sách.

Bởi thế, thành phố quy định phải thực hiện đồng bộ, nếu chưa hạ ngầm các hạng mục trên thì kiên quyết chưa lát đá. Thế nhưng, dù quy định như vậy, dù chưa cho phép mà các quận cứ làm và hậu quả là sẽ phải đào lên vào một ngày nào đó. 

Ví dụ như tuyến phố K3, N3 quận Hà Đông; tuyến phố Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Khắc Nhu – Hàng Bún quận Ba Đình… Sai phạm này sẽ dẫn đến tốn kém, phá cảnh quan, ảnh hưởng đến sức bền vật liệu và phát sinh chi phí. 

Đối với các khu dân cư, nơi người dân chưa làm nhà mà đã lát đá vỉa hè (như ở dự án hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ thành đất đấu giá quyền sử dụng đất tại phường Phú Lương, quận Hà Đông và một số nơi khác) thì quá lãng phí, và khi người dân xây dựng, cái vỉa hè tốn bao tiền của ấy sẽ bị phá tan.

Đối với các tuyến phố chưa có chủ trương lát đá vỉa hè nhưng quận vẫn cho làm như: Xây dựng tuyến đường 25m từ đê sông Đuống đến tuyến đường quy hoạch mặt cắt ngang 40m tại phường Ngọc Thụy; dự án Xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến đường gom cầu Thanh Trì, phường Thạch Bàn, Cự Khối của quận Long Biên. 

Đây là những tuyến phố không phải phố cổ, không phải trung tâm quận, hè phố chưa ổn định. Quận Hà Đông thì sử dụng ngân sách để lát đá các tuyến phố khi chưa có chủ trương của thành phố, thực hiện dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp vỉa hè quốc lộ 6A (đoạn Phùng Khoang – Ba La không thông qua HĐND quận chấp thuận, dự án không có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn của quận giai đoạn 2013-2015.

Như vậy các quận này không chỉ sử dụng lãng phí nguồn ngân sách mà còn thể hiện sự không chấp hành kỷ cương hành chính. Ai sẽ chịu trách nhiệm để duyệt chi những phát sinh đó? Trên chỉ đạo quyết liệt nhưng dưới thực hiện không nghiêm. Rõ ràng, đây không còn là câu chuyện vỉa hè đơn thuần nữa.

“Đừng nghĩ nó chỉ là cái vỉa hè – nó là câu chuyện quản lý đô thị”

Mặc dù UBND thành phố đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm sai phạm khi thực hiện các dự án lát đá vỉa hè bằng 2 văn bản cụ thể. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, tức là sau gần nửa năm trôi qua, mới chỉ có vài quận chấp hành chỉ đạo, báo cáo kết quả xử lý, trong đó có quận làm báo cáo hời hợt khiến cơ quan được giao tập hợp kết quả xử lý là Sở Xây dựng Hà Nội phải báo lên thành phố xin ý kiến chỉ đạo. 

Lại một lần nữa, chỉ đạo của chính quyền cấp trên không được coi trọng. Hơn thế nữa, một số địa phương có xử lý nhưng xử lý chưa đến nơi, chưa tới người chịu trách nhiệm chính trong từng dự án.

Tại báo cáo của UBND quận Hà Đông cho thấy, quận Hà Đông đã kiểm điểm 3 tập thể và 21 cán bộ công chức, trong đó có 14 cán bộ công chức thuộc Ban quản lý dự án quận, còn lại là các cán bộ, công chức thuộc Phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Quản lý đô thị. 

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu 21 cán bộ công vụ kia có quyền quyết định đầu tư một dự án không được thành phố phê duyệt không? Liệu họ có quyền sử dụng tiền ngân sách để lát đá vỉa hè khi chưa được phép không? Bởi vậy, dù kiểm điểm trách nhiệm nhiều cán bộ công vụ nhưng quận Hà Đông vẫn chưa kiểm điểm, xử lý đến nơi. 

Ông Đào Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đối với các quận báo cáo chưa đạt yêu cầu một số nội dung thì Sở đã báo cáo thành phố, thành phố có văn bản lần 2 yêu cầu các quận này phải thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm, hiện Sở Xây dựng đang tập hợp lại. 

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, câu chuyện vỉa hè Hà Nội là câu chuyện của đô thị. Người ta nhìn vỉa hè thế nào thì người ta biết được đô thị đó ra sao. 

Bởi vì, vỉa hè là không gian công cộng, nhưng không gian công cộng này được chia sẻ bằng quyền lợi, lợi ích cá nhân và đồng thời có cả lợi ích của một nhóm lợi ích có quyền lực nữa. Thế cho nên, bài toán vỉa hè là bài toán của xã hội, của vấn đề quản trị đô thị chứ đừng nghĩ nó chỉ là cái vỉa hè.

Cho nên mặc dù chúng ta có rất nhiều tranh luận về đô thị Hà Nội hay đô thị TP Hồ Chí Minh nhưng cái vỉa hè bao giờ cũng là nóng bỏng nhất. Cho nên việc Hà Nội có chủ trương lát lại đá vỉa hè với mục đích là làm sao cho văn minh, sạch đẹp, trả lại cho người đi bộ, chủ trương đó, ý tưởng đó là rất đúng. Nhưng, trong quá trình thực hiện có vấn đề. 

Thứ nhất vỉa hè đó có chứa đựng rất nhiều vấn đề của xã hội, nó không chỉ là nơi đi lại mà là nơi chứa đựng tất cả các vấn đề của hạ tầng kỹ thuật, từ cáp điện, cáp quang, hệ thống cấp nước đô thị… cho nên khi động đến vỉa hè là phải đồng bộ của các ngành chức năng mà thành phố quản lý.

Thứ hai, khi lát đá hay không lát đá, muốn cải tạo gì phải tạo được sự đồng thuận để người dân biết, tham gia làm chủ sở hữu vỉa hè đó. Còn chuyện vật liệu vỉa hè, không phải cứ lát đá là đúng, là đẹp vì lát đá với kích thước vuông 30x30cm mà dầy độ 3-4 cm thì không đảm bảo chịu lực. 

Nước ngoài họ lát đá theo hình trụ, tức là diện tích bề mặt nhỏ, có thể chỉ là 10x10cm nhưng chôn sâu 15cm bởi đá chỉ chịu nén, nên bề rộng bao nhiêu thì càng dễ gẫy bấy nhiêu. Thêm nữa là chúng ta lát đá không dùng thợ chuyên nghiệp mà là thợ mùa vụ nên họ không hiểu kỹ thuật. 

Việc lấy đá ở đâu, cách lấy thế nào cũng là vấn đề. Không đơn giản cứ nhập đá về là được, loại đá khai thác thủ công và đá dùng mìn khác nhau. Đá dùng mìn thì bản thân đá bị om, không dùng đá khai thác nổ mìn để lát đá vỉa hè. Thế cho nên chuyện lát đá là rất nhỏ nhưng bộc lộ nhiều vấn đề như nguồn kinh phí, đơn vị thi công và quản lý đô thị, trách nhiệm thi công… nó là câu chuyện của nhà quản lý. 

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho rằng, vấn đề lát đá vỉa hè vừa qua cho thấy sự thiếu minh bạch trong công tác xây dựng, thực hiện dự án, là câu chuyện của quản lý đô thị và là sự thờ ơ, trách nhiệm trước nguồn vốn của nhà nước, trước các dự án mà trên bảo dưới không nghe. 

Một vỉa hè sạch đẹp, mà phải hiểu cái đẹp ở đây không phải cứ lát đá là đẹp mà cái đẹp phải hiểu đấy là không gian thân thiện, người khuyết tật đi xe lăn không bị cản trở, khách du lịch đến đi lại bình thường, mua bán, đấy mới thể hiện là một đô thị hạnh phúc, đô thị văn minh. 

Vai trò quản lý đô thị phải từ cấp phường đến cấp quận chứ không phải chỉ từ cấp thành phố.
Hà Nội khi sáp nhập đã đặt ra tiêu chí rõ ràng trong việc xây dựng thành phố xanh sạch đẹp, trong đó có vấn đề trật tự đô thị, vấn đề quản lý và sử dụng vỉa hè.

Giờ là lúc Hà Nội cần chấn chỉnh cho nó có nề nếp, bài bản để giảm tác động xấu đến giao thông, đến cảnh quan môi trường. Bởi đây không còn là vấn đề vỉa hè mà là vấn đề quản lý và trật tự kỷ cương. 

Nhóm PV
.
.
.