Cần mạnh tay xử phạt doanh nghiệp vận tải chây ỳ giảm giá cước

Thứ Sáu, 11/09/2015, 09:59
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết: Theo tính toán, chi phí xăng dầu chiếm tới 25-35% cước vận tải, nên giá xăng dầu biến động thì giá cước vận tải biến động theo là điều hiển nhiên.
Tuy nhiên, ở Việt Nam có một nghịch lý là khi giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải tăng theo rất nhanh, nhưng khi giá xăng dầu giảm thì giá cước vận tải lại không giảm hoặc giảm rất chậm. Ông Hùng dẫn ví dụ: Từ ngày 28/7/2014 đến 21/1/2015, sau 14 lần liên tục giảm giá, xăng RON 92 chỉ còn 15.677 đồng/lít, giảm 9.963 đồng so với trước khi điều chỉnh giá, nghĩa là gần 39%, nhưng giá cước vận tải “án binh bất động”. 

Vin vào đó, giá cả hàng loạt hàng hóa có liên quan cũng “giẫm chân tại chỗ”, bởi cước vận tải cũng là một trong những yếu tố cấu tạo nên giá thành hàng hoá. Thời điểm đó, sau khi Vinastas ngoài việc lên tiếng trên các phương tiện truyền thông, có văn bản gửi Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính kiến nghị có biện pháp mạnh hơn; đồng thời nhiều cơ quan, ban ngành khác kiên quyết vào cuộc, cước vận tải đã có giảm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, “bổn cũ” lại được “soạn lại”.

Cước vậ tải chỉ giảm khi cơ quan quản lý Nhà nước cương quyết mạnh tay xử lý doanh nghiệp vi phạm. Ảnh: Thiện Hoàng.

“Trong năm nay, kể từ khi lập đỉnh 20.711 đồng/lít vào ngày 19/6/2015, nay xăng dầu đã giảm giá 5 lần chỉ còn 17.338 đồng/lít, nhưng giá cước vận tải vẫn hầu như không nhúc nhích. Câu hỏi đặt ra là liệu vấn đề lợi ích cục bộ có phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất cập cứ lặp đi, lặp lại trong các năm từ 2011 đến nay? Thậm chí không loại trừ khả năng bắt tay làm giá giữa các nhà kinh doanh?” – ông Hùng đặt vấn đề. 

Với hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực giá, ông Nguyễn Tiến Thoả - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội thẩm định giá Việt Nam cho biết: Nếu so với mức giá trước ngày 4-7-2015 thì xăng đã giảm 16,3%, dầu diesel giảm 17,21%. Theo đó, đối với xe chạy xăng, giá cước vận tải sẽ giảm được 4,1-5,7% tùy loại xe. Như vậy, cước taxi đã có thể giảm 448 đồng – 884 đồng/km.

Đối với xe chạy dầu, giá cước vận tải sẽ giảm được  6-7,75%, tức là với tuyến đường khoảng 150km, giá vé sẽ giảm được từ 5.000 đồng đến khoảng 6.400 đồng. Cũng theo ông Thoả, trên thực tế, giá cước taxi ở Việt Nam hiện đang cao hơn đáng kể so với các nước khác trong khu vực, như ở Bangkok, Thái Lan là 3.800đ/km (6 bath), Manila, Philippines: 5.700đ/km (11,93 peso), Jakarta, Indonesia 6.300đ/km (4.000 rupiah) và thậm chí ở Singapore cũng chỉ 8.700đ/km (0,55SGD).

Như vậy so với giá cước tại Singapore, một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, thì giá cước taxi tại Hà Nội (dao động từ 11.000 đồng đến 13.900 đồng/km) đang cao hơn từ 26,4% đến 60% và ở TP Hồ Chí Minh (từ 14.500 đến 15.500 đồng/km) đang cao hơn tới 66,7% đến 78,2%. Đây là một mức chênh lệch rất vô lý.

Dù xăng dầu đã giảm giá nhiều lần nhưng rất ít nhà xe giảm cước vận tải.

Khẳng định quản điểm để giá cước vận tải vận hành theo cơ chế thị trường là đúng, ông Nguyễn Tiến Thoả cũng cho rằng điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp “muốn làm gì cũng được”. “Đối với giá cước vận tải, Nhà nước không điều tiết bằng mệnh lệnh hành chính mà chỉ điều tiết bằng cơ chế, bằng nguyên tắc và vẫn tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đã không tuân thủ thì Nhà nước phải can thiệp theo quy định của pháp luật để bình ổn thị trường” - ông Thoả khẳng định.

Việc xăng dầu - yếu tố cấu thành cơ bản của giá cước vận tải giảm mà doanh nghiệp không giảm giá kịp thời, tức là vừa không thực hiện đúng yêu cầu của cơ chế thị trường vừa không thực hiện đúng quy định của Luật Giá. Sự không tuân thủ này là hành vi của các doanh nghiệp trong một thị trường cạnh tranh không hoàn hảo - nguyên nhân chính tạo ra hiện tượng “neo giá” của các doanh nghiệp.

Với những lập luận trên, ông Thoả khuyến nghị cần xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp không thực hiện yêu cầu kê khai lại giá. Thứ hai là thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá, tiến hành xử phạt hành chính, buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi do việc lợi dụng cơ chế giá thị trường để định giá bất hợp lý. Thứ ba và cũng là giải pháp căn cơ, lâu dài chính là thúc đẩy cạnh tranh về giá và chất lượng.

Thành lập 3 đoàn kiểm tra

Bộ Giao thông vận tải vừa quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải. Đoàn 1 thực hiện kiểm tra công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải bằng xe ôtô khu vực miền Bắc; giá dịch vụ vận chuyển hàng không trong cả nước. Đoàn 2 thực hiện kiểm tra tại khu vực miền Trung và đoàn 3 kiểm tra khu vực miền Nam. Với các doanh nghiệp, công tác kiểm tra sẽ được tiến hành qua các nội dung: tình hình giá cước vận tải trong 8 tháng đầu năm 2015; kê khai niêm yết giá cước, việc thực hiện giá cước khi giá nhiên liệu giảm; vé và công tác phát hành vé (đối với vận tải hành khách tuyến cố định).

Bộ GTVT cũng sẽ tiến hành kiểm tra công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá dịch vụ vận chuyển hàng không đối với 5 đơn vị: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam-CTCP; Công ty Bay dịch vụ hàng không - VASCO; Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific; Công ty Cổ phần Hàng không VietJet và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam. Các đoàn kiểm tra phải báo cáo kết quả trước ngày 25/10.

Huyền Hân
.
.
.